Đường dẫn truy cập

Các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á có sức phục hồi mạnh


Các kinh tế gia tại Ngân hàng Phát triển Á Châu nói rằng các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước các nền kinh tế khác trên thế giới. Từ Hong Kong, thông tín viên Heda Bayron có bài tường trình chi tiết sau đây.

Cơ quan cho vay tiền trong khu vực nói rằng sự đáp ứng nhanh chóng của các chính phủ Á Châu đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu đã ngăn chặn không để cho tốc độ tăng trưởng tổng thể tuột dốc. Hoạt động xuất khẩu của Châu Á đã bị giảm mạnh bởi cuộc khủng hoảng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng Ngân hàng Phát triển Á Châu – ADB - nói rằng các khoản chi tiêu của chính phủ, chính sách giảm thuế và nới lỏng tín dụng đã thúc đẩy hoạt động đầu tư và mức độ tiêu thụ ở Châu Á.

Ông Lee Jong-wha, kinh tế gia trưởng của ADB nói rằng ngân hàng đã điều chỉnh lại dự báo về mức tăng trưởng kinh tế trung bình trong số các quốc gia đang phát triển ở Châu Á lên 3,9% so với mức 3,4% trươc đây.

Ông Lee nói: “Khu vực này đã chứng tỏ rằng nó có sức phục hồi mạnh mẽ hơn những gì chúng tôi đánh giá trước đây. Sự tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển của Châu Á vẫn diễn ra bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á sẽ trỗi dậy từ cuộc suy thoái toàn cầu trước phần còn lại của thế giới.”

ADB đã điều chỉnh lại mức dự báo vì sự tăng trưởng ở Đông Á và Nam Á đã mạnh hơn dự đoán, với sự dẫn đầu của Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Lee cảnh báo rằng sự phục hồi có thể sẽ ngưng trệ. Trong số các rủi ro có thể kể tới giá dầu cao và cuộc khủng hoảng kéo dài ở các quốc gia công nghiệp hóa. Thêm vào đó, các chính phủ có thể gây phương hại tới sự tăng trưởng với việc chấm dứt nỗ lực kích cầu không đúng lúc.

Ông Lee nói tiếp: “Đây là một thời điểm rất nhạy cảm đối với các nền kinh tế Châu Á. Chúng ta cần phải tránh không nên rút lại các gói kích cầu quá sớm trước khi nền kinh tế chắc chắn đã phục hồi. Tuy nhiên, nếu như tiếp tục sử dụng tất cả mọi gói kích cầu quá lâu cũng sẽ đe dọa đến sự ổn định về tài chính hoặc dẫn đến một đợt lạm phát mới.”

Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, cao hơn mức dự đoán trước đó là 4,8%. Các nền kinh tế của Bangladesh và Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% so với dự báo trước đó là 7%.

Ngân hàng ADB cho hay mức tăng trưởng trung bình ở 10 nước Đông Nam Á sẽ gần bằng 0% trong năm nay. Sự tăng trưởng liên tục ở Indonesia và Việt Nam sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự co cụm của Singapore, Thailand và Malaysia. Tuy nhiên, vào năm tới Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 4%.

Ông Lee nói rằng khu vực Đông Nam Á cần phải tìm một mô hình kinh tế thay thế mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu bởi nhu cầu từ các nước công nghiệp hóa sẽ không tăng mạnh trong thời gian trước mắt.

Ông nói rằng sức tiêu thụ ở Châu Á vẫn chưa đạt tới mức mà doanh số bán hàng trong nước có thể bù lại cho sự sút giảm của nhu cầu ở nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG