Đường dẫn truy cập

Cơ quan LHQ quan ngại về tình cảnh người tị nạn trên thế giới


Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, lên tiếng kêu gọi các quốc gia mở cửa biên giới cho những người xin tị nạn. Ông nói rằng những nơi chốn mà những người bỏ chạy khỏi các vụ xung đột và đàn áp để xin tị nạn đang ngày càng ít đi, và rằng điều này buộc những con người tuyệt vọng phải tìm đến những giải pháp nguy hiểm để tìm nơi trú ngụ an toàn. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên về người tị nạn lần thứ 60, Cao ủy Tỵ nạn đã nêu lên một số những thách thức quan trọng nhất mà phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) phải đối mặt. Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA từ trụ sở của UNHCR ở Geneva như sau.

Hình ảnh sống động này chỉ cho thấy số ít trong số 42 triệu người đã phải bỏ nhà chạy loạn vì xung đột và đàn áp. Những hình ảnh này cho thấy tình cảnh khốn cùng của những người xin tị nạn, và tìm một mái nhà che chở họ. Chúng cho thấy điều mà cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc gọi là những con người thực sự với những nhu cầu thực sự từ những thứ cơ bản nhất như nước sạch tới quyền được bảo vệ.

Ông Guterres nói: ‘Tôi hết sức quan ngại về những nơi chốn người tỵ nạn chạy tới để có thể được che chở đang ngày càng ít đi, phần lớn nhưng không phải hoàn toàn giới hạn ở các nước phát triển. Giờ là thời kỳ khủng hoảng kinh tế và mất việc làm. Và nếu như tôi nhớ không lầm, thì trong tình cảnh khó khăn về kinh tế như thế này, có hai thứ thường phải ‘giơ đầu chịu báng’, đó là các chính phủ và người nước ngoài’.

Cao ủy về người tị nạn, Antonio Guterres nói ông quan ngại xu thế toàn cầu về chuyện hạn chế hơn cũng như ít quyền lợi hơn đối với những người xin tị nạn. Ông cáo buộc một số quốc gia phát triển đã vi phạm điều luật quốc tế và khu vực khi hạn chế việc tiếp cận của những người đang cần nơi tị nạn.

Ông nói: ‘Đẩy những người xin tị nạn trở về nơi họ không được bảo vệ hoặc tạo thêm gánh nặng cho các nước đang phát triển, vốn đã là nơi lưu trú của phần lớn những người tị nạn trên thế giới, không phải là một biện pháp khôn ngoan, và là điều không thể chấp nhận được’.

Cao ủy Tỵ nạn cũng cảnh báo rằng các cuộc xung đột toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn, và rằng ranh giới phân biệt giữa thường dân và lực lượng quân sự đang ngày càng trở nên mờ nhạt hơn.

Ông Guterres nói thêm: ‘Những binh sĩ gìn giữ hòa bình tại những nơi không có hòa bình lại trở thành các bên tham gia xung đột, trong khi lực lượng quân sự đang ngày càng phải đảm đương công việc ‘nhân đạo’ để lấy lòng người dân. Và, kết quả của sự lẫn lộn này đã bị một số bên tham chiến lợi dụng một cách tàn nhẫn và oái oăm để nhắm mục tiêu tấn công vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo’.

Giới chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, Navi Pillay, đã chỉ ra sự phân biệt đối xử là nguyên nhân của việc tản cư bắt buộc. Bà nói rằng không một xã hội nào miễn nhiễm trước tai họa này. Bà đề cập tới sự thống khổ mà các nạn nhân của tình trạng bất công và đàn áp phải chịu đựng; bà đặc biệt lo gnại về số phận của phụ nữ và các trẻ gái.

Bà nói: ‘Những hủ tục gây tại hại vẫn có từ trước đến nay, trong đó có việc cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của phụ nữ, phân biệt đối xử như hôn nhân ép buộc hay các vụ tấn công trực diện là những yếu tố khiến phụ nữ phải bỏ chạy khỏi tình huống mà họ không thể chịu đựng được’.

Bà Pillay lên tiếng kêu gọi các nước bãi bỏ các điều luật và hủ tục vẫn hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ và các trẻ gái , buộc họ làm một thứ công dân hạng hai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG