Đường dẫn truy cập

Kinh tế Đông Timor vẫn tăng trưởng chậm sau 10 năm tự trị


Cách đây 10 năm, người dân Đông Timor đã bỏ phiếu đòi được độc lập tách khỏi Indonesia, và mong đợi việc tự quyết định sẽ dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nền kinh tế trên đảo quốc nhỏ bé này đã phát triển rất chậm. Trong khi phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng như tình trạng nghèo khó thâm căn và tỉ lệ thất nghiệp cao thì Đông Timor cũng có khả năng kinh tế tiềm tàng. Từ thủ đô Dili, Thông tín viên đài VOA Brian Padden gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Francisco Lopez có một đồn điền cà phê nhỏ ở vùng quê Đông Timor. Năm ngoái ông kiếm được trên 100 đôla một chút.

Ông Lopez cho biết đó là một số tiền lớn nhưng chưa không đủ để ông mua những gì ông cần.

Sau khi dân chúng ở Đông Timor biểu quyết độc lập khỏi Indonesia năm 1999, nhiều người nghĩ rằng niềm hy vọng về nền kinh tế của đất nước là cà phê. Nhưng trong khi việc xuất khẩu tăng thì giá cà phê trên thị trường thế giới lại sụt giảm.

Tổ chức Hợp tác Cà phê ở Đông Timor đã cùng với các tổ chức viện trợ quốc tế giúp nông dân sản xuất cà phê và bán cà phê cao cấp cho những cửa hàng đặc biệt như hệ thống cà phê Starbucks của Hoa Kỳ. Tổ chức này cũng khuyến khích các nông dân trồng các hoa màu khác như va-ni và chăn nuôi gia súc để phụ thêm vào thu nhập.

Thế nhưng chỉ cải thiện khu vực nông nghiệp không thôi không giải quyết được tình trạng nghèo khó gia tăng trong các khu vực đô thị là nơi 40% dân số bị thất nghiệp. Cần phải có các ngành công nghệ và phát triển mới để tạo công ăn việc làm và khiến cho người dân phải chi tiêu tại Đông Timor.

Đông Timor cũng đang trên đà trở thành một quốc gia sản xuất năng lượng lớn. Sự phát triển tài nguyên về dầu và khí đốt trong vùng biển của đảo quốc này cho tới nay đã đem lại cho chính phủ gần 5 tỉ đôla lợi nhuận.

Vấn đề chính phủ sử dụng số tiền đó như thế nào được đưa ra thảo luận tại quốc hội Đông Timor. Một số thu nhập được dùng để mua gạo của Việt Nam, rồi đem bán rẻ hơn để giúp dân nghèo. Những người chỉ trích, như cựu Thủ tướng Mari Alkatiri thuộc đảng Fretilin đối lập, nói rằng chính sách vừa kể tác hại tới những nhà sản xuất gạo tại địa phương vì họ không thể cạnh tranh.

Ông Alkatiri nói: “Nếu quý vị trợ cấp giá gạo, nếu quý vị bán gạo với giá thật rẻ có nghĩa là dân chúng sẽ không sản xuất gạo trong nước nữa. Như vậy là quý vị đã ngưng công cuộc sản xuất gạo trong nước. Quý vị đã cản trở việc sản xuất gạo và đó không phải là hình thức phát triển mà chúng ta mong muốn.”

Tất cả dường như đều đồng ý rằng nên sử dụng số tiền đó vào những nhu cầu phát triển lâu dài như xây dựng đường sá, giáo dục và y tế.

Bà Maria Lay là thành viên trong đảng Đại hội dân tộc tái thiết Đông Timor, nói rằng đứng đầu trong danh sách hành độïng của chính phủ phải là xây các nhà máy điện mới.

Bà Lay nói: “Chính phủ đã xác định vấn đề quan trọng chúng ta phải đối phó hiện nay là cung cấp điện cho toàn dân. Và chúng ta đang bắt đầu với hy vọng là chương trình này sẽ hoàn tất trong 2 năm. Có thể là vào năm 2011.”

Tuy nhiên kế hoạch này cũng bị chỉ trích. Các nhà máy điện được đề nghị sẽ sử dụng dầu nặng cần phải nhập khẩu và gây ô nhiễm môi trường.

Đã có những nghi vấn về việc giao hợp đồng cho ai và như thế nào.

Những tranh cãi về chi tiết cách thức sử dụng tài nguyên mới phát hiện của Đông Timor tiếp tục gây trì trệ cho tiến độ phát triển của đảo quốc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG