Đường dẫn truy cập

Việc trấn áp blogger ở VN 'ngày càng gia tăng sức mạnh'


Thưa quý vị, các vụ bắt giữ blogger dồn dập trong những ngày qua được cho đã gây quan ngại trong cộng đồng những người viết blog ở Việt Nam. Con số các blogger gia tăng mạnh những năm vừa qua ở Việt Nam nhờ tính năng truyền tải thông tin độc lập và tương tác cao của blog – phương tiện truyền thông xã hội phổ biến trên toàn thế giới. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế nhận định rằng các blogger 'đi tiên phong trong cuộc cách mạng thông tin' toàn cầu, nhưng nhiều chính phủ cũng 'đang tìm cách kiểm duyệt và ngăn chặn' xu thế này.

Cùng với Miến Điện và Trung Quốc, hồi tháng Tư vừa qua, Việt Nam bị Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế (CPJ) xếp trong nhóm nước hạn chế blogger nghiêm trọng nhất ở châu Á.

Nhận định trong thông cáo công bố danh sách 10 quốc gia áp chế blogger nặng nề nhất, ông Joel Simon, Giám đốc Điều hành CPJ, nói rằng con số những người viết blog 'đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, nhưng các chính phủ đang tìm cách sử dụng công nghệ để kiểm duyệt, thanh lọc thông tin, hạn chế tiếp cận internet cũng như theo dõi các dữ liệu cá nhân'.

Ông Simon nhận định tiếp rằng khi các chính phủ 'không thể làm gì thêm, họ tìm cách bỏ tù một số blogger để khiến những người khác phải câm lặng hoặc tự kiểm duyệt'.

Những ngày vừa qua, tin cho hay, có ít nhất ba blogger đã bị bắt ở Việt Nam, trong đó có hai người bị giữ vì liên quan tới vấn đề 'an ninh quốc gia'.

Cho tới nay, giới chức Việt Nam chưa công bố cụ thể cáo buộc đối với các blogger bị bắt, nhưng theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam với VOA Việt Ngữ thì các vụ bắt blogger 'có yếu tố Trung Quốc' và rằng Hà Nội 'chịu áp lực' từ Bắc Kinh.

Tổ chức bảo vệ nhà báo CPJ từng nhận định rằng các blogger ở Việt Nam là lực lượng 'đáp ứng khoảng trống về các thông tin độc lập do truyền thông chính thống bị nhà nước kiểm soát tạo ra'.

Đánh giá về các blogger tại các quốc gia được cho là thiếu tự do ngôn luận và kiểm duyệt gắt gao thông tin trên thế giới, bà Debbie Weil, một cố vấn về truyền thông xã hội và là một người nghiên cứu blog ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, nói với VOA Việt Ngữ rằng vai trò của họ 'rất quan trọng'.

Bà Weil nói: 'Nhiều người trên thế giới đã sử dụng các công cụ viết blog miễn phí như trang Blogger của Google để nói lên tiếng nói của họ về những trăn trở hoặc những bất công trong xã hội. Các dân thường đã trở thành những nhà báo công dân. Nhưng viết blog cũng là việc đầy rủi ro, nhất là khi đề cập tới vấn đề nhạy cảm, bị coi là ý muốn lật đổ chính quyền và gây tranh cãi tại các quốc gia kiểm soát các luồng thông tin'.

Theo CPJ, năm ngoái, lần đầu tiên số vụ tống giam các blogger và phóng viên các báo điện tử trên toàn thế giới vượt quá con số các phóng viên báo in, báo nói và báo hình.

Ông Andrew Ford Lyons, thành viên của Ủy ban Bảo vệ các Blogger Quốc tế, nhận định rằng việc trấn áp các blogger ở Việt Nam 'chưa dừng lại và ngày càng gia tăng mạnh hơn'.

Ông Lyons cho biết Ủy ban này đã và đang cập nhật tình hình về các blogger Việt Nam cũng như các nước khác trên trang web của tổ chức này để giúp những người viết blog khác 'đánh giá về nguy cơ có thể xảy ra trước khi họ quyết định viết một điều gì đó'.

Ông Lyons nói với VOA Việt Ngữ: 'Tôi không nói là họ không nên công khai bày tỏ quan điểm của mình, mà chúng tôi muốn họ thể hiện với một sự thận trọng. Các blogger nên được quyền thể hiện những gì họ muốn. Nhưng những gì xảy ra ở Việt Nam thời gian qua có thể khiến cộng đồng blogger lo ngại'.

Ông nói thêm: 'Chúng tôi rõ ràng là không thể tới giải cứu các blogger ra khỏi nhà tù tại mỗi nước, nhưng chúng tôi có thể kêu gọi các blogger ở khắp nơi phát triển các cách thức blog ẩn danh để bảo vệ sự an toàn cho họ. Chúng tôi tập hợp một danh sách những trang web họ có thể tiếp cận các thông tin về chuyện viết blog mà không để lại dấu vết'.

Cũng giống với ông Lyons, bà Weil cho rằng cách tốt nhất để các blogger tránh gặp rắc rối là 'không nên tiết lộ bất kỳ điều gì liên quan tới bản thân', dù rằng nếu chính quyền quyết tâm họ 'vẫn có thể tìm ra đầu mối'.

Chuyên gia này nói: 'Chuyện ẩn danh hay không phụ thuộc vào mục đích viết blog của bạn. Nếu bạn chỉ viết chơi về những vấn đề vô thưởng vô phạt thì không sao, nhưng nếu đề cập tới các vấn đề chính trị nhạy cảm tại những nơi thiếu tự do ngôn luận thì các blogger buộc phải cân nhắc. Tôi nghĩ rằng những người nói lên tiếng nói phản kháng một cách công khai thật là can đảm'.

Tuy nhiên, ông Lyons cho rằng việc các blogger sử dụng các công cụ blog miễn phí của các hãng cũng có thể bị truy ra nguồn gốc 'một khi chính quyền gây ảnh hưởng kinh tế đối với các công ty này, như đe dọa chặn dịch vụ của họ ở nước sở tại' như đã từng thấy ở Trung Quốc.

Theo chuyên gia nghiên cứu blog, Debbie Weil, ở Mỹ hiện thời 'không có chế độ kiểm duyệt các blogger, và họ có thể chỉ trích chính quyền cũng như mọi vấn đề liên quan tới chính trị'. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực blog này nói rằng 'chuyện phỉ báng và bôi nhọ một ai đó cũng có khả năng bị truy tố'.

Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã thành lập hẳn một cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ 'quản lý nội dung các loại hình thông tin trên Internet'.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về con số blogger ở Việt Nam, nhưng có ước tính con số này 'lên tới hàng triệu'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG