Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người đứng đầu ngành y tế ở châu Á tiếp tục các cải cách y tế bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Bà Margaret Chan nói rằng WHO đang làm việc để cung cấp vắc-xin ngừa cúm H1N1 cho các nước nghèo. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron gửi về bài tường thuật sau đây.
Những người đứng đầu ngành y tế của 35 quốc gia vùng châu Á-Thái Bình Dương đã khai mạc hội nghị thường niên ở Hong Kong. Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên kể từ khi dịch cúm H1N1 được công bố hồi tháng 6.
Đứng đầu nghị trình thảo luận của các đại biểu là cách thức các quốc gia có thể đảm đương lượng vắc xin ngừa virut H1N1 để bảo vệ cho người dân, vào lúc virut này dự trù sẽ lây lan nhanh chóng trong mùa lạnh vào những tháng sắp tới.
WHO lo ngại về sự tiếp cận của các nước nghèo đối với vắc-xin và đã hứa sẽ cung cấp số lượng hạn chế. Philippines dự trù sẽ nhận được 100 ngàn liều đầu tiên, trong một nước có 80 triệu dân. Trung Quốc dựa vào các nhà sản xuất vắc xin trong nước để đáp ứng nhu cầu. Singapore cho biết sẽ mua 1 triệu liều của nhà bào chế Glaxo Smithkline.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bác sĩ Margaret Chan cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho thấy một liều duy nhất là đủ để chủng ngừa virut cho mọi người.
Bà Chan nối: "Nếu được xác nhận, phát hiện này sẽ gần như tăng gấp đôi lượng vac-xin có thể cung cấp. Câu hỏi lớn là: Liệu sự kiện này có đưa đến việc phân phối văc-xin công bằng hơn hay không? Tôi xin bảo đảm với quý vị rằng tôi đang theo đuổi cơ hội này từ nhiều góc độ.”
Ba tỷ liều vắc-xin dự trù sẽ được sản xuất hàng năm. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Australia, và 5 quốc gia khác đã cam kết cung cấp 10% lượng vắc-xin cho các nước khác đang cần đến.
H1N1 đã gây thiệt mạng cho hơn 3,000 người trên khắp thế giới kể từ khi được nhận diện hồi đầu năm nay.
Bà Chan kêu gọi các vị bộ trưởng hãy tiếp tục các cải cách y tế bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Bà nói rằng dịch cúm H1N1 nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc công chúng tiếp cận nhiều hơn với các hệ thống y tế công cộng, nhất là tại các nước nghèo.
Bà Chan nói tiếp: “Các nước trong vùng này đang bị áp lực mạnh phải giảm bớt ngân sách y tế và tăng việc đóng lệ phí và trả phần tiền của bệnh nhân. Chúng tôi đau lòng về ý nghĩa của sự kiện này: đó là tình trạng suy kém thêm về tiếp cận, công bằng, phẩm chất và sử dụng các dịch vụ y tế.”
Bà Chan nói rằng các chính phủ cần phải tập trung vào việc làm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe hữu hiệu hơn và cung cấp sự chăm sóc cơ bản cho tất cả mọi người.