Đường dẫn truy cập

Once In A Moonless Night (Ngày Xưa Vào Một Đêm Không Trăng) - Đới Tư Kiệt


Trong mục Điểm Sách do Ðào Trung Ðạo phụ trách kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu quyển tiểu thuyết mới Once In A Moonless Night/Ngày Xưa Vào Một Đêm Không Trăng của Đới Tư Kiệt.

Đới Tư Kiệt là một nhà văn và đạo diễn Trung Quốc sống lưu vong ở Paris từ những năm 70s, được biết đến nhiều với quyển truyện đầu tay BalzacCô Thợ May Nho Nhỏ xuất bản năm 2000 và được dựng thành phim năm 2002. Cuốn tiểu thuyết kế tiếp Tấm Nệm Du Hành của ông Muo xuất bản năm 2003 và được trao giải Fémina.

Đới Tư Kiệt viết văn bằng tiếng Pháp thay vì bằng tiếng Hoa. Vào năm 2007 ông cho ra mắt quyển tiểu thuyết thứ ba Ngày Xưa Vào Một Đêm Không Trăng, bản dịch sang Anh văn của Adriana Hunter mới ra mắt người đọc vào tháng trước ở Mỹ, được coi là một tác phẩm có giá trị vượt trội so với hai quyển trước tuy bề dày chỉ dưới 300 trang.

Trong tác phẩm mới này Đới Tư Kiệt về nội dung đã viết về nhiều chủ đề văn chương quan trọng như khởi đầu một truyện tình trong thời đại mới, hoài niệm về một ngôn ngữ bị hủy diệt, những biến động lịch sử trong quá khứ và hiện đại đã làm thay đổi những số phận con người v.v… Về kỹ thuật tiểu thuyết trong quyển này, Đới Tư Kiệt đã thi triển một thử nghiệm cách tân táo bạo với thủ pháp khá điêu luyện nhằm bắt kịp những nhà văn cách tân tiểu thuyết tầm cỡ thế giới. Chính vì ý muốn cách tân này quyển Ngày Xưa Vào Một Đêm Không Trăng được giới văn học ca ngợi nhưng với giới độc giả bình thường quyển sách gây cảm tưởng khó đọc, tuyến tự sự phức tạp như một cuộn chỉ rối.

Tựa đề quyển truyện được tác giả minh họa như sau: “Ngày xửa ngày xưa vào một đêm không trăng có một nam tử cô độc du hành trong bóng tối bỗng thấy một con đường dài thăm thẳm dẫn vào núi… tới nửa đường khi đến một ngã rẽ, nam tử này vấp ngã. Khi chúi xuống mặt đất tay nam tử nắm vào một búi cỏ nên rất may không ngã nhào xuống mặt đất ngay nhưng búi cỏ này chỉ níu được nam tử khỏi ngã xuống trong giây lát. Nam tử đưa mắt nhìn xuống phía dưới thì chỉ thấy bóng tối sâu thăm thẳm…”

Truyện mở đầu với cảnh trong một căn phòng thuyết trình tại Khách Sạn Bắc Kinh vào năm 1978 một nhóm các nhà làm phim Tây Phương gặp gỡ một số sử gia Trung Quốc để thảo luận về việc sản xuất cuốn phim Vị Hoàng Đế Cuối Cùng. Nhân vật kể truyện không được tác giả nêu tên là một nữ sinh viên Pháp hiện sinh sống ở Bắc Kinh được mời làm thông dịch viên cho buổi họp.

Một trong những sử gia Trung Quốc này là giáo sư Tang Li đưa ý kiến yêu cầu “tái lập sự thật lịch sử” về nhân vật chính của cuốn phim – Hoàng Đế Puyi – qua lời thông dịch của cô sinh viên Pháp này, nhưng đề nghị của ông bị các nhà sản xuất điện ảnh bác bỏ vì họ cho rằng những sự kiện lịch sử ông nêu ra “quá tối tăm, tiêu cực” đối với khán giả Âu-Mỹ. Thêm vào đó những nhà làm phim này còn có tham vọng thực hiện cuốn phim sao cho chiếm được giải Oscar.

Sau buổi họp, cô sinh viên theo giáo sư Tang Li về nhà để nghe ông kể truyện về hoàng đế Puyi và sự việc do đâu vị hoàng đế này sở hữu một cuộn lụa cổ đại vô giá ghi chép lời Phật truyền lại bằng một thứ ngôn ngữ nay đã là một tử ngữ không còn mấy người biết đọc.

Tác giả đột nhiên ngưng câu truyện ở đây và đưa vào quyển truyện những tài liệu lịch sử hàn lâm về những vua chúa và những người phiên dịch nổi danh thời xưa cũng như nhưng trích đoạn sách cổ và những bản ghi chép lời cung khai của Hoàng đế Puyi khi bị phá xít Nhật tra khảo do những học trò của ông ghi chép.

Đới Tư Kiệt ở đây đã sử dụng kỹ thuật tự sự cuốn vòng trôn ốc, đảo lộn thời gian, trộn lẫn quá khứ và hiện tại, một kỹ thuật đã từng được một số những bậc thầy tiểu thuyết thế giới dùng nhưng đối với độc giả bình thường lại hóa thành khó theo dõi mạch truyện. Trong khi kể lại câu chuyện về hoàng đế Puyi cho cô sinh viên này nghe, giáo sư Tang Li nhận ra ngay rằng cô ta đã bị câu chuyện cuốn hút nên ông đưa ra lời cảnh báo cô rằng đừng nên hoài công theo đuổi những bí ẩn cũng như cái kết thúc của câu chuyện này.

Mặc dù đã được giáo sư Tang Li cảnh báo, cô sinh viên người Pháp vẫn không bỏ ý định theo đuổi việc khám phá cuộn lụa cổ đại ghi lời Phật. Cũng trong thời gian này cô quen biết một người bán rau trái trẻ tuổi tên là Tumchooq. Anh chàng này có mái tóc hoe đỏ của một người Hoa lai Pháp. Họ quen biết nhau và trở nên thân thiết không phải vì người con trai cho người con gái mượn một quyển sách như trong những truyện tình Trung Quốc cổ điển. Theo lời kể của cô sinh viên này thì “Mối tình của tôi đã khởi đầu từ việc Tumchooq đã rộng lượng cho không tôi cái bắp cải héo đã bị sâu ăn…”

Sau khi đã trở thành tình nhân cô mới khám phá ra cha của Tumchooq tên là Paul d’Ampère một dịch giả cổ ngữ Tumchooq và mẹ là một phụ nữ người Hoa. Nhờ cơ duyên hiếm họa Paul d’Ampère đã sở hữu một nửa cuộn lụa cổ đại bằng tiếng Tumchooq và ông cố công hy sinh phần đời còn lại của mình để phiên dịch lời Phật dạy trên nửa cuộn lụa này. Nhưng thảm họa xảy đến vì ông bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đi lao cải. Trong những dịp vào thăm nuôi cha, ông đã dần dần lén dạy Tumchooq thứ tử ngữ Tumchooq này.

Nhưng rồi Tumchoop đột nhiên biệt tích. Tuyệt vọng cô sinh viên người Pháp bỏ Trung Quốc ra đi. Cô du hành hầu như khắt thế giới, theo đuổi việc tìm kiếm người tình và nửa cuộn lụa ghi lời Phật một cách tuyệt vọng. Cuối cùng cô dừng chân ở Phi Châu, mở trường dạy đám trẻ con nghèo khổ thất học ở một vùng rừng núi xa xôi.

Tác giả đột ngột chuyển tuyến tự sự sang việc tường thuật về cuộc đời bị cầm giữ và lưu đầy của vị hoàng đế cuối cùng Puyi để cho độc giả biết về nguồn gốc nửa cuốn lụa ghi lời Phật bằng cổ ngữ Tumchooq giáo sư Tang Li đã nói tới. Tuy bị Phát xít Nhật cầm giữ canh chừng nhưng hoàng đế Puyi vẫn mang theo mình cuộn lụa ghi lời Phật như một món gia bảo hộ mạng.

Nhưng khi người Nhật đưa ông lên một chuyến bay di chuyển tới chốn lưu đầy ở Mãn Châu, trong lúc phẫn hận ông đã dùng răng cắn rách cuộn lụa, xé làm hai mảnh và ném một nửa vào không trung. Nửa cuộn lụa này từ không trung rơi xuống ngay bên chân một thương nhân và Paul d’Ampère đã mua lại được từ thương nhân này.

Paul d’Ampère được các học giả đương thời kính trọng vì ông là tác giả bộ sách 3 quyển “Những Ghi Chú về Quyển Sách của Marco Polo viết về Những Kỳ Quan Thế Giới.” Chính quyển này cô sinh viên người Pháp mượn được ở Thư Viện Quốc Gia Paris và say mê đọc thời còn là một thiếu nữ. Những cuộc phiêu lưu trong sách đã thúc đẩy sự tò mò và ham mê phiêu lưu hóa ra lại do chính cha người yêu của cô viết ra.

Qua trình bày tóm lược về cốt truyện kể trên chúng ta thấy Đới Tư Kiệt khi viết quyển Ngày Xửa Ngày Xưa Vào Một Đêm Không Trăng có tham vọng đề cập những vấn đề chủ yếu về lịch sử, ngôn ngữ, tình yêu, cũng như về văn minh và xã hội Trung Quốc xưa và nay. Trước hết về khởi đầu của cuộc tình giữa cô sinh viên ngoại quốc với Tumchooq không phải bằng thư phần mà bằng cái bắp cải hư thối nhưng tác giả đặt điểm nhấn ở chỗ làm sao ta biết hưởng thụ và trân quí hương vị của rau trái đồng nghĩa với việc lên án Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản ray trái đã trở thành khan hiếm hoặc bị để hư thối vì lề lối quản trị sai trái.

Người đọc quyển truyện cũng còn có cảm giác bị đè nén vì tác giả đưa vào những trang sách liền nhau rất nhiều cảnh tượng và nhân vật khiến nhân vật trở thành một con số vô nghĩa trong khi khao khát được là một cá nhân có ý nghĩa, được quyền quyết định số phận mình theo ý muốn.

Cảnh Tumchooq hồi còn thơ ấu cùng với bạn là Ma bị lạc trong vào Khu Triển Lãm Cực Hình Tra Tấn Thời Xưa ở Tử Cấm Thành đưa ra sự liên tưởng so sánh tội ác của các chế độ xưa và nay. Tác giả cũng không bỏ qua việc lên án những trại lao cải thời Cách Mạng Văn Hóa và nạn đói trong những năm hãi hùng này đã giết chết trên dưới 40 triệu người. Một cách tóm gọn, đây là một tiểu thuyết có giá trị cả về văn chương lẫn lịch sử.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG