Đường dẫn truy cập

Thành tích nhân quyền của Bắc Kinh bị lên án


Hôm thứ Năm vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn hành và duyệt binh qui mô lớn tại Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh để phô trương sức mạnh quân sự và tiến bộ kinh tế nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó, nhiều người ở Hồng Kông và các nơi khác đã lên án thành tích nhân quyền tệ hại của Bắc Kinh và kêu gọi các nước tiếp tục đòi hỏi giới lãnh đạo Cộng Sản ở Trung Nam Hải tuân hành những nghĩa vụ quốc tế về thực thi quyền con người. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã hô vang những câu “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm”, “Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm” hôm thứ năm vừa qua tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày chào đời của nước Trung Hoa theo chủ nghĩa Cộng sản. Giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải cũng đã nhân dịp kỷ niệm này để phô trương sức mạnh quân sự và những tiến bộ kinh tế qua một cuộc diễn hành và duyệt binh hoành tráng với sự tham dự của khoảng 200 ngàn người.

Tuy nhiên, những màn trình diễn mà Trung Quốc gọi là “để ăn mừng những thành tựu của nước Trung Hoa hiện đại” đã không gây ra ấn tượng nào đáng kể đối với những người mặc áo đen tụ tập bên ngoài Viện Lập Pháp Hồng Kông hồi chiều thứ Năm. Trong lúc lên tiếng yêu cầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc phục hồi danh dự cho những người tham gia cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn cách nay 20 năm, những người ở Hồng Kông nói rằng dân chúng ở Trung Quốc vẫn còn chìm đắm trong cảnh nô lệ.

Một trong những người tham gia cuộc biểu tình là ông Tư Đồ Hoa, cựu nghị viên Viện Lập Pháp Hồng Kông. Ông nói với đài VOA như sau khi được hỏi về lý do ông tiếp tục chống đối chính phủ ở Bắc Kinh trong lúc những biện pháp cải cách kinh tế của chính phủ này đã đưa hơn 500 triệu người ở Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo túng.

Ông Tư Đồ Hoa nói: "Quan điểm của chúng tôi là ta phải xem cuộc sống của người dân như thế nào. Họ có được hưởng các quyền con người hay không? Đây mới chính là điều quan trọng nhất. Miệng của con người ta không phải chỉ để ăn mà còn để nói. Nếu chính quyền chỉ để cho người dân ăn mà không cho người dân nói, thì họ có xem người dân là con người hay không?"

Quan điểm vừa kể của ông Tư Đồ Hoa cũng chính là quan điểm của nhiều nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc, trong đó có ông Ngô Hồng Đạt -- là người từng bị giam cầm 16 năm trong trại lao cải. Ông Ngô đã bôn ba khắp nơi trên thế giới trong nhiều năm qua để vận động cho việc phế bỏ công cụ mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để bóc lột sức lao động của người dân và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ông cho biết như sau trong cuộc điều trần hôm 30 tháng 9 tại quốc hội Hoa kỳ.

Ông Ngô Hồng Đạt nói: "Trước hết, phụ nữ Trung Quốc không có tự do sinh sản -- chính quyền ép buộc phụ nữ phá thai, ép buộc triệt sản. Điều thứ nhì, Trung Quốc không có tự do tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng. Và điều thứ ba là cho tới nay Trung Quốc vẫn còn áp dụng chế độ lao cải, vẫn còn có người bị đưa vào trại lao động cải tạo -- như các nhân vật bất đồng chính kiến Sư Đào, Vương Tiểu Vũ và Hà Đức Phổ. Số người bị lao cải rõ ràng là đã ít đi, và như thế có thể xem là có tiến bộ. Nhưng vấn đề ở đây là căn bản của chế độ vẫn chưa thay đổi, tự do ngôn luận vẫn còn bị bóp nghẹt."

Cũng tại phiên điều trần ở quốc hội Mỹ hôm thứ tư vừa qua, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh, đã nhận định như sau về tình hình nhân quyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ông Ngụy Kinh Sinh nhận xét: "Trong năm nay tình trạng nhân quyền Trung Quốc bị sa sút rất nhiều, trong đó có việc phong tỏa mạng internet, phong tỏa hoạt động truyền thông ở quốc nội. Tình hình tệ hơn lúc trước rất nhiều. Tôi nghĩ rằng nhân quyền Trung Quốc trên thực tế đang trên đà xuống giốc. Và ông Hồ Cẩm Đào đang dần dà áp dụng những biện pháp của thời Cách mạng Văn hóa, những hành động không lý gì đến luật pháp. Tình hình đã bắt đầu trở lại với thời Mao Trạch Đông. Tôi nghĩ rằng đây là một tình huống vô cùng nguy hiểm."

Trong khi đó, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng đã diễn ra ở New York hôm mồng 1 tháng 10. Sinh viên Tây Tạng Tenzin Dorjee cho biết như sau về lý do khiến anh tham gia biểu tình.

Anh Tenzin Dorjee nói: "Đảng Cộng Sản Trung Quốc thực thi chế độ độc tài toàn trị trên đất nước của họ. Ở đó không hề có tư do ngôn luận. Họ cũng đã đàn áp thô bạo người dân Tây Tạng trong hơn 50 năm nay."

Cũng trong ngày quốc hội Mỹ mở phiên điều trần về vấn đề nhân quyền Trung Quốc, Nghị viện Âu châu cũng mở một cuộc thảo luận tương tự tại Brussels. Theo tin của tờ Epoch Times, đại diện của những khối người Tây Tạng, Uighur, và phong trào tâm linh Pháp Luân Công đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích nạn chà đạp nhân quyền ở Trung Quốc và yêu cầu các nước trên thế giới tiếp tục gây áp lực để đòi chính quyền ở Bắc Kinh thực thi những nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ quyền con người.

Mặt khác, cuộc duyệt binh của Trung Quốc trong dịp lễ quốc khánh cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một số người cho rằng sự phô trương vũ lực này đi ngược với xu thế phát triển hòa bình của thế giới ngày nay, trong khi các nhà phân tích cho rằng kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang tạo ra một mối đe dọa đáng kể cho các lực lượng Hoa kỳ trong vùng Đông Á Thái bình dương. Ông Matthew Durnin, một chuyên gia của Viện An ninh Thế giới, cho biết như sau.

Ông Durnin nói: "Điều lý thú nhất là sự xuất hiện của phi đạn Đông Phong 21C, tiền thân của phi đạn mà nhiều người gọi là phi đạn đạn đạo chống chiến hạm. Nhiều người trong giới hải quân Mỹ lo ngại rằng đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương."

Nhận xét của ông Durnin đã có sự tán đồng của ông Roger Cliff, một nhà phân tích về quân đội Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu Rand ở Washington.

Ông Cliff cho biết: "Các chiến hạm của Hoa Kỳ, kể cả các nhóm chiến đấu của hàng không mẫu hạm, hoạt động trong vùng biển cách duyên hải Trung Quốc 1,000 dặm sẽ dễ bị tổn thương bởi những cuộc tấn công từ phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm."

Lâu nay, các giới chức Hoa Kỳ vẫn thường xuyên bày tỏ quan tâm về sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc – là nước mà chi phí quốc phòng đã liên tiếp gia tăng với tỉ lệ cao trong hơn một thập niên qua. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nói rằng kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng của họ chỉ có mục tiêu phòng thủ và nhiều lần cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu trỗi dậy trong hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG