Đường dẫn truy cập

LAVAS & Dan


LAVAS là một cụm từ viết tắt cho chữ Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers mà tôi xin tạm dịch là Hội Trợ Giúp Pháp Lý cho Những Người Tầm Trú Việt Nam. Đây là một trong những tổ chức thiện nguyện phi chính phủ, phi chính trị lớn nhất vào thập niên 90 được thành lập để giúp đở các thuyền nhân Việt Nam lúc ấy đang bị giam giữ trong các trại tỵ nạn ở khắp nơi trong vùng Đông Nam Á.

Và Dan là Daniel Wolf, một luật sư Mỹ gốc Do Thái năm nay chỉ vừa ngoài 40 tuổi. Gần 20 năm trước, anh là người khởi xướng chương trình giúp đỡ pháp lý cho các thuyền nhân Việt Nam. Và cùng với một số anh chị em trẻ người Mỹ gốc Việt, anh đã sáng lập ra chương trình LAVAS. Ở thời điểm cao nhất của vấn nạn thuyền nhân Việt Nam vào đầu thập niên 90 mà chỉ riêng ở Hồng Kông đã có trên 100,000 thuyền nhân bị giam giữ vô hạn định, hầu như ở nơi đâu cũng có mặt của các luật sư LAVAS.

Từ Philippines qua đến Thái Lan. Sang Hồng Kông hay ngay tại trại Galang. Nơi nào có dấu hiệu cho thấy sự bất công đến cùng cực của chương trình thanh lọc khắt khe, vô nhân đạo là bạn sẽ thấy có sự có mặt của LAVAS. Họ đến từ khắp mọi nơi và thuộc đủ mọi thành phần chủng tộc. Mỹ, Anh, Úc, Canada. Một số bạn trẻ người Việt vừa mới ra trường cũng có mặt để làm việc cùng với những luật sư trẻ như Dan cách đây gần 20 năm về trước.

Tất cả đều làm không công chỉ vì họ có cùng một ý nguyện là ai sinh ra trong đời cũng cần nên được đối xử một cách công bằng, công tâm và nhân ái.

Nhất là đối với những thành phần trong xã hội đang bị hất hủi, khinh khi. Như những người Việt Nam tỵ nạn bị nhốt trong các trại cấm thời bấy giờ.

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của Bà Pam Baker người mà tôi đã từng có dịp làm việc chung ở Hồng Kông lúc tôi vẫn còn đang đi học. Bà bảo chúng ta xét xem một xã hội có thật sự công bằng và văn minh hay không, không phải bằng cách nhìn vào xem những người giàu có, trọng vọng được đối xử như thế nào. Mà là phải xem những người bị xã hội khinh bỉ, ruồng bỏ bị hành xử ra sao. Nếu họ vẫn được hưởng những quyền lợi căn bản, được công khai chỉ trích nhà cầm quyền, được luật sư đại diện bào chữa miễn phí… khi ấy ta mới có thể thật sự phán quyết về nền văn minh và sự công bằng của bất cứ một xã hội nào mà ta đang đề cập đến.

Và cũng trong một hoàn cảnh tương tự như thế mà tôi và Dan đã gặp nhau. Dan đến Hồng Kông để hợp tác cùng văn phòng luật sư của Bà Pam Baker trong công việc giúp đỡ các thuyền nhân Việt Nam và thành lập văn phòng LAVAS.

Tôi đến Hồng Kông để giúp đỡ Pam qua một chương trình do tổ chức Hội Luật Sư Úc Giúp Người Tỵ Nạn (Australian Lawyers for Refugees Inc.) tài trợ. Lúc ấy tôi chỉ vừa học xong năm thứ ba đại học và đang được cho nghỉ hè 3 tháng. Đấy là vào khoảng cuối năm 1992.

Lần đầu tiên gặp được Pam và Dan trong một buổi ăn tối gần khu phố Tây Lan Kwai Fong, tôi ngồi nghe một già một trẻ cứ thao thao bất tuyệt bàn về chuyện tỵ nạn Việt Nam và quyền làm người của họ mà cứ tưởng như mơ.

Thì ra làm luật sư cũng có thể cho là một thiên chức đấy chứ? Nếu ta thật sự tin tưởng vào những gì ta đang làm, cương quyết thực hiện những gì ta cho là lẽ phải thì sớm muộn gì ta cũng sẽ đạt được.

Vì chính nghĩa đang nằm chặt trong tay ta.

Có lẽ cũng nhờ có sự tin tưởng mãnh liệt ấy mà vào giữa thập niên 90, LAVAS đã tạo ra cơn chấn động pháp lý lớn nhất vào thời điểm đó khi chính nó dám đứng ra thưa ngược lại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phạm luật khi quyết định không cứu xét các đơn xin đoàn tụ gia đình ngay tại các trại tỵ nạn mà buộc họ phải trở về Việt Nam trước khi đơn xin được cứu xét.

Hiệp một. Ở tòa án sơ thẩm (District Court), LAVAS thua kiện. Chính phủ Hoa Kỳ có quyền chọn nơi mà họ sẽ giải quyết hồ sơ.

Ngay lập tức Dan là luật sư đại diện cho LAVAS kháng cáo lên tòa án Court of Appeal.

Và Toà xử LAVAS thắng. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kỳ thị và phân biệt người Việt tỵ nạn khi buộc họ phải trở về nguyên quán trước khi hồ sơ họ được giải quyết. Luật lệ hiện hành buộc chính phủ phải giải quyết hồ sơ nơi mà họ đang cư ngụ. Và nơi đó không hẳn phải là nguyên quán của họ.

Hàng trăm, hàng ngàn cặp vợ chồng, cha mẹ, con cái người Việt tỵ nạn có giấy bảo lãnh của bà con ở Mỹ mở tiệc ăn mừng. Ngay trên đất Mỹ lẫn trong các trại cấm khắp nơi ở Đông Nam Á. Về sau này trong hai năm đầu tiên tôi ở Phi Luật Tân để giúp người tỵ nạn, tôi cũng chỉ có thể giúp làm hồ sơ cho những trường hợp như thế này. Vợ gặp được chồng. Mẹ gặp lại con, anh em xum họp sau bao năm dài mỏi mong, chờ đợi.

Lúc ấy đôi lúc tôi chợt nghĩ nếu không có Dan, khó mà họ có dịp được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc viên mãn.

Nhưng thú thật trong khoảng thời gian đó tôi và Dan đã mất liên lạc khá lâu. Tôi chẳng biết anh làm gì và đang lưu lạc nơi phương trời nào. Đã lập gia đình hay vẫn rong ruổi trên bước đường sự nghiệp?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG