Tháng 11 năm ngoái, thế giới chứng kiến một nhóm kẻ khủng bố đã giết hại hàng chục người ở Mumbai.
Cho dù Ấn Độ thường trải qua tình trạng bạo lực chính trị, vụ tấn công này, dường như chủ yếu nhắm vào các du khách nước ngoài, là một nỗi kinh hoàng mới.
Vụ tấn công được truyền hình rộng rãi trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã góp phần vào tỷ lệ sụt giảm 8% du khách đến Ấn Độ năm nay.
Trong khi đó, cuối năm ngoái, hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan bao vây sân bay ở Bangkok, khiến hơn 350 nghìn người bị kẹt lại trong vòng một tuần.
Khi cơn sốc đó chưa hết thì một vài tháng sau đó, một nhóm người biểu tình lại tổ chức các cuộc bạo loạn ở Bangkok.
Hai sự việc đó là yếu tố đóng góp thêm vào tình trạng suy thoái kinh tế gây sụt giảm 20% số du khách tới Thái Lan trong vòng sáu tháng đầu năm 2009.
Du lịch là nhân tố quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đông Nam Á, ngành ‘công nghiệp không khói’ này đóng góp tới hơn 3% vào tỷ trọng kinh tế.
Tại một số nước trong khu vực, du lịch chiếm tới 10% công ăn việc làm. Trên các đảo Thái Bình Dương như Fiji và Vanuatu, con số đó tăng lên hơn 30%.
Nhưng như Ấn Độ và Thái Lan đã chứng kiến, bạo lực và bất ổn đã nhanh chóng làm các du khách quan ngại.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đánh giá rằng tình trạng này không kéo dài lâu.
Với các quyết định đúng đắn của chính phủ và ngành du lịch, du khách sẽ trở lại.
Một ví dụ là vào tháng Mười năm 2002, các vụ đánh bom do những phần tử nổi dậy Hồi giáo thực hiện trên đảo Bali đã làm hơn 200 người, phần lớn là du khách nước ngoài thiệt mạng. Ngay trong năm 2003, số du khách tới hòn đảo được coi là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới đã sụt giảm 36% trong năm 2003.
Nhưng với quyết tâm chống khủng bố và tăng cường an ninh của chính phủ Indonesia cũng như ngành du lịch nỗ lực hết sức để thu hút du khách trở lại, khi một vụ tấn công khác xảy ra ba năm sau đó làm 20 người thiệt mạng, Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương cho biết rằng con số du khách ít bị ảnh hưởng.
Và hai vụ đánh bom vào các khách sạn ở Jakarta tháng Bảy năm ngoái cũng được cho là sẽ ít ảnh hưởng tới ngành du lịch Indonesia.