Đường dẫn truy cập

Cái lưỡi đầy thiên vị


Có rất nhiều người, chủ yếu là người Việt ở hải ngoại, khen thức ăn Việt Nam ở California rất đa dạng. Hầu như món nào cũng có. Có, không những phở, mì, hủ tiếu, bún bò, canh chua, cá kho tộ… mà còn có, cả bún mắm, mắm chưng, mít trộn và vô số thứ khác nữa. Không những đa dạng, phần lớn đều rất ngon. Nhiều người nói một cách đầy tự hào: Bây giờ muốn ăn ngon thì phải sang Cali!

Thế nhưng, cuối năm 2006 và đầu năm 2007, tôi có dịp sang Cali, được thử rất nhiều món ăn Việt Nam ở nhiều tiệm khác nhau, từ Nam đến Bắc, chủ yếu ở hai thủ phủ của cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ: Orange County và San Jose, tôi không thấy món nào thật ngon. Ngon thì cũng ngon. Nhưng không ngon một cách đặc biệt. Phở, ừ, cũng được. Các loại bún, ừ, cũng vậy. Ăn được. Không có gì để chê cả. Nhưng rõ ràng chúng không để lại một ấn tượng nào thật đặc biệt trên lưỡi và trong ký ức của tôi.

Tôi không có ý định chê thức ăn Việt Nam ở Cali dở. Không. Phải nói dứt khoát: Không. Tôi không hề có ý định ấy. Tôi biết nguyên nhân: Tất cả đều do cái lưỡi của tôi, một cái lưỡi đầy thiên vị.

Mà đó không phải là lần đầu.

Nhớ, lúc mới đến định cư tại Pháp, ăn thức ăn Việt Nam ở Pháp, từ tiệm lớn đến tiệm nhỏ, tôi ngao ngán lạ thường. Thấy, dường như không có món gì ngon cả. Ăn cũng ăn gọi là vậy thôi. Nhưng không thấy ngon. Sang Úc, cũng thế. Khá hơn Pháp, nhưng cũng không thực sự ngon. Ngon, với tôi, lúc ấy, phải là thức ăn được nấu ở Việt Nam.

Tôi tìm đủ lý do để biện minh cho điều ấy: thịt ở Việt Nam tươi hơn; thú lại được nuôi ở ngoài vườn hay ngoài đồng, nên chắc thịt; mà thịt lại thơm. Rồi rau ở Việt Nam nữa. Rất nhỏ. Nhưng dậy mùi.

Trong ký ức của tôi, ở Việt Nam món gì cũng ngon. Cứ tưởng tượng đến cảnh khói bốc nghi ngút trên các tô phở hay bún bò là đã thấy lòng nôn nao khôn tả.

Năm 1996, lần đầu tiên tôi về Việt Nam. Ghé Hà Nội trước. Bạn bè dẫn tôi đi ăn những món truyền thống và đặc sản ở Hà Nội. Trước khi ăn, nhiều người còn giới thiệu một cách nồng nhiệt: “Phải ăn phở Hà Nội. Phở Hà Nội mới là phở thật. Phở trong Nam là phở dởm. Phở gì mà có giá chứ!” Vào tiệm thịt cầy, cũng lời giới thiệu như vậy: “Thịt cầy phải ăn ở Hà Nội. Thịt cầy, khi vào Nam, bị biến chất hết rồi!” Ăn, thì tôi cũng ăn; có khi cố gắng ăn (như trường hợp thịt cầy), nhưng hỏi có thấy ngon hay không, thú thực, tôi chỉ thấy vầy vậy. Có khi không được vầy vậy. Tôi thấy cái vị ngọt của mì chính thật khó chịu. Tôi thấy thiếu chút rau, tô phở trở thành nhạt hoét. Lúc ấy, tôi chợt “ngộ” ra một điều: thức ăn Việt Nam ở Úc, những thứ mà tôi ngao ngán trong bao nhiêu năm, thật ra, ngon hơn nhiều.

Tôi cũng nghe nhiều người sống ở Úc nói thế. Lúc đầu, từ Việt Nam sang, ai cũng thấy món ăn ở Úc dở ẹc và ai cũng cho thức ăn ở Việt Nam ngon hơn. Ở Úc được vài năm, về thăm Việt Nam, người ta lại thấy ngược lại: Thức ăn ở Việt Nam không ngon như người ta tưởng. Ngon, nếu có, chỉ có vài ngoại lệ, trong đó được nhắc nhở nhiều nhất là thịt gà xé phay. Theo họ, gà ở Việt Nam, do nuôi trong vườn, chắc thịt và thịt cũng thơm hơn hẳn gà Tây.

Nghe nhiều những lời khen tiếng chê về thực phẩm từng địa phương, tôi càng đâm ra nghi ngờ cái lưỡi của con người. Tôi có cảm tưởng nó đầy thiên vị. Người ta không chỉ ăn thực phẩm. Mà còn ăn với cả quá khứ và kỷ niệm của riêng mình.

Tôi có người anh ruột, hiện sống tại Úc. Càng lớn tuổi anh càng khen ngợi và thèm thuồng những món ăn mẹ chúng tôi nấu ngày xưa. Anh hỏi han cách nấu; anh loay hoay tìm kiếm vật liệu rồi lại loay hoay nấu hết món này đến món khác. Món nào, nấu xong, anh cũng lắc đầu: Không ngon bằng mẹ nấu!

Rồi anh lại thử nấu món khác.

Tôi biết không bao giờ anh nấu bằng mẹ cả. Vĩnh viễn. Không phải vì mẹ tôi nấu ăn ngon. Không. Lý do thật đơn giản: Mẹ đã mất.

Không có gì có thể so sánh được với cái đã mất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG