UNESCO - United Nations for Education Science and Culture Organisation - Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Paris, một tòa nhà đồ sộ, độc đáo, cạnh quảng trường Fontenay, quận VII, thủ đô Paris.
UNESCO được thành lập ngày 16-11-1945, đứng đầu là một Tổng giám đốc và Hội đồng chấp hành có 58 nước. Đại hội đồng UNESCO gồm cả 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, 4 năm họp một lần.
Tổng giám đốc do Hội đồng chấp hành bầu ra và Đại hội đồng thông qua.
Năm nay, Hội đồng chấp hành họp từ ngày 7 đến 23/9, trong đó có việc bầu Tổng giám đốc mới, thay cho ông Koichiro Matsuura ( người Nhật) về hưu.
Năm nay có đến 9 ứng viên ra tranh cử.
Đó là ông Farouk Hosny, 22 năm liền là Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập; bà Bénito Ferrero Waldner, người Áo, phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu; ông Alexandre Iakovenko, Thứ trưởng Ngoại giao Nga; bà Irina Bokova, đại sứ Bulgaria ở Pháp; bà Ina Mariculionyte, đại diện Lithuania ở UNESCO; bà Ivonne Baki nguyên Ðại sứ Ecuador ở Hoa Kỳ; ông Nouréini Tidjani-Serpos, người Bénin, phó tổng giám đốc UNESCO phụ trách châu Phi...
Cuộc tranh cử diễn ra trong UNESCO và trên các cơ quan truyền thông quốc tế khá là sôi nổi, có lúc gay gắt, suốt 2 tuần lễ gần đây. Ông F. Hosny là người có hy vọng nhất thì bị tố cáo là có tinh thần kỳ thị dân tộc, chống Do Thái một cách cực đoan. Vì năm ngoái, khi Israel tấn công Palestine, ông tuyên bố sẽ "tự tay mình đốt hết sách mang chữ hébreux (Do Thái) ở các thư viện Ai Cập".
Ngay sau đó, trên báo Le Monde (Pháp) nhà văn Claude Lauzmann, triết gia Henry Lévy và khôi nguyên giải Nobel Hoà bình Élie Wiesel cùng ra tuyên bố phản đối ông F. Hosny, cho rằng sẽ là mối nhục văn hóa nếu một kẻ "đốt sách" lại đứng đầu một tổ chức văn hóa thế giới.
Mặc dầu ông F. Hosny ra tuyên bố lấy làm tiếc về câu "lỡ miệng" trên đây, thanh minh rằng ông không có tinh thần bài Do Thái, ông từng chủ trương sửa chữa nhiều đền thờ Do Thái ở Ai Cập...nhưng dù sao ông cũng bị sút giảm về uy tín khá nhiều.
Bà B. Ferrero Waldner (Áo) cũng bị phê phán là đã từng tham gia chính phủ, nhận chức bộ trưởng ngoại giao của FPO là đảng cực hữu của Áo do Jorg Haider (nay đã chết) cầm đầu.
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu sáng 17-9. Trước đó ông F. Hosny tuyên bố đã nắm chắc (!) được 30 phiếu đa số cần thiết ngay ở vòng đầu. Vì ông là người thân cận của Tổng thống Ai Cập Mubarak, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng ủng hộ ông, và gần đây chính phủ Do Thái cũng tỏ ý chấp nhận ông do mong muốn cải thiện quan hệ với Ai Cập...
Thế nhưng kết quả đã khác. Ông F. Hosny tuy dẫn đầu, nhưng chỉ đạt có 22 trên 58 phiếu, không đạt quá nửa cần thiết. Bà I. Bokova thứ nhì được 8 phiếu, bà B. Ferrero-Waldner (Áo) được 7 phiếu. Thế là phải có cuộc bỏ phiếu vòng 2.
Tại vòng 2 các ứng viên cũ có thể rút hoặc vẫn ra ứng cử. Điều lệ quy định tại vòng 2, vẫn phải đạt quá nửa số phiếu hợp lệ mới được trúng cử. Nếu vòng 2 không có ai trúng cử sẽ bàu vòng 3 và vòng 4, cũng theo thể thức trên.
Sang đến vòng 5 chỉ có 2 người cao phiếu nhất ở vòng 4 vào chung kết, ai đạt quá nửa số phiếu hợp lệ sẽ trúng cử và chờ sẽ được Đại hội đồng UNESCO phê chuẩn trong kỳ họp sẽ khai mạc ngày 3-10-2009.
Dù sao cuộc bầu Tổng giám đốc UNESCO phải hoàn thành trước khi Hội đồng chấp hành UNESCO kết thúc phiên họp hiện tại vào ngày 23-9 tới.
Trong vài ngày tới sẽ diễn ra những vòng bầu khá gay go, có thể kéo dài, được dư luận Pháp và thế giới bàn luận nhiều, một hiện tượng chưa từng có ở trụ sở UNESCO hình chữ Y độc đáo cạnh quảng trường Fontenay - Paris.
Một nhóm trí thức hàng đầu Pháp cảnh báo: Nếu cử một kẻ phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, một kẻ "đốt sách", tay luôn cầm bật lửa, lên cầm đầu con tàu UNESCO thì con tàu ấy vốn đã yếu kém sẽ sớm bị đắm chìm cho mà xem!
Vậy ta hãy chờ xem.