Bắc Triều Tiên đã loan báo tiến bộ mới trong việc phát triển vũ khí hạt nhân của họ, khiến Hoa Kỳ và các đối tác trong vùng lên tiếng bầy tỏ sự quan ngại và thất vọng. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Kurt Achin từ Seoul, một đặc sứ cấp cao của Hoa Kỳ đang có mặt trong vùng để thảo luận cách đối phó.
Nam Triều Tiên đã cam kết sẽ đáp lại “một cách nghiêm khắc và nhất quán” tuyên bố của Bắc Triều Tiên hôm nay rằng họ đang tiếp tục sản xuất chất liệu vũ khí hạt nhân.
Thông tấn xã chính thức của Bắc Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đang ở trong các giai đoạn cuối của một chương trình làm giàu chất uranium. Cho đến năm nay, Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ những cáo buộc của Hoa Kỳ rằng họ đang làm giầu chất uranium và vi phạm các thỏa thuận trước đó.
Ông Moon Tae-young là một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên.
Phát ngôn viên này nói ông lấy làm tiếc là Bắc Triều Tiên đang đi giật lùi trong các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Ông gọi các hoạt động của Bình Nhưỡng là một sự chối bỏ ý nguyện của cộng đồng quốc tế, mà Nam Triều Tiên không thể chấp nhận được.
Một đặc sứ cấp cao của Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, đã họp với các nhà lãnh đạo trong vùng để bàn về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trước khi rời Bắc Kinh lên đường đi Seoul hôm nay, ông tuyên bố điều quan trọng là Hoa Kỳ và các đối tác phải hợp tác với nhau.
Ông Bosworth nói: “Rõ ràng là bất kỳ điều gì Bắc Triều Tiên đang làm trong lãnh vực phát triển hạt nhân đều là mối quan tâm của chúng ta. Tất cả chúng ta phải tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì một lập trường phối hợp về nhu cầu phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ và toàn diện bán đảo Triều Tiên.”
Ông Bosworth nói ông không có kế hoạch tức thời đi thăm Bắc Triều Tiên. Ông nói Washington muốn có đối thoại, nhưng Bình Nhưỡng cũng phải quay trở lại các cuộc đàm phán 6 nước về việc chấm dứt các chương trình hạt nhân của họ.
Ông Bosworth nói tiếp: "Bất kỳ thỏa thuận song phương nào với Bắc Triều Tiên đều phải nằm trong khuôn khổ tiến trình 6 bên.”
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã cố gắng suốt 6 năm qua để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với miền Bắc sau khi nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ nhì hồi tháng 5.
Ông Kim Yong-hyun là một giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại tường đại học Dongkuk ở Seoul. Ông nói rằng Hoa Kỳ phải chú ý đến một dòng trong thông cáo của Bắc Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho cả “đối thoại lẫn chế tài.”
Giáo sư Kim nói đoạn văn này là một chỉ dấu để Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế xúc tiên nỗ lực ngoại giao. Theo ông Kim, tuy thông cáo nghe có vẻ đe dọa, những luận điệu của Bình Nhưỡng không nhất thiết luôn luôn mang tính đe dọa.
Ông Dan Pinkston, một chuyên gia phân tích các vấn đề Đông Á thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng Hoa Kỳ và các đối tác cần phải đánh giá xem họ muốn đi xa như thế nào trong phương sách trừng phạt miền Bắc.
Ông Pinkston nói: “Ta muốn xác định giới hạn cho những sự nới lỏng các biện pháp chế tài đó ở đâu? Ta trở lại vấn đề đó như thế nào? Và nếu không định ra chỉ tiêu, thì không có sự khích lệ để Bắc Triều Tiên hợp tác bằng bất cứ cách nào. Ta biết đó, nếu ta chỉ nhất định chế tài bất kể ra sao thì tại sao lại hợp tác? Ý tôi muốn nói là còn ai muốn hợp tác nữa?”
Ông Pinkston nói rằng Hoa Kỳ nên đề xuất một loại khích lệ tích cực nào đó để kéo Bắc Triều Tiên trở lại với các cuộc đàm phán 6 nước.