Cựu phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore vừa kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật biến đổi khí hậu; đồng thời ông nói với một đoàn gồm các cấp lãnh đạo doanh nghịêp và cộng đồng New York, rằng đó sẽ là một bước thiết yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu. Ông Gore, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình về những cố gắng chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, cho rằng chúng ta có đủ kiến thức và công nghệ sẵn sàng để làm việc đó. Thông tín viên đài VOA Victoria Cavaliere gửi về bài tường trình từ văn phòng ở New York.
Vị cựu Phó Tổng thống đã đưa ra những nhận định vừa nêu hôm thứ Tư trong một phiên họp của Tổ chức Sáng Kiến Toàn cầu Clinton, một cuộc họp hàng năm do cựu Tổng thống Bill Clinton điều hợp. Hội nghị qui tụ cả hai khu vực công và tư để bàn thảo về những giải pháp cho 4 lãnh vực riêng biệt: biến đổi khí hậu, nạn nghèo khó, y tế và nền giáo dục thế giới.
Ngỏ lời cám ơn người bạn và là thượng cấp cũ của ông là cựu Tổng thống Clinton về việc đã chủ trì cuộc họp, ông Gore cho biết ông cảm thấy tin tưởng về những cơ may của thế giới có thể đảo ngược các hiệu ứng về biến đổi khí hậu. Theo ông ngăn chặn việc phát ra khí thải carbon phải là ưu tiên của tất cả các nước.
Ông Gore nói: "Chúng ta có đủ các khí cụ cần thiết để có thể giải quyết 3 hoặc 4 cơn khủng hoảng khí hậu. Chúng ta chỉ cần giải quyết một cơn. Điều duy nhất chúng ta thiếu là ý chí chính trị. Nhưng chúng ta đang nhìn thấy một sự thay đổi lớn lao trên toàn thế giới. Bằng nhiều cách các lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều công dân cũng tham gia với chúng ta.”
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Giám Đốc Quản Lý nhóm Ngân Hàng Thế Giới, đề xuất nhiều cách mới nhằm cứu xét việc tài trợ và tạo dựng tín dụng tại các quốc gia đang phát triển – nhưng bà đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự tin tưởng vào chính mình. Bà cho biết nhiều nước đã sẵn sàng đảm nhận thêm trách nhiệm và ít dựa vào viện trợ hơn.
Bà Iweala nói: “Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho quí vị là các nước tự mình có thể làm được gì? Có những cơ hội ngay bên trong các nước đang phát triển để có thể đổi mới và tự tài trợ cho mình nhiều hơn. Đổi mới không nhất thiết phải là một bước kỹ thuật mà có thể là một bước cơ bản.”
Những thành phần tham dự hội nghị vừa nêu dự kiến sẽ đưa ra các cam kết cụ thể để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Kể từ Hội nghị đầu tiên cách đây 5 năm, các thành phần tham gia đã cống hiến tất cả 1,400 cam kết trị giá 46 tỉ, được phân phối cho các chương trình thuộc 150 quốc gia.
Đọc nhiều nhất
1