Thượng Nghị Sĩ Jim Webb của Hoa Kỳ, người vừa thảo luận với giới lãnh đạo quân sự Miến Điện, nói rằng chính quyền nước này đã bác bỏ những tường trình cho rằng Miến Điện đang tìm cách thủ đắc công nghệ hạt nhân. Từ Bangkok, thông tín viên Heda Bayron của đài VOA tường trình rằng Thượng Nghị Sĩ Webb còn cho hay là nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã tỏ dấu hiệu cho thấy bà có thể chấp nhận việc tháo gỡ một số biện pháp cấm vận đang áp dụng đối với Miến Điện.
Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nói ông không trực tiếp nêu lên vấn đề liệu Miến Điện có một chương trình hạt nhân bí mật hay không trong các cuộc hội đàm với Tướng Than Shwe, một nhân vật vốn ít khi tiếp xúc với ai. Ông Webb gặp Tướng Than Shwe hôm thứ Bảy và trở thành giới chức cao cấp đầu tiên của Hoa Kỳ gặp nhà lãnh đạo này của Miến Điện.
Hôm thứ Hai, Thượng Nghị Sĩ Webb nói chính quyền Miến Điện dã bác bỏ tin cho rằng họ có một chương trình hạt nhân.
Ông Webb nói:“Tôi được cho biết rất sớm rằng điều đó không đúng sự thật, từ một nhân vật cao cấp trong chính quyền Miến Điện.”
Hồi đầu tháng này, các nhà nghiên cứu Úc nói rằng các cuộc thẩm vấn những người đào tỵ từ Miến Điện cho thấy là chính quyền nước này có một chương trình hạt nhân bí mật, mà theo lời cáo buộc, được Bắc Triều Tiên hỗ trợ.
Hồi tháng Sáu, một chiếc tàu Bắc Triều Tiên mà người ta tin là đang trực chỉ Miến Điện, chở theo một chuyến hàng khả nghi, đã bị buộc phải quay mũi tàu trở về vì áp lực của quốc tế. Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton khuyến cáo rằng bất cứ quan hệ quân sự nào giữa Miến Điện với Bắc Triều Tiên cũng đều đặt ra một mối đe dọa an ninh đối với khu vực.
Trong một cử chỉ thiện chí chưa từng có đối với Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb được chính quyền Miến Điện cho phép gặp nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại Rangoon hôm thứ Bảy.
Ông Webb cũng vận động thành công để một công dân Mỹ, John Yettaw, được phóng thích. Ông Yettaw bị tống giam vì đã đến thăm bà Aung San Suu Kyi tại tư gia hồi tháng Năm năm nay. Chuyến thăm viếng này đã khiến chính quyền Miến Điện gia hạn thời gian quản thúc bà Suu Kyi thêm 18 tháng nữa.
Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nói theo các dấu hiệu bề ngoài, dường như bà Aung San Suu Kyi sẽ không chống đối việc tháo gỡ bớt các lệnh cấm vận đang áp dụng đối với Miến Điện. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các chính quyền tây phương khác trong nhiều năm qua đã áp đặt một số biện pháp cấm vận kinh tế để trừng phạt chính quyền quân sự đàn áp dân tại Miến Điện.
Thượng Nghị Sĩ Webb ủng hộ giải pháp dẫn đến việc tháo bỏ hẳn các biện pháp cấm vận đối với Miến Điện, mà ông và nhiều người khác lập luận rằng chỉ có tác dụng tăng thêm tình trạng cô lập của nhân dân Miến Điện mà thôi.
Ông Webb nhận định: “Tôi không dám diễn giải một cách sai lạc quan điểm của bà Suu Kyi. Nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng tôi có cảm tưởng rõ rệt khi tiếp xúc với bà, rằng bà không chống đối việc tháo gỡ một số biện pháp cấm vận.”
Trong những năm cuối của thập niên 1990, bà Aung San Suu Kyi đã bày tỏ quan điểm ủng hộ phần nào các biện pháp cấm vận kinh tế như một phương cách để tăng sức ép với chính quyền Miến Điện phải thừa nhận thắng lợi mà chính đảng của bà đã đạt được trong cuộc bầu cử năm 1990, và cho phép chính đảng này được thành lập chính quyền. Nhưng trong những năm gần đây, bà Aung San Suu Kyi không lên tiếng công khai về các biện pháp cấm vận. Trong 20 năm qua, bà bị quản thúc tại gia tổng cộng là 14 năm.
Hôm Chủ Nhật, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nói Washington cần triển khai nhiều phương cách mới để chấm dứt tình trạng cô lập của Miến Điện, và đưa đến cải cách chính trị và kinh tế. Thượng Nghị Sĩ Webb, thuộc Đảng Dân Chủ, đã đàm đạo với Ngoại Trưởng Hillary Clinton hôm Chủ Nhật, và sẽ báo cáo với bà về chuyến đi của ông một khi trở về Washington.
Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, Chủ Tịch tiểu ban Đông-Á Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, đang thực hiện chuyến công du đi thăm 5 nước Đông Nam Á. Từ Bangkok, ông sẽ đáp máy bay sang Campuchia trong ngày hôm nay, thứ Ba, rồi từ đó, sẽ bay sang Việt Nam.