Đường dẫn truy cập

Pháp muốn đưa chỉ số hạnh phúc vào thước đo tăng trưởng


Trong lúc các nước bắt đầu hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, Pháp đề nghị một tiêu chí mới để đo lường mức tiến bộ, trong đó có hạnh phúc và an sinh, cùng với những tiêu chuẩn kinh tế tiêu biểu truyền thống. Từ Paris, Thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA tường trình về ý niệm mới này của nước Pháp.

Theo những tiêu chí đánh giá kinh tế truyền thống, thì rõ ràng thế giới vẫn đang trải qua thời buổi khó khăn. Tuy nhiên các chỉ báo này có phản ánh được đủ mọi khía cạnh của tiến bộ kinh tế hay không? Theo Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp, thì câu trả lời là 'không'.

Tổng thống Sarkozy loan báo rằng Pháp sẽ bắt đầu áp dụng những tiêu chí ít hữu hình hơn, chẳng hạn như tình trạng hạnh phúc và an sinh, trong việc đánh giá tiến bộ.

Nhà lãnh đạo Pháp nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không những cho phép cộng đồng quốc tế sự tự do để tưởng tượng ra một mô hình kinh tế khác, mà nó còn buộc thế giới phải hành động như vậy. Tổng thống Sarkozy nói tiếp rằng thế giới không có cách nào khác hơn.

Phát biểu của Tổng thống Sarkozy được đưa ra cùng lúc với một phúc trình mới vừa được phổ biến của hai kinh tế gia khôi nguyên giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz và Armatya Sen.

Phúc trình này xem xét những cách thức khác với truyền thống để đo lường tiến bộ xã hội. Phúc trình được chính phủ Pháp ủy nhiệm thực hiện.

Phúc trình đề nghị nên thay đổi những tiêu chí mà các nhà hoạch định chính sách vẫn sử dụng, đó là tổng sản phẩm nội địa, hay GDP, tức là hàng hóa và dịch vụ do một quốc gia sản xuất. Những tiêu chí cần phải bao gồm cả những 'tài sản' phi vật chất, chẳng hạn như mức độ được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Pháp không phải là nước đầu tiên chú ý đến những khía cạnh tăng trưởng phi vật chất. Vương quốc Bhutan ở Hy Mã Lạp Sơn đã nhấn mạnh đến khái niệm 'mức độ hạnh phúc của toàn quốc' thay vì GDP.

Viện nghiên cứu chính của Bhutan thu thập nhiều dữ liệu khác nhau để đánh giá tình trạng này, trong có có những yếu tố như tình trạng lành mạnh về tâm lý, hệ thống quản lý hữu hiệu của nhà nước, đa dạng về sinh thái, và mức sống.

Còn ở Pháp, Tổng thống Sarkozy nói rằng việc coi trọng tổng sản phẩm nội địa như là thước mức độ phồn thịnh là một nguyên nhân góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chánh.

Ông Sarkozy muốn các nước khác cũng theo gương Pháp trong việc xem xét những tiêu chí đánh giá tiến bộ ít mang tính vật chất hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG