Đường dẫn truy cập

Một mình với cánh rừng


* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).


Trong cánh rừng nằm song song với quốc lộ 200 Montana, đi qua thành phố Trout Creek, trên mảnh đất rộng hơn một mẫu, đậu ở đó, chiếc Trailer của cụ Richmond mua từ 1954 cũng đã già nua theo cụ. Dưới bầu trời này, trong cánh rừng này, những cây thông mọc ở đây, hươu, nai, chim, sóc và thỏ rừng, chiếc nhà lưu động đó và cụ, đã bao nhiêu năm cùng ở lại và thở với nhau. Bao nhiêu thời gian đi qua như lá rụng trong rừng, cụ không cần đếm, từ ngày người đàn bà đó bỏ đi.

Ngày đó cụ còn trẻ lắm, mới trở về sau Đệ Nhị Thế Chiến, người con gái đó kém cụ mười tuổi, cụ cưới làm vợ, đã không đủ kiên nhẫn hay không làm sao hiểu được những khó khăn tâm lý của một người lính từ trận mạc trở lại học đường. Sau một năm chung sống, đã bỏ cụ đi biền biệt. Tình yêu của người con gái đó như nước chảy trên sông, nếu gặp một cái gì vướng lối, nước sẵn sàng quẹo sang một ngả khác, và tiếp tục trôi đi, trong khi cụ như bờ bãi cứ dõi mắt trông thẳng theo con nước đến cuối đời.

Chưa đến ba mươi tuổi, cụ chọn sống một mình trong rừng, suốt đời. Cụ dậy Pháp Văn và La ngữ (Latin) cho học sinh trung học, từ khi tốt nghiệp cho đến lúc về hưu. Cũng vẫn cánh rừng này, gia đình thỉnh thoảng gọi, thỉnh thoảng ghé thăm. Người anh và mấy chị, em gái, rồi đến những đứa con của họ. Họ đến, cụ vui, họ ra về, cụ bâng khuâng, nhưng cụ nhất định không theo họ về phố thị.

Cụ Richmond lấy bao thức ăn của mèo ra đổ vào cái máng để ngay phía ngoài, bên dưới gầm chiếc nhà mong manh của cụ. Mười bốn con mèo, già có, em bé có, con cha, con mẹ, con ông, con bà có, đủ cả ba thế hệ, rủ nhau chạy ra một lượt. Cụ xoa vuốt từng con, nói chuyện nhỏ nhẹ như mèo với chúng. Cụ nuôi chúng lâu lắm rồi. Bắt đầu chỉ là một con mèo đi lạc đến cánh rừng của cụ, không tìm được lối về nên phải tá túc ở lại. Đó là một con mèo đực, ít lâu sau bỗng xuất hiện thêm một con mèo cái, không biết con đực làm cách nào mà tìm được vợ đem về? Cụ thầm nghĩ, nó giỏi hơn mình nhiều! Rồi chuyện một đàn mèo con xuất hiện là lẽ tất nhiên phải đến. Khi đã có một gia đình rồi, đã gây ra những tiếng meo meo khuấy động cái yên tĩnh của góc rừng, thì bỗng nhiên những con mèo hoang ở đâu rủ nhau đến, họp thành một cộng đồng bốn chân bên dưới nơi cư ngụ của một sinh vật hai chân thuộc chủng tộc loài người. Con nào chết đi sẽ được thay thế bằng hai, ba con khác sinh ra, nên số mèo cụ phải nuôi mỗi năm một gia tăng.

Cụ Richmond thong thả đi vào ngôi nhà gỗ nhỏ cũng trên một thửa đất, ngay gần sát trailer, căn nhà này cụ cũng tậu từ hồi còn rât trẻ, chỉ sau cái trailer có vài năm. Đúng ra nó chỉ là một cái cabin. Cụ lấy chiếc ghế vải ra đặt bên ngoài nhà, ngồi sưởi nắng. Bóng những cây thông loang loang đổ xuống nóc chiếc trailer, phủ râm vùng đất phía trước chiếc cabin của cụ, cụ cầm một cành thông khô, đã trụi hết lá, chờ cho mấy con mèo ăn xong sẽ ra chơi đùa với cụ. Mấy con mèo con nhẩy qua, nhẩy lại theo cái cành khô cụ xê dịch trên sân đất theo bóng nắng, cụ chơi với chúng cho đến khi chúng chán, bỏ đi. Chúng là niềm vui của cụ, cụ thay chúng cho con, cháu nội, cháu ngoại, mình không có.

Tuần này vợ, chồng người cháu gọi cụ bằng chú ruột từ bang Washington sẽ ghé thăm cụ, và ở lại một đêm ở Trout Creek, cái thành phố rừng rộng người thưa này (Dân số chưa tới 200 người.) Cả hai nơi cư ngụ của cụ đều cũ mốc, không có đồ đạc gì thêm, ngoài cái giường ọp ẹp, cái ghế lung lay, những đám bụi dầy và những chồng sách cũ, sách mới. Tất cả những cuốn sách dầy, mỏng, xếp trong trailer (cụ gọi là House) và trong Cabin (cụ gọi là Studio) cụ đều đọc hết, không bỏ một trang. Cụ vẫn nhớ rõ những truyện mình đã đọc, chỉ chờ có các cháu đến thăm là đem ra bàn luận. Ngoài sách ra, những gì còn lại trong hai nơi đó đều bụi bậm, cũ mốc, chúng sẵn sàng cho vào trong lửa cùng với cụ.

Cụ phải thuê motel cho khách. Ngày mai thêm mấy đứa cháu nữa, chúng hẹn nhau về thăm cụ một lượt để xem cách cụ sống thế nào khi chỉ còn mấy tháng nữa cụ vào tuổi 90.

Cụ biết những đứa cháu cụ, có đứa cha chúng là anh, mẹ chúng là chị gái, hay em gái cụ (có người đã qua đời trước cụ). Chúng lo cho cụ tuổi già, không biết rụng như lá lúc nào trong cánh rừng này, chúng giục cụ vào “Nhà Già” ở. Với lương hưu trí và tiền an sinh xã hội cụ có thể có một đời sống tiện nghi, và có người chung quanh mình, hơn là sống ở một cánh rừng hiu quạnh này.

Cụ không yêu đời hiu quạnh, nhưng cụ chọn đời hiu quạnh, từ ngày người đàn bà đó bỏ đi, cụ không tin vào tình yêu của người đàn bà nào được nữa. Cụ 90 tuổi, thì người đó 80, và cụ vẫn ngóng tai theo tiếng gió xì xào trong rừng mang tin đến, cho cụ biết người đó hiện sống ở đâu. Biết để biết, thế thôi!

Để các cháu khỏi lo lắng cụ chết khô như lá trong rừng, chẳng ai hay, mấy tháng trước cụ đã làm tờ di chúc để lại mảnh bìa rừng rộng hơn một mẫu này cho Sở Cứu Hỏa của thành phố ở ngay sau lưng cụ, để bù lại thành phố sẽ miễn cho cụ trả tiền điện, tiền nước và tiền thuế lợi tức (của hưu bổng và an sinh) mỗi năm. Điều hay nhất trong cuộc đổi chác này là Sở Cứu Hỏa luôn luôn cho nhân viên để mắt canh chừng cụ, cụ rụng xuống là họ biết ngay (để còn hưởng đất) nên cụ không sợ cái cảnh ra đi cả tuần mà không ai biết. Cụ tự cho là mình đã có một quyết định rất khôn ngoan.

Các cháu tìm đến như mây tụ, rồi ra đi như mây tan. Cụ như cây thông già trong rừng đứng vẫy cành tay lá, tiễn đưa. Sang năm chúng sẽ trở lại, khi thì đứa này, khi đứa khác. Cụ mong nhưng không ngóng, vì cụ biết chúng có đời sống bận rộn riêng. Cụ đã có đàn mèo gần gũi thân yêu lúc nào chúng cũng quanh quẩn dưới chân cụ. Những cái thân nhỏ bé, mềm mại uốn lượn trên mảnh sân đất này, chúng đi ra, đi vào dưới gầm hai nơi cư trú của cụ, cất tiếng kêu meo meo gọi cụ, đòi ăn, hay đòi ve vuốt; những cái lưng với đám lông mềm mại cọ cọ vào cổ chân già nua của cụ, như bàn tay ai còn trẻ lắm, giúp cho da dẻ nhăn nheo quên nỗi cô đơn.

Cụ nghĩ, ai cũng hạnh phúc với một con mèo, hiện giờ cụ có tới mười bốn con, niềm hạnh phúc của cụ tăng lên gấp mười bốn lần người khác. Nhưng năm nay, bỗng nhiên cụ mất một lúc ba mươi cân Anh, các cháu về thăm, người nào cũng ái ngại. Cụ trấn an họ, cho biết bác sĩ đã khám cẩn thận, nói cụ chẳng có bệnh gì, chỉ cần ăn nhiều hơn. Quả thực, có khi cụ quên ăn, vì không có ai nhắc. Mấy con mèo, chúng đói, chúng kêu thì cụ biết. Cụ đói, cụ không kêu, mà có kêu, mèo đâu biết cho cụ ăn được.

Cô cháu dâu của cụ trước khi ra về đã mời cụ:

- Chú gầy quá, hay chú về ở chơi với chúng con một tháng thôi, con cho chú ăn cơm Việt Nam, chú sẽ mập lại ngay.

Cụ lắc đầu nói:

- Cám ơn con, nhưng nếu chú đi thì ai cho đàn mèo này ăn, ai nói chuyện với chúng nó.

Cô cháu dâu Việt Nam cười:

- Chú ơi chú đừng lo, ngạn ngữ Anh nói rằng: “Một con mèo có tới chín đời: Ba đời để chơi (play) ba đời để đi lạc (stray) và ba đời để ở lại (stay).” Chú cứ đi một tháng với vợ chồng con, bao giờ chú về, đàn mèo cũng lại tìm về với chú.

Cô muốn nói văn hoa gì thì nói, cụ cũng không theo vợ chồng cô, cụ ở lại với đàn mèo của cụ, ở lại với cánh rừng, với những cây thông có cánh tay gầy như cánh tay cụ, với hai cái nóc nhà đã mục nát và những cuốn sách phủ đầy bụi thời gian. Cụ ở lại một mình với cánh rừng, để nghiêng tai nghe tiếng gió lao xao, tiếng gió mách cho cụ biết người đàn bà đó đang ở hướng nào.

[TMT - Trout Creek-Montana Jul 4th/2009]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG