Đường dẫn truy cập

Phillippines phản đối hồ sơ đăng ký chủ quyền lãnh hải của VN


Ba tháng sau khi các nước chính thức đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ đăng ký chủ quyền quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, Philippines đã lên tiếng phản đối những hồ sơ này.

Các hồ sơ mà Philippines phản đối là hồ sơ riêng của Việt Nam và Palau cũng như hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia.

Theo báo chí Philippines thì đơn kiến nghị của nước này đã được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 4 tháng 8 tức là chỉ ít ngày trước thời hạn chót 90 ngày để các nước đệ đơn kiến nghị tính từ thời hạn nộp hồ sơ ngày 13/5.

Hôm 6/5 Malaysia và Việt Nam đã nộp một hồ sơ chung để đăng ký thềm lục địa mở rộng ở Biển Nam Trung Hoa hay còn gọi là Biển Đông.

Ngay ngày hôm sau đó Ủy ban Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã gửi một công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đề nghị Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa gọi tắt là CLCS, không xem xét hồ sơ chung mà Việt Nam và Malaysia cùng đệ trình.

Công hàm của Ủy ban này nói rằng hồ sơ mà Việt Nam và Malaysia cùng đệ trình vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như luật pháp về Biển Nam Trung Hoa.

Người phát ngôn của Ủy ban này nói rằng chính phủ Trung Quốc đề nghị CLCS không xem xét hồ sơ này theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các Qui tắc Thủ tục của CLCS.

Việt Nam đã phản đối kiến nghị của Trung Quốc hôm 8/5 còn Malaysia cũng đã có hành động tương tự hôm 20/5.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã nộp kèm một bản đồ trong đơn kiến nghị. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng phản đối bản đồ này và nói rằng bản đồ không có cơ sở pháp lý và lịch sử và vì vậy không có giá trị.

Việt Nam cũng khẳng định rằng quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ của mình và rằng Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này.

Philippines tuyên bố 8 hòn đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của họ. Cùng với Malaysia nước này cũng tuyên bố chủ quyền đối với Sabah, nằm ở phía bắc đảo Borneo.

Malaysia coi Sabah thuộc chủ quyền của mình dựa trên thỏa thuận thuê vĩnh viễn phần đảo này bắt đầu từ năm 1963, và hiện tại chính phủ Malaysia vẫn đang trả tiền thuê cho những người thừa kế của Quốc vương Sulu.

Quốc vương Brunei đã nhượng Sabah cho Quốc vương Sulu, người đã cai trị Sabah cho tới khi phần đất này được cho thuê.

Trong khi Philippines chính thức công nhận Sabah là một phần lãnh thổ của họ vào năm 1962 dựa trên tuyên bố của những người thừa kế của Quốc vương Sulu, những người này đã nhượng lại chủ quyền Sabah cho Philippines.

Trong khi Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền của khu vực tranh chấp này thì kiến nghị của Philippines chỉ nói nước này phản đối vì hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia không chỉ chồng lấn khu vực với nước họ mà còn gây tranh cãi từ nhưng tuyên bố chủ quyền trong khu vực bao gồm bắc Borneo.

Còn đối với hồ sơ riêng của Việt Nam thì Philippines cũng cho rằng có sự chồng lấn giữa khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền với khu vực thuộc chủ quyền nước họ.

Do đó Philippines đã đề nghị Liên Hiệp Quốc chưa cân nhắc Hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia cho tới khi các bên thảo luận và giải quyết được các vấn đề tranh chấp.

Hiện tại,cả Việt Nam và Malaysia đều chưa lên tiếng về kiến nghị của Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG