Hai đối thủ chính trị Đài Loan và Trung Quốc đã chứng kiến mối quan hệ kinh tế giữa hai bên được cải thiện đáng kể từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu nhậm chức hồi năm ngoái. Tuy nhiên, dù mối liên hệ này phát triển nhưng lập trường quân sự cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn giữ nguyên như cũ. Thông Tín Viên William Ide của Đài VOA tường trình từ Đài Bắc.
Tổng thống Mã Anh Cửu đắc cử một phần cũng nhờ vào lời hứa là ông sẽ cải thiện mối quan hệ đối với Trung Quốc.
Và ông đã làm như vậy. Đài Loan và Trung Quốc bắt đầu thực hiện những cuộc gặp gỡ đều đặn và mở những đường bay và những chuyến tàu chở hàng trực tiếp qua eo biển.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng giúp cho Đài Loan tham dự hội nghị hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.
Mối đe dọa của Trung Quốc hình như phai nhạt dần trong tâm trí của người dân. Ngay cả Tổng thống Mã Anh Cửu sau cuộc tàn phá khốc liệt của cơn bão Morakot tháng này đã tuyên bố là thiên tai hiện nay là mối đe dọa lớn hơn Trung Quốc.
Tuy nhiên những người khác không đồng ý với điều này.
Ông Richard Fisher, một thành viên cao cấp và là chuyên gia phân tách về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm lượng giá quốc tế và chiến lược có trụ sở tại bang Virginia miền đông Hoa Kỳ có nhận xét: 'Mối liên hệ quân sự trở nên xấu hơn. Trung Quốc tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa quân đội của họ gần Đài Loan và có khả năng sự dụng lực lượng này chống lại Đài Loan với mức độ như trước khi Tổng thống Mã Anh Cửu đắc cử. Đơn giản là điều này không thay đổi'.
Trong hai năm qua, bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đã tăng cường số lượng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào Đài Loan lên đến hơn 1.100 đầu đạn.
Ông Richard Bush, một thành viên cao cấp của Viện Brooklyn tại Washington, cũng nói là không rõ tại sao Trung Quốc tiếp tục xây dựng các lực lượng để đặt Đài Loan vào thế hiểm nguy.
Ông Bush cho là sự củng cố này có thể liên hệ đến kế hoạch ngân sách cứng nhắc của Trung Quốc và đưa ra nhận xét thêm là sau khi kế họach ngũ niên hiện nay chấm dứt vào cuối năm nay, tình hình có thể thay đổi.
Ông cho biết thêm là có thể các viên chức Trung Quốc không tin Tổng thống Mã Anh Cửu hoặc là có sự khác biệt quan điểm giữa các cấp lãnh đạo dân sự và quân sự Trung Quốc.
Ông Bush nói: 'Mối nguy hiểm là ở chỗ nếu khuynh hướng này tiếp tục ngay cả khi kế hoạch ngủ niên kế tiếp của Trung Quốc bắt đầu, thì ít nhất là có một số người Đài Loan tin rằng lời hứa của Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng chính sách của ông sẽ làm cho Đài Loan an ninh hơn sẽ là điều sai lầm'.
Ông Antonio Chang, một cựu giới chức an ninh quốc gia của Tổng thống Trần Thủy Biển, nhận xét là sự tăng tiến giữa Trung Quốc và Đài Loan trong lãnh vực kinh tế đã bóp nghẹt chính sách an ninh của Đài Loan.
Ông nói: 'Đây là điểm yếu nhất của chính phủ Mã Anh Cửu, không có nhiều người trong chính phủ hay trong hội đồng an ninh đề cập đến vấn đề an ninh'.
Trung Quốc luôn coi hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu đảo này chính thức đòi độc lập.
Đài Loan và Trung Quốc đã tách rời khỏi nhau trong cuộc nội chiến năm 1949, và Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự cho hòn đảo.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng nhận thức về mối quan hệ cải thiện với Trung Quốc đã làm giảm những vụ mua bán quân sự từ Hoa Kỳ của Đài Loan.
Họ cũng cho rằng điều đó đang làm quân đội của Đài Loan trở nên thụ động hơn.
Nhưng cũng có một số người trên hòn đảo cho rằng Đài Loan thậm chí không cần cả quân đội.
Lâm Trung Bân, cựu thứ trưởng quốc phòng và giới chức cao cấp tại cơ quan hoạch định chính sách đối với Trung Quốc của Đài Loan, nói rằng ý kiến đó hơi cực đoan.
Ông Lâm nói: ‘Thậm chí nếu chúng ta tiếp tục tham gia đàm phán với Bắc Kinh, chúng ta vẫn cần quân đội. Đó là công cụ để mặc cả, nếu không chúng ta sẽ bị Bắc Kinh áp chế 100%'.
Ông Lâm nhấn mạnh rằng các quốc gia trung lập như Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng có quân đội để phòng hờ và lực lượng quân đội rất hữu ích khi xảy ra các thiên tai.
Ông nói thêm rằng quân đội Đài Loan giúp hòn đảo này chống lại bất cứ giới chức nào tại Hoa lục, những người có thể có khuynh hướng muốn sử dụng vũ lực đối với hòn đảo này.
Ông Lâm nhận định: ‘Nếu chúng ta không có bất kỳ lực lượng quân sự nào, thì phe diều hâu ở Bắc Kinh sẽ nói, 'Ờ, hãy hành đông đi, hãy sử dụng quân sự đè bẹp Đài Loan đi'.
Các nhà phân tích an ninh nói rằng việc Đài Loan và Bắc Kinh bắt đầu tiến trình thảo luận để đạt được một thỏa thuận hòa bình và cải thiện quan hệ quân sự không đồng nghĩa với chuyện quân đội Trung Quốc sẽ từ bỏ mục tiêu đã có từ lâu.
Ông Richard Fisher tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế có cùng chung quan điểm trên: ‘Đối với Trung Quốc, Đài Loan trên bản đồ như là cái mũi trên khuôn mặt. Đó cũng là điều Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhìn về Đài Loan, rằng chừng nào họ không kiểm soát được Đài Loan, thì chừng đóhọ không thể kiểm soát được chính khuôn mặt của mình’.
Ông Fisher nói thêm rằng kiểm soát đài Loan là điều tối quan trọng đối với Trung Quốc vì nó sẽ giúp Bắc Kinh nối dài cánh tay kiểm soát khu vực Thái Bình Dương và vùng biển Nam Trung Hoa.