Chuyện giật gân. Chuyện động trời. Chuyện có thể làm rung rinh nền chính trị nước Pháp. Chuyện kỳ lạ. Mà có thật. Có thật 100%.
Sáng nay 21-9-2009, Tòa tiểu hình Paris - Cours correctionelle de Paris - mở phiên toà xét xử vụ án lớn mang tên Vụ án Clearstream - tên của một cơ sở quốc tế kinh doanh tài chính cực lớn có trụ sở ở Luxembourg, một nước nhỏ nhưng giàu bậc nhất Châu Âu và thế giới, có ngành kinh doanh chính là tài chính-ngân hàng.
Vụ án này nổ ra từ năm 2004, khi vụ tham nhũng lớn - việc các quan chức nhà nước Pháp từ năm 1991 thương lượng bán cho chính phủ Đài Loan 8 khinh tốc hạm quân sự trị giá 2 tỷ 8 đôla rồi chia nhau bỏ túi hàng trăm triệu đôla tiền "lại quả", tiền "hoa hồng" - bị khui ra. Trong vụ này, ông Roland Dumas, nguyên ngoại trưởng, và người tình là bà Christine Deviers-Joncour bị phát giác đã chia nhau vài triệu đôla để mua nhà và tiêu xài. Chính phủ Đài Loan lên tiếng đòi lại số tiền bất minh. Tháng 8-2008, Toà thượng thẩm Pháp tuyên bố chấm dứt điều tra, "ỉm" vụ án này "vì dính líu đến bí mật quốc phòng của nước Pháp".
Cái đuôi của vụ án "8 khinh tốc hạm bán cho Đài Loan" là việc điều tra mở rộng để tìm ra danh sách những kẻ đã tìm cách đưa tiền bất minh ra nước ngoài để "rửa sạch", dựa vào thể lệ giữ kín tên các chủ tài khoản gửi trong một số ngân hàng quốc tế.
Thế là các tổ chức tình báo Pháp RG - Renseignements Généraux (Cục Điều tra), DST - Direction de la Surveillance Territoriale (Cục an ninh nội địa), và DGSE - Direction Générale de la Sécurité Extérieure (Tổng cục an ninh ngoài nước - làm nhiệm vụ phản gián quốc tế) được lệnh mở cuộc điều tra.
Thoạt đầu, không biết bằng cách nào, nhà báo trứ danh về điều tra các vụ án kinh tế Denis Robert đưa ra một danh sách dài rất giật gân ghi tên họ những nhân vật bị tình nghi và đang bị cơ quan an ninh điều tra vì có thể là "khách hàng đen" của Clearstream.
Sau một thời gian, bản danh sách này bị thêm bớt bởi một người dấu mặt, ẩn danh, được gọi là "Con quạ đen" - le Corbeau – và được đưa rộng rãi trên văn kiện các cơ quan nhà nước, các phương tiện truyền thông. Điều giật gân là trong bản danh sách nguỵ tạo ấy xuất hiện tên Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ẩn số trong vụ án nằm ở chỗ: Ai nguỵ tạo ra bản danh sách ma, ghi thêm tên ông Sarkozy? Với âm mưu gì?
Khi vụ án khởi đầu, ông Dominique de Villepin còn là bộ trưởng ngoại giao, và ông Nicolas Sarkozy là bộ trưởng kinh tế-ngân sách, sau đó trở thành bộ trưởng Bộ nội vụ. Cả 2 đều nhắm nhe chiếc ghế tổng thống vào năm bầu cử 2007.
Một số nhân vật bị ghi "oan" trong danh sách đen tự thanh minh, bác bỏ sự bịa đặt của "Con quạ đen", vì không lẽ lại đi kiện một con quạ đêm kêu sương vớ vẩn. Nhưng Tổng thống Sarkozy lại đích thân là bên nguyên đứng đơn kiện ông de Villepin là đã "đồng loã dùng tài liệu giả để cố tình vu cáo".
Ông biện luận rằng tại sao ông de Villepin biết rõ đó là danh sách "ma" rồi mà vẫn còn coi đó là danh sách thật cần tiến hành điều tra? Phải chăng ông de Villepin có chủ tâm chơi xấu ông Sarkozy, bôi nhọ đối thủ ứng viên tổng thống của mình? Theo các nhà nắm luật, nếu thật có tội như thế, bị cáo có thể lãnh án 4 năm tù và 400 ngàn Euro tiền phạt.
Vụ án này có đến 5 bị cáo.
Ngoài ông de Villepin cựu thủ tướng, còn có nhà toán học Imad Lahoud, làm việc cho đại công ty động lực hàng không EADS - the European Aeronautic Defence and Space Company, bị nghi là tham gia chế tạo bản danh sách ma; phó chủ tịch EADS Louis Gergori, bạn ông de Villepin, bị nghi chính là "Con quạ đen"; còn có nhà báo kiêm nhà văn Robert Denis, người bị lên án là phổ biến tài liệu mang tính chất vu cáo và vi phạm nguyên tắc giữ bí mật tên các tín chủ ngân hàng; cuối cùng là luật sư Florian Bourges chuyên về luật tài chính - kinh doanh, bị nghi là đã tiết lộ tài liệu cho nhà báo Denis nói trên.
Ra trước toà còn có 18 nhân chứng, trong đó có: quan toà chuyên về các vấn đề tài chính Renaud Van Ruymbeke, người từng xem xét vụ bán 8 tốc hạm cho Đài Loan; tướng an ninh Philippe Rondot; các quan toà Jean Marie d'Huy và Henry Pons...
Trước ngày xử án 21/9, các báo Pháp đều nêu lên thái độ khác thường của Tổng thống Sarkozy, tỏ ra rất cay cú với ông de Villepin, từng doạ rằng "sẽ căng xác bọn vu cáo" (dù Pháp đã huỷ án tử hình). Có báo bênh ông Sarkozy, dọa ông de Villepin rằng nơi ông đứng trước toà hôm nay chính là nơi mà năm 1793 hoàng hậu Marie Antoinette từng bị kết án tử hình để sau đó lên máy chém.
Vụ án này cực lớn, được gọi là vụ án của thập kỷ, khoảng 10 năm mới có một vụ như thế, sẽ diễn ra hơn một tháng, sẽ kết thúc ngày 23-10, hiện đã có 40 tấn hồ sơ, gom lại trong hơn 6 năm.
Báo Pháp gọi đây là cuộc chiến tranh giữa các thủ trưởng - la guerre des chefs; là mối hận thù ở thượng đỉnh - la haine au sommet; đọ sức tay đôi giữa những kẻ kế thừa (ghế tổng thống) - le duel des héritiers; cuộc sống mái - une lutte à mort...
Một tổng thống đương chức quyết trả thù một địch thủ chính trị là đồng nghiệp bộ trưởng, cũng là đồng chí cùng chính đảng UMP. Lợi thế rõ ràng thuộc về đương kim tổng thống vì dù có tam quyền phân lập, tổng thống vẫn có uy quyền đối với việc xử án, đối với các quan lớn trong ngành tư pháp.
Nhưng ông Dominique de Villepin đâu phải là tay vừa. Trưa 21/9 ông ra tòa cùng vợ và 3 con, ông tuyên bố với các báo: "Tôi mới chính là nạn nhân của sự vu cáo, tôi còn là nạn nhân của tệ chuyên quyền, lạm quyền, của sự bất công".
Ngày hôm trước, em rể ông de Villepin là Michel Piloquet đột nhiên tuyên bố sẵn sàng ra toà làm chứng về âm mưu thông đồng giữa một người thân cận với Tổng thống Sarkozy tên là Bernard Squarcini với nhà toán học I.Lahoud.
Phát hiện này quả là giật gân, và có thể làm đảo lộn hết mọi suy đoán. Nó làm rõ thêm phỏng đoán của một số người, cho rằng đương kim tổng thống rất thông minh, quá "thông minh"...đến mức cáo già, đã tự cào mặt ăn vạ, bi kịch hoá bản thân thành nạn nhân oan uổng của vu cáo, để nhằm tô vẽ mình đáng thương, đáng quý hơn, đánh bóng mình để rồi sẽ ăn chắc cái ghế tổng thống thêm 5 năm nữa, sau 2012.
Vậy chẳng lẽ cái danh sách ma lại chính từ tay ông Sarkozy tạo ra, và "Con quạ đen", đen thật, đâu phải tìm đâu xa!
Và như vậy sẽ rắc rối to, vì theo hiến pháp, Tổng thống Pháp có quyền bất khả xâm phạm suốt nhiệm kỳ 5 năm, trừ tội phản quốc hiển nhiên.
Không phản quốc, nhưng bịa đặt, vu cáo chính trị, làm con quạ đen, reo rắc hoang mang, tự tô vẽ mình bằng thủ đoán ma giáo kiểu mafia, ác độc đến thế thì làm sao giữ được thể diện, danh dự, giữ được tư thế nguyên thủ quốc gia của một cường quốc hàng đầu của châu Âu và thế giới? !
Trên đây chỉ là nghi vấn và giả thuyết. Mời các bạn theo dõi tiếp vụ án ly kỳ này trong hơn 4 tuần lễ nữa.
Đọc nhiều nhất
1