Đường dẫn truy cập

Lạm phát ít có khả năng bùng nổ trong ngắn và trung hạn


Kết thúc Quý II năm nay, khả năng lạm phát bùng nổ trở lại ở Việt Nam đã được giới nghiên cứu, hoạch định chính sách cũng như các thương gia đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cho tới giờ thì các bằng chứng vĩ mô có vẻ như đã chứng minh rằng lo ngại này không thật cần thiết.

Trong ngắn hạn, tăng trưởng tín dụng cho năm 2009 bị giới hạn ở mức 30%. Trong khi đó, kết thúc 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 22% tính từ cuối năm 2008. Như vậy, mức tăng tín dụng trong 5 tháng cuối năm chỉ ở mức tối đa là 8%, không phải là mức có thể gây bùng nổ lạm phát.

Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nguyên liệu (commodity prices) có khả năng sẽ tăng chút đỉnh nhưng chắc chắn không nhiều. Trung Quốc đã ngừng chiến dịch dự trữ nguyên vật liệu thô (vốn là lý do chính đẩy giá nguyên liệu thô tăng lên trong nửa đầu năm 2009).

Về giá dầu, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự báo rằng giá dầu thô từ nay tới cuối năm sẽ chỉ giao động quanh mức $70 một thùng và khoảng $72 một thùng vào năm 2010.

Đối với các mặt hàng lương thực, Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tính toán rằng chỉ số giá lương thực thế giới đã giao động quanh mức 150 từ tháng 5 trở lại đây.

Trừ khi có điều kiện thời tiết đặc biệt khắc nghiệt hoặc thiên tai đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng sản xuất lương thực chủ đạo của thế giới, khó có khả năng giá lương thực tăng lên trong các tháng còn lại. Ở Việt Nam, thực tế là giá gạo đang giảm đi trong thời gian qua.

Về trung hạn, có một số lý do để phỏng đoán rằng lạm phát có thể tăng cao hơn so với mức năm 2009 nhưng không bùng nổ như hồi năm 2008.

Thứ nhất, đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp (FDI) và tài chính (FPI), đều khó có khả năng tăng mạnh trở lại. Lý do để FPI không quay lại sớm là Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kém hấp dẫn hơn rất nhiều kể từ giữa năm 2007 và việc Indochina Capital thoái vốn.

Về FDI, với việc các quy định quản lý mới đối với thị trường vốn quốc tế đang dần hình thành, khả năng là các luồng vốn sẽ không chảy về các nước đang phát triển (là các thị trường có rủi ro rất cao) nhiều như trước.

Thứ hai là giá các loại hàng hóa thuộc nhóm nguyên vật liệu thô cũng không được dự báo là sẽ tăng mạnh trong trung hạn tính từ thời điểm này.

Thứ ba là có vẻ như Ngân hàng Trung ương của Việt nam (SBV) đang làm khá tốt nhiệm vụ quản lý cung tiền và đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc kiềm chế lạm phát.

Cuối cùng là với việc Đại hội Đảng CSVN đang đến gần, có lẽ chính phủ sẽ làm mọi cách để kích thích tăng trưởng và tạo hình ảnh về một chính phủ hiệu quả. Việc kiềm chế lạm phát ở mức thích hợp tránh làm mất lòng dân chắc chắn là một nhiệm vụ được chính phủ của Thủ tướng Dũng quan tâm đặc biệt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG