Đường dẫn truy cập

Ngồi quán


Trịnh Y Thư, tên thật là Trịnh Ngọc Minh, sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California). Tác phẩm dịch đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.

Có giai thoại như sau về Jean Sibelius mà mỗi khi nhớ lại tôi đều cười mỉm một mình. Ông là nhà soạn nhạc lỗi lạc nhất của xứ Phần Lan, sống vào nửa đầu thế kỉ XX. Dân tộc Phần Lan vô cùng hãnh diện về ông, một đóng góp to tát vào nền âm nhạc thế giới từ một quốc gia thưa dân nằm mãi tít tận địa đầu châu Âu. Thuở sinh tiền, ông có tật thích ra ngồi quán với bạn bè. Một hôm trong lúc đang ngồi như thế thì nhân viên phục vụ bảo ông có điện thoại. Vợ ông gọi. (Cố nhiên thời đó chưa có điện thoại di động, nhưng có lẽ vợ ông giữ trong bàn giấy tất cả những số điện thoại hàng quán ông hay la cà.) Giọng vợ ông trong máy, “Ông ơi! Ông liệu mà về nhà đi. Ông biết bây giờ là mấy giờ rồi không?” Trả lời vợ, ông nói rõ to vào máy trước mặt bạn bè ông, “Bà nó ơi! Tôi là nhà soạn nhạc, làm sao tôi biết bây giờ là mấy giờ!” Đám bạn ông được một trận cười no bụng.

Không biết giai thoại trên có bao nhiêu phần sự thật, nhưng giới văn nghệ sĩ ai cũng thích ngồi quán, cho dù đó là thiên tài có một không hai như Mozart. Xem phim Amadeus, tôi thấy Mozart hay nửa đêm trốn vợ, xách chai rượu chui vào một quán rượu nào đó và vui chơi cho đến lúc trời ửng sáng mới rón rén quay về phòng ngủ.

Chẳng phải thiên tài nhưng chúng tôi—vài người bạn văn còn sót lại trong cái thị trường chữ nghĩa ở hải ngoại—cũng thích ra quán ngồi lắm. Hở được khoảng trống nào trong thời khoá biểu cuối tuần là chúng tôi nháy máy di động hẹn nhau ra quán. Nơi chúng tôi hay ngồi là quán cà phê do một người Việt làm chủ, ngay trung tâm Quận Cam. Tôi chưa thấy quán cà phê nào xấu xí và nhếch nhác hơn nó. Bàn ghế lỏng chỏng trước quán chiếm hết lối người đi bộ—tôi không ngạc nhiên bởi từ lâu thành phố Sài Gòn đã không còn lối cho người đi bộ, và khu phố Sài Gòn Nhỏ phía Nam bang California này chỉ là sự “tiếp nối sao sát truyền thống đó” mà thôi—phía trước quán là bãi đậu xe to rộng, lúc nào cũng chật cứng đủ loại ô-tô lớn nhỏ. Ngồi đây, mùa đông còn đỡ, mùa hè hơi nóng phả vào mặt như ngồi trước ống bễ của anh thợ rèn. Quán không có lấy một bóng cây xanh. Ngồi chung quanh là những khuôn mặt không khác chúng tôi bao nhiêu, trẻ nhất cũng là lứa tuổi tri thiên mệnh. Có cụ không thể dưới tám mươi nhưng trông vẫn còn nét phương cương, phong độ. Cụ nói cười oang oang đến nỗi suýt văng ra hai hàm răng giả. Nhìn quanh quất mãi tôi vẫn chẳng tìm ra bóng hồng nào dù chỉ là một bóng hồng đang độ tàn phai. Các cô phục vụ thì chỏng lỏn đến độ phát ghét, ghét nhất là các cô gọi tôi bằng chú.

*

Quán như thế nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi vẫn hẹn nhau đến ngồi hàng giờ nói chuyện vãn. Cũng như tôi chẳng thể nào hiểu nổi tại sao chúng tôi vẫn lọ mọ, mày mò viết lách trong hoàn cảnh sống nơi xứ người, vẫn vắt óc tìm cảm hứng từ những mảnh vụn trong cuộc sống tha hương để gửi gắm vào thơ văn như con dã tràng xe cát.

Cách đây hơn hai mươi năm, lúc mới tập tễnh bước vào làng văn hải ngoại, tôi và một số bằng hữu văn nghệ lúc đó bạo gan xuất bản một cuốn tuyển tập quy tụ hơn hai mươi người viết ở hải ngoại sau thời điểm 1975. Thi thoảng cầm lại cuốn sách tôi nhận ra một sự kiện là, trong số hơn hai mươi người đó, chí ít ba phần tư từ lâu lắm đã hoàn toàn vắng bóng. Số còn lại, năm sáu người, trong đó có tôi, vẫn viết lai rai cho đến bây giờ. Tôi không rõ những người khác nghĩ sao nhưng riêng tôi thì có lúc nhìn vào gương tôi bảo chính tôi, “Thôi chứ! Chú mày bẻ bút là vừa! Nhiêu đó đủ rồi, đủ phiền hà thiên hạ lắm rồi, chú mày biết không?”

Tôi không rõ nguyên do, động lực nào thúc đẩy tôi vẫn tiếp tục viết.

Để tự trả lời có lẽ tôi đành phải mượn câu nói của bà Joyce Carol Oates, nhà văn nữ kiệt xuất của văn học Mĩ đương đại. Bà bảo viết văn và mơ mộng là do cùng một nguyên do, một động lực thúc đẩy—“bởi chúng ta chẳng thể nào không mơ, bởi mơ là thao tác nằm tự nhiên trong trí tưởng tượng của con người.” Viết và mơ là một, bà bảo thế, nhưng đừng hiểu sai ý bà. Viết không phải là hành vi chạy trốn thực tại, không phải bởi không kham nổi đời sống nên phải đi núp sau bức bình phong văn chương. Một nhà văn nữ khác, bà Flannery O'Connor (ra đời trước Joyce Carol Oates mười ba năm) bảo “viết không phải là đào thoát khỏi thực tại, viết là nhảy thật sâu vào thực tại và khiến hệ đời sống như bị chấn động bởi cơn sốc.” Bà nói thêm, “. . . nhà văn là kẻ vẫn còn hi vọng trên cõi đời, kẻ không còn hi vọng không viết văn.”

Có lẽ bởi thế nên tôi vẫn viết, mặc dù những lí lẽ biện giải hai bà đưa ra cao đẹp quá khiến tôi ngờ ngợ, chẳng biết có đúng với mình hay không.

*

Cuộc cách mạng tin học với sự bùng nổ của mạng lưới thông tin toàn cầu khiến đời sống con người ở thế kỉ XXI như mang diện mạo mới và đời sống văn học Việt hải ngoại không tránh khỏi những đổi thay nghiêm trọng gây nên bởi bước tiến nhảy vọt này. Ngành xuất bản sách, báo văn học gần như chết hẳn và thay vào là những trang mạng văn chương, chuyên biệt lẫn bán chuyên biệt. Tuy ít nói ra nhưng tôi thấy khá ngậm ngùi, bởi một trong những tờ tạp chí văn học đi vào quên lãng đó có thời tôi gắn bó khá sâu đậm. Có ai là kẻ không nghĩ về quá khứ? Thêm nữa, viết rồi gửi bài mình đăng trên mạng giống như ném hòn sỏi xuống mặt hồ, nó mất tăm và tôi chẳng biết nó thuộc về đâu. Có lẽ tôi vẫn chưa hoàn toàn hội nhập vào đời sống mạng (mặc dù nghề nghiệp kiếm cơm chính của tôi là chế tạo thiết bị điện tử viễn thông), tôi vẫn nhớ mùi thơm của mực toả ra từ những trang sách, trang báo mới.

Nhưng chẳng ai có thể đi ngược lại những diễn biến có tính tiến hoá của thời đại, và nhờ thế những trang mạng văn chương trở thành phương tiện cung cấp đất đai cho nhiều cây bút mới tung hoành. Ngày nay, nhìn sơ quát, tôi vừa bi quan lẫn lạc quan.

Bi quan bởi người đọc càng ngày càng ít, thêm vào đó, khoảng cách mĩ học giữa người viết và người đọc cũng gia tăng đáng kể, nhất là bên lĩnh vực thi ca. Người đọc là thành tố tối hậu của đời sống văn học. Không có người đọc, đời sống này chết ngúm. Tôi không tin vào một nền văn học trong đó người viết và người đọc là một. Nhưng tôi cũng lạc quan bởi nhìn quanh, tôi thấy đội ngũ người viết vẫn còn đông đảo. Có người viết cũ bỏ bút nhưng cũng có không ít người viết mới xuất hiện. Những người viết mới này chứng tỏ được tài năng vượt trội, bút lực mạnh mẽ, cá tính độc đáo và nhất là họ bắt được nhịp đập của văn học thế giới nhờ chịu khó tiếp cận. Quá khứ nặng nghìn cân không trì hãm, quản thúc họ. Mặc kệ các cụ quan văn đội mũ cánh chuồn ngồi phán những điều cao đẹp nghe có vẻ như là chân lí, họ đội mũ bóng chày xoay ngược rồi tung toả, bay bổng tự do như lướt sóng; họ viết như họ sống, ăn, thở, làm tình. Nhờ họ tôi tìm ra niềm hứng khởi tiếp tục viết.

*

Thế nhưng vẫn còn lí do khác khiến tôi chưa bẻ bút, mặc dù cái gã “alter ego” chết tiệt của tôi cứ nèo nẹo đeo theo mắng nhiếc tôi hoài.

Tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác hôm anh từ bệnh viện về sau ca mổ gan. Tôi ngồi nói chuyện với anh trong phòng ngủ, anh nằm trên giường bệnh, mặt mày còn xanh lướt. Tôi hỏi han anh về bệnh tình của anh nhưng anh chỉ ậm ừ trả lời. Tôi ngỡ anh còn mệt nên định nói thêm câu nữa rồi xin kiếu từ, nhưng anh đột nhiên bắt sang chuyện văn chương và từ lúc đó trở đi tôi thấy nét mặt và giọng nói anh khác hẳn. Anh linh hoạt hẳn lên và chúng tôi nói chuyện với nhau—toàn chuyện văn chương chữ nghĩa—suốt thời gian buổi thăm viếng người bệnh của tôi.

Tôi biết chính cái đam mê trong lòng—tận sâu đáy lòng—đã khiến tôi chưa bẻ bút.

Tôi hẹn hôm nào anh hồi phục sức khoẻ “anh em mình lại đi uống cà phê, anh nhé.” Vâng, chúng tôi lại hẹn nhau ra cái quán cà phê bên vệ đường không một bóng cây xanh, không một bóng hồng, để nói những chuyện chẳng đâu vào đâu cho đến khi nào vợ nháy máy di động gắt tướng trong máy, “Làm gì mà cà phê cà pháo suốt ngày thế! Đi về! Cà phê ở nhà thiếu gì, về mà uống.” [TYT]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG