Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: “Em đi qua đời tôi”


Tôi rất thích bài “Em đi qua đời tôi” của Ngu Yên:
Trọn bài thơ chỉ có một chữ: “Nữ”.

Có thể đó là tên của người được gọi là “em” trong tựa đề bài thơ mà cũng có thể là “phụ nữ” nói chung.

Tôi có khuynh hướng nghiêng về cách hiểu sau vì, một là, bài thơ không có vẻ gì là viết về một người nào cụ thể; hai là, hiểu theo cách sau, bài thơ sẽ hay hơn hẳn.

Ý nghĩa của nó là: tình yêu, trước hết, là một ý thức về phái tính. Hãy nhớ lại kinh nghiệm của thời mới lớn, thuở bắt đầu đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư: với con trai, điều họ xúc động đầu tiên đâu phải nhất thiết là cô A, cô B nào nhất định. Chỉ cần là con gái, chỉ cần một mái tóc dài, một đôi môi đỏ, một ánh mắt long lanh... là đã thấy lòng rạo rực, nao nao. “Tiểu thư”, trong câu thơ Huy Cận vừa dẫn, có thể là ai cũng được, miễn là... “tiểu thư”.

Sau này, qua cái thuở ban đầu lưu luyến ấy - thơ Thế Lữ - người ta chọn người yêu theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau, trong đó, không loại trừ khả năng, nói như người ta thường nói, do “tiếng sét ái tình”. Tuy nhiên, ý thức về phái tính vẫn không hề mờ đi chút nào: người ta vẫn nhìn người mình yêu, trước hết, như một người khác phái (không kể những người đồng tính luyến ái, dĩ nhiên!).

Nhà thơ đón người phụ nữ vào đời mình với niềm xúc động lớn đến bàng hoàng, đến nghẹn ngào: khoảng cách giữa chữ N và khá xa khiến người đọc có thể hình dung ra thành Nữ...ữ. là tiếng rên. Sự gặp gỡ mang lại nhiều đam mê và khoái lạc. Thời gian càng dài, đam mê và khoái lạc càng nồng: chữ ữ từ một tăng dần lên hai, ba, bốn, năm, sáu.

Nhưng rồi, một ngày, đột ngột, người con gái ấy ra đi. Cũng bất ngờ như khi nàng đến. Chúng ta thấy được điều đó vì chữ Nữ rụng mất. Từ hàng thứ bảy, chỉ còn lại những âm ữ lẻ loi. Chúng là dư âm của những đam mê và khoái lạc ngày trước chăng? Chúng là những tiếng rên rỉ vì đau đớn, xót thương, nhớ nhung một mối tình đã lỡ, một người tình đã xa rồi chăng? Có thể.

Có điều, dù là dư âm của một khoái lạc hay là tiếng rên rỉ vì mất mát thì tất cả cũng nguôi ngoai theo thời gian: từ câu thứ bảy, mỗi hàng lại một thụt sâu vào trong khiến bài thơ cứ nghiêng dần, nghiêng dần. Như một dòng ngày tháng trôi qua. Từ nguôi ngoai đến quên: chữ Nữ mất, mà âm cũng biến theo luôn, chỉ còn những dấu ngã mờ mờ, nhạt nhạt, như những kỷ niệm đang mờ mờ phai. Xa, thật xa.

Nhưng nhà thơ không quên hẳn. Dễ gì người ta có thể quên hẳn một gặp gỡ, một tình yêu trong đời. Có khi nó lặn xuống, đâu đó. Lâu, có khi lâu lắm, nó lại thình lình thức dậy trong lòng. Không còn như một đam mê hay cảm giác đau đớn nữa, mà như một ngạc nhiên, một sững sờ, một băn khoăn, chẳng hạn: Tại sao, giữa hàng tỉ người trên quả đất này, mình không gặp ai, không yêu ai mà lại gặp, lại yêu ngay chính người con gái ấy? Tại sao có sự ngẫu nhiên ấy? Rồi tại sao người con gái ấy không ở lại mà chỉ đi lướt qua đời mình? Đó có phải là tình yêu chăng? Nhưng tình yêu là gì? Tại sao, như Mai Thảo có lần tự hỏi:

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào


Tự dưng tôi nhớ đến một bài thơ của Xuân Diệu có tựa đề rất gần với bài thơ của Ngu Yên; “Đời anh em đã đi qua”. Bài thơ như sau:

Đời anh em đã đi qua
Sáng thơm như một luồng hoa giữa đời.
Hiểu làm sao hết, em ơi
Bốn năm kỳ diệu đất trời, nhờ em.
Ngôi nhà, cánh cửa, trái tim,
Khóm cây, con mắt ngày đêm đón mừng.

Em đi, anh ngóng trông chừng;
Anh về, miệng đã gọi lừng: em ơi !
Bữa ăn thành một hội vui,
Có em gắp với, rau thôi cũng tình,
Cảnh thường cũng hoá ra xinh;
Có em, anh hết ngẫm mình bơ vơ.

Bốn năm đầm ấm, say sưa,
Tình yêu có biết hạn bờ là đâu.
Bốn năm nhưng cũng qua mau,
Cõi trần ai có ở lâu thiên đường;
Giã từ, từ biệt đôi phương,
Đôi nơi, đôi ngả, đôi đường: khổ anh !

Bốn năm, lại khép trời xanh;
Nhớ em như một mộng lành mà thôi.
Từ đây, anh lại trong đời
Bữa cơm ngồi với một đôi đũa cầm;
Giường kia một bóng anh nằm;
Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều.

Muôn vàn cảm tạ em yêu
Chất cho anh biết bao nhiêu ân tình!
Ai hay anh đã để dành
Áng hương một thuở thơm thanh suốt đời;
Sống bằng nhớ lại nguồn vui,

Nhớ khi ôm cả đất trời cùng em…

Điều cần nói ngay: đây chỉ là một bài thơ tình bình thường, thậm chí khá dở, trong cái cõi thơ tình bát ngát và tuyệt đẹp của Xuân Diệu. Tôi không muốn chọn một bài thơ thất bại của Xuân Diệu để so sánh với một thành công đột xuất của Ngu Yên. Ở đây, tôi chỉ giới hạn sự nhận xét của mình trong hai bài thơ, “Em đi qua đời tôi” và “Đời anh em đã đi qua” mà thôi: tôi có cảm giác, trừ đoạn cuối quá hiền lành, cả bài thơ dưới cơ hồ chỉ là một đoạn văn diễn xuôi bài thơ trên.

Điều đó chứng tỏ là chỉ với một từ duy nhất (Nữ), cộng với một ít ký hiệu (dấu ngã, dấu hỏi…), Ngu Yên đã có thể “nói” được khá nhiều, không những về lịch sử một mối tình mà còn cả tâm trạng, tâm thái của nhà thơ, không những “nói” được những gì Xuân Diệu phải diễn đạt trong 30 câu mà còn “nói” được cả những gì Xuân Diệu không nói được: cái dư âm đầy thao thức của một mối tình, với những dấu hỏi lửng lơ treo miết đến tận cuối đời. Điều đó cũng chứng tỏ ý nghĩa và tầm quan trọng của các loại ký hiệu phi từ vựng và cách trình bày trong bài thơ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG