Đường dẫn truy cập

Miếng ăn trong văn hóa Việt Nam


Có những dân tộc bị ám ảnh triền miên bởi những vấn đề siêu hình, nhờ đó tôn giáo và triết học, đặc biệt siêu hình học, phát triển rực rỡ. Có những dân tộc khác bị ám ảnh bởi kỹ thuật, hết cày cục sáng chế cái này thì lại cày cục sáng chế cái khác, máy móc mới ra đời dồn dập, nhờ thế, họ tiến bộ không ngừng.

Còn dân tộc Việt Nam? Hình như chỉ có một ám ảnh lớn: Ăn.

Nói văn hoá Việt Nam quá coi trọng miếng ăn thì có vẻ hơi kỳ nhưng không chừng đó lại là sự thật.

Chứ không phải sao? Có vô số bằng chứng. Trước hết, cứ nhìn vào truyền thuyết Việt Nam thì cũng có thể thấy ngay điều đó.

Khi một ông vua Hùng vương nào đó muốn truyền ngôi lại cho con thì ông lựa chọn ra sao? Chọn đứa nấu ăn ngon nhất! Kết quả là cái kẻ nhờ tiên hay Bụt gi đó chỉ cách nấu bánh dày và bánh chưng đã chiến thắng và dành được ngai vàng.

Vị anh hùng mang tầm sử thi đẹp nhất của Việt Nam, thánh Gióng, thì nhờ ăn thật nhiều mà lớn như thổi để thoắt một cái, từ một đứa bé lên ba bỗng thành một thanh niên tuấn tú và oai vệ phóng lên mình ngựa sắt xông ra ngoài chiến trận đánh giặc.

Vị anh hùng văn hoá được sử sách yêu mến, An Tiêm, thì có công chính là trồng…dưa hấu.

Mối tình sau này gắn liền với phong tục cưới hỏi ở Việt Nam thì lại bắt đầu bằng một bữa ăn để phân biệt anh và em và kết thúc cũng bằng cái ăn, nhưng là… ăn trầu!

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, công việc gì phổ biến nhất? Cúng! Ở đâu cũng cúng. Với thần nào cũng cúng. Với người chết nào cũng cúng. Vừa mới nằm xuống, trên đầu chiếc quan tài đã có bát cơm và quả trứng luộc để…có sức qua bên kia thế giới.

Cũng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, vị thần nào được chú ý nhất? Câu trả lời: Vua Bếp. Chỉ có Vua Bếp là có được một ngày cúng riêng trong năm: 23 tháng Chạp.

Hãy đọc lại truyện tiếu lâm Việt Nam mà xem. Các đề tài chính là gì? Là: sự giả dối của các loại thầy, từ thầy chùa đến thầy bói, thầy pháp và thầy địa lý; thói sự vợ; và, nhất là, tật… tham ăn. Cái ăn trở thành một trung tâm chú ý của xã hội.

Nhưng bằng chứng rõ nhất là trong ngôn ngữ.

Một trong những nơi người Việt chứng tỏ óc độc lập và khả năng sáng tạo nhất là trong lớp từ vựng chỉ việc chế biến bằng lửa các món ăn mặn trong tiếng Việt.

Nhà văn Võ Phiến nêu lên mấy chục từ: nấu, nướng, chiên, kho, hầm, hâm, ninh, hấp, rán, ran, chưng, luộc, chần, trụng, lùi, trui, phi, xào, xáo, quay, um, tráng (chả), đổ (bánh bèo), rim, tiềm, đồ, xôi, thổi, đun, hun, nhúng, khử, đồ, chấy, thắng, đúc (bánh), bung, sao, hui, (thịt) hon, khìa, thưng, thuôn (thịt), om (cà), tần (với thuốc bắc), ám (cá), v.v...

Rồi ông bình luận: “Hầu hết là tiếng thuần Việt”. Và bàn tiếp: “Trong các lãnh vực văn học, triết học, hành chánh, kỹ thuật nông nghiệp... ta phải mượn vô số tiếng của người, kho ngôn ngữ ta lổn nhổn đầy tiếng Hán Việt. Nhưng khi vào bếp thì ta ngẩng cao đầu, không cần học theo ai, không mượn tiếng nói của ai cả.”

Từ đó, ông ghi nhận vai trò của người phụ nữ: “Vẻ vang thay người nội trợ tiền bối của chúng ta, tự buổi ban đầu xa lắc xa lơ của lịch sử đã nghênh ngang tung hoành đầy tự tín, giữa làn khói thơm tho ngào ngạt trong gian nhà bếp.” (Sống và Viết, 1996, trang 156-7).

Tuy nhiên, trong lãnh vực ngôn ngữ, không ở đâu vai trò của cái ăn được thể hiện rõ cho bằng trong chữ “ăn”.

Cứ mở bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ra mà xem: Chữ “ăn” bao giờ cũng có thật nhiều nghĩa và thật nhiều cách kết hợp. Ăn chay. Ăn chận. Ăn chẹt. Ăn chơi. Ăn cánh. Ăn gian. Ăn hại. Ăn khách. Ăn khớp. Ăn mặc. Ăn nằm. Ăn nhịp. Ăn sương. Ăn nắng. Ăn đèn. Ăn ảnh. V.v… Trong đó có vô số kết hợp, ăn không dính dáng gì đến chuyện đưa cái gì vào miệng, nhai và nuốt cả. Nói ăn nằm, nhưng nằm là chính; ăn chỉ là chuyện phụ, có hay không cũng chẳng sao.

Đã có nhiều người viết về tính chất phong phú và đa dạng trong ý nghĩa và trong cách kết hợp của chữ ăn nên tôi không muốn nhắc lại làm gì. Tôi chỉ xin lưu ý hai điểm:

Thứ nhất, ăn, với người Việt Nam, có nghĩa là cách sống nói chung. Đầu tiên, cách sống được hiểu theo nghĩa hẹp, như một thứ nghề nghiệp: Ăn sương, ăn đêm, ăn trộm, ăn cắp, v.v… Sau, rộng hơn, chỉ cách xử thế: Ăn trên ngồi trốc, ăn cháo đái bát, ăn xổi ở thì, hay, cố đấm ăn xôi, v.v... Vì là cách sống như thế, người Việt Nam mới coi “học ăn” là bài học đầu tiên dành cho trẻ em, nhất là với phái nữ: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Thứ hai, ăn, với người Việt Nam, được xem là tiêu chuẩn để phân biệt thành công và thất bại, chiến thắng và chiến bại. “Thắng” và “bại” là từ Hán Việt. Tương đương với từ “thắng” và “bại”, trong tiếng thuần Việt, là ăn và thua. Nói một cách đơn giản: Thắng có nghĩa là được ăn. Thua là mất phần ăn. Hết.

Không phải chỉ trong ngôn ngữ hay trong văn hoá dân gian, ngay trong văn học viết, cái ăn cũng chiếm vị trí cực kỳ quan trọng.

Ăn là một trong những đề tài chính của một dòng văn học: Dòng văn học hiện thực phê phán.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và Nam Cao, đề tài miếng ăn, đúng hơn: cái khổ và cái nhục của miếng ăn, được lặp đi lặp lại rất nhiều.

Trong số đó, theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Nam Cao là “cây bút viết về cái đói và miếng ăn nhiều hơn cả, và viết một cách sâu sắc, cay đắng, day dứt hơn cả” (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1996, tr. 180).

Ăn còn là đề tài phổ biến, nếu không muốn nói là phổ biến nhất của một thể loại: Tuỳ bút.

Hầu hết các nhà tuỳ bút nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đặc biệt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đều là những kẻ sành ăn và thích viết về cái ăn: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Võ Phiến, v.v…

Với những bằng chứng kể trên, nói người Việt Nam coi trọng miếng ăn không đúng hay sao?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG