Đường dẫn truy cập

Miến Điện: 2 năm sau cuộc Cách mạng Tăng bào


Cách nay đúng hai năm, chính quyền quân nhân Miến Điện đã ra lệnh cho binh lính đàn áp những cuộc biểu tình đòi dân chủ do các nhà sư Phật giáo dẫn đầu. Trong lúc gần tới ngày kỷ niệm này, các lực lượng an ninh ở Rangoon, thành phố lớn nhất Miến Điện, đã được đặt trong tình trạng báo động cao để ngăn ngừa sự tái diễn của cuộc nổi dậy thường được gọi là Cuộc Cách Mạng Tăng Bào (The Saffron Revolution). Trong khi đó, các lực lượng dân chủ Miến Điện cũng ra sức làm cho người dân đừng quên những gì đã xảy ra hai năm trước. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Than Lwin Htun.

Tin tức từ Rangoon cho biết các biện pháp an ninh nghiêm nhặt đang được áp dụng tại thành phố lớn nhất Miến Điện này và tình hình ở đây hiện nay khá yên tĩnh, khác hẳn với cảnh tượng của hai năm trước, là lúc mà hàng trăm ngàn người đã rủ nhau xuống đường để đòi chấm dứt sự cai trị của tập đoàn tướng lãnh.

Dẫn đầu những cuộc biểu tình rầm rộ khi đó là các nhà sư với những lời cầu kinh. Một nhà sư đã dùng loa phóng thanh kêu gọi mọi người xếp hàng để vừa đi vừa tụng kinh cầu nguyện.

Những cuộc biểu tình năm 2007, bùng ra vào trung tuần tháng 8 để chống đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ, đã lên tới cao điểm vào hạ tuần tháng 9 và lúc đó mọi người bắt đầu hy vọng là Miến Điện sẽ tìm được một phương cách ôn hòa để tiến tới dân chủ.

Tuy nhiên, hy vọng đó đã bị tan vỡ vào ngày 26 tháng 9, khi chính quyền quân nhân ra lệnh cho binh sĩ của họ sử dụng mọi sức mạnh mà họ có được để dẹp tan cuộc biểu tình.

Bên cạnh những người lính nổ súng bừa bãi vào đoàn người biểu tình, những dân quân thân chính phủ, có tên Swan Ar Shin, cũng dùng gậy gộc để tấn công người dân và các nhà sư một cách thô bạo.

Những hình ảnh thô bạo đó đã được chiếu trên những màn ảnh truyền hình và máy tính trên khắp thế giới, kể cả cảnh tượng một ký giả Nhật bản bị lính Miến Điện bắn chết trên đường phố.

Chính phủ Miến Điện nói rằng có 37 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, nhưng những nhân vật lãnh đạo phe đối lập nói rằng số người chết cao hơn rất nhiều. Một số tăng ni bị bắt năm 2007 cho đến nay vẫn còn bị giam cầm.

Trong những ngày vừa qua, với mục đích không để cho tái diễn những cuộc biểu tình của hai năm trước, chính phủ Miến Điện đã bố trí các lực lượng an ninh xung quanh các tu viện trên khắp nước, kể cả ngôi chùa Vàng Shwe Dagon nổi tiếng ở Rangoon.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, một nhà sư Miến Điện nói rằng chính phủ đã hạn chế sự đi lại của các tu sĩ, đặc biệt là những nhà sư trẻ.

Vị sư này nói rằng các tăng ni không được tự do đi lại; họ bị giới hữu trách đòi cho xem giấy tờ tùy thân và thường xuyên bị tra hỏi. Vị sư nói thêm rằng các nhà sư trẻ còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Những nhà sư được giới hữu trách cho phép di chuyển thì nói rằng họ bị nhà chức trách theo dõi từng bước.

Tuy có sự đàn áp dữ dội như thế, những nhân vật tranh đấu cho dân chủ Miến Điện vẫn không chùn bước. Mới đây, các nhà sư thuộc Liên Minh Tăng Già Toàn Miến (All Burma Monks Alliance) đã đưa ra một tuyên cáo đòi chính phủ tạ lỗi về vụ đàn áp tăng ni năm 2007 và trả tự do cho những nhà tu hành đang bị giam cầm.

Liên minh này đã đề ra thời hạn chót là ngày 3 tháng 10 để chính quyền thỏa mãn hai đòi hỏi vừa kể. Họ nói rằng trong trường hợp chính quyền không đáp ứng, họ sẽ kêu gọi toàn thể tăng ni trên cả nước từ chối tiếp nhận phẩm vật cúng dường của nhà chức trách, kể cả của những nhân vật cao cấp trong chính quyền quân nhân.

Lời kêu gọi đó có phần chắc sẽ được các tu sĩ hưởng ứng.

Một nhà sư trẻ Miến Điện nói rằng ông phải tuân lời các nhân vật lãnh đạo trong hàng giáo phẩm, và trong thâm tâm, ông rất ngưỡng mộ những nhà sư sẵn sàng hành động để bảo vệ người dân.

Tại Rangoon, những người ủng hộ dân chủ nói rằng thành phố này đang yên tĩnh nhưng đây là một sự yên tĩnh ngột ngạt. Họ nói thêm rằng chắc chắn là một ngày nào đó thành phố này sẽ thoát ra khỏi sự ngột ngạt và sợ hãi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG