Hai nhà báo Mỹ Laura Ling và Euna Lee đã trở về nhà an toàn sau hơn 4 tháng bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên. Nhưng các nhà hoạt động cho nhân quyền ở Nam Triều Tiên đang lo ngại về những gì họ đã để lại đằng sau.
Hai nhà báo Laura Ling và Euna Lee bị lực lượng tuần tra biên giới Bắc Triều Tiên bắt tại biên giới Trung Quốc vào tháng 3. Hai nhà báo này đang làm phóng sự về nạn buôn bán những người phụ nữ Bắc Triều Tiên đã rời bỏ quê hương nghèo khó của mình.
Các nhà tranh đấu cho nhân quyền hoạt động trong khu vực lo ngại rằng khi bị bắt, hai nhà báo người Mỹ đang mang theo danh sách những tên tuổi, địa chỉ liên lạc, phim video ghi hình những người đào tị và các nhân viên cứu trợ mà họ đã tiếp xúc trong lúc tác nghiệp trước đó.
Ông Tim Pieters, một nhà truyền giáo ở Hán Thành có nhiệm vụ trông coi công tác cứu trợ ở đông bắc Trung Quốc, cho biết nhiều nhà báo phỏng vấn người tị nạn Bắc Triều Tiên đã đẩy họ vào những tình huống nhiều rủi ro.
Ông Pieters nói: “Kể lại chuyện của mình có nghĩa là những người tị nạn đã ghi lại thành tài liệu rằng những người này rời Bắc Triều Tiên một cách cố ý và chấp nhận rủi ro lớn. Họ đã xác nhận có chứng cứ rằng họ chống lại chế độ Bắc Triều Tiên, và đừng quên rằng việc rời khỏi Bắc Triều Tiên không có phép, không có thị thực tương đương với một trọng tội.”
Hầu hết những người tị nạn đều thay đổi danh tánh sau khi trốn khỏi Bắc Triều Tiên, và nhiều người từ chối không chịu chụp hình. Đó là cách để bảo đảm an toàn cho gia đình của họ vốn có thể bị nhà cầm quyền Bình Nhưỡng trừng phạt nếu chuyện người thân của họ đào tị bị phát hiện.
Trung Quốc thường cưỡng chế hồi hương những người tị nạn Bắc Triều Tiên mà họ bắt được trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo lời khai của những người tị nạn, những người bị hồi hương sẽ bị đưa đến những trại lao động như là một hình thức trừng phạt.
Ông Pieters nói rằng cho tới bây giờ thì chưa rõ những thông tin nào mà hai nhà báo Lee và Ling đã mang theo hiện đang được nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên khai thác.
Ông nói tiếp rằng truớc đây cả nhà cầm quyền Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên đã truy tìm và bắt các nhân viên cứu trợ giúp những người đào tị trốn dọc theo con đường được gọi là đường tàu lửa ngầm đến Đông Nam Á.
Việc hai nhà báo Ling và Lee bị bắt giữ đã buộc các nhóm nhân quyền phải thay đổi cách thức hoạt động của họ.
Ông Pieters nói tiếp: “Sự việc này đã đánh động đến nhiều đối tượng có liên quan trong khu vực mà tôi không nêu tên cụ thể, đơn giản là các biện pháp an toàn phải được suy tính cẩn thận gấp đôi. Đây là một vấn đề nhậy cảm, và nó đã khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều trong việc bảo vệ an toàn cho những người tị nạn. Các biện pháp giữ cho mọi hoạt động kín đáo hơn và thận trọng hơn cần phải được áp dụng.
Hai nhà báo Lee và Ling, cùng hệ thống truyền hình mà hai nhà báo này đưa tin là Current TV không cho biết liệu chính phủ Bắc Triều Tiên có thu giữ những tài liệu ghi chú hoặc phim video nào của họ hay không.
Đọc nhiều nhất
1