Các chuyên viên kinh tế của Mỹ thừa nhận tình hình kinh tế yếu kém hiện nay là hậu quả của cuộc khủng hoảng nhà đất. Do đó muốn thấy kinh tế phục hồi thì đầu tiên phải có những dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất đã bình ổn. Thông tín viên VOA Mil Arcega trao đổi với một nhà kinh tế và ghi lại.
Trước một số dấu hiệu cho thấy số nhà đang mua bán trên thị trường có vẻ tăng lên, nhiều người tự hỏi phải chăng sự phục hồi sẽ sắp sửa đến? Một số kinh tế gia trả lời là “đúng vậy!” nhưng một số khác lại nói là “chưa”.
Trong tháng 6, số nhà cũ bán ra tăng 3,6%, cao hơn trông đợi, và đây là lần tăng thứ 5 trong 5 tháng liên tiếp. Ngoài ra còn vài dấu hiệu nữa cho thấy tình hình nhà đất có vẻ lạc quan.
Ông Mark Zandi, Trưởng ban Kinh tế của tổ chức đánh giá Moody's nói: “Thị trường nhà đất là một trong những chỉ dấu của sự phục hồi kinh tế. Tôi cho đó là điều kiện phải có. Chừng nào mà thị trường nhà đất vẫn còn yếu kém thì khó nói đến chuyện ổn định cơ chế tài chính hoặc chuyện tiến bộ kinh tế. Tôi nghĩ bây giờ thị trường nhà đất hết còn yếu kém”.
Nhưng số bán nhà đất tăng lên chỉ mới là một mặt của vấn đề. Mặc dù số nhà bán tăng lên nhờ lãi suất vay tiền mua nhà hấp dẫn và nhờ những ưu đãi về thuế dành cho người mua nhà lần đầu tiên, giá nhà bán ra vẫn tiếp tục đi xuống.
Điều đó có nghĩa là nhiều người chủ nhà bây giờ đang trả tiền nhà hàng tháng cho căn nhà có giá trị thấp hơn món tiền mà họ đã vay để mua nhà.
Chuyên viên Zandi của Moody's nói tiếp:“Giá nhà tiếp tục xuống là điều mà tôi cho là rất đáng lo ngại cho sự phục hồi kinh tế ở vào thời điểm này; và đó cũng là lý do giải thích tại sao vẫn còn nhiều nhà bị chủ nợ lấy lại”.
Chính phủ Mỹ đã tung ra nhiều chương trình để các chủ nhà có khó khăn tài chính có thể tiếp tục trả nợ hàng tháng với số tiền ít hơn, thay vì bỏ nhà. Thế nhưng số lượng người thất nghiệp làm cho việc phục hồi kinh tế phức tạp hơn.
Ông Zandi nói: “ Một trong những lý do chúng ta thấy mất đi nhiều công ăn việc làm là vì các doanh nghiệp phải lo thủ thân, phải tranh đấu để sống còn. Các nhà đầu tư cũng vậy. Họ cảm thấy bất an. Vấn đề ở đây là mất niềm tin vào tình hình kinh tế. Nhưng khi nói đến niềm tin thì tôi có nhận xét như thế này: niềm tin trong kinh tế là một điều rất dễ biến đổi. Người ta có thể đi từ chỗ bi quan đến chỗ tươi sáng hơn một cách nhanh chóng”.
Ngoài yếu tố nhà đất, sự chi tiêu của người dân cũng quan trọng không kém khi nói đến phục hồi kinh tế.
Mặc dù các báo cáo của chính phủ nói rằng trong tháng 7, mức mua sắm của người tiêu dùng tăng gần nửa phần trăm, các kinh tế gia cho rằng sự tăng trưởng này phần lớn là do giá dầu cao hơn.
Cuối cùng, theo lời các nhà kinh tế khác, mặc dù các dấu hiệu cần phải có để phục hồi kinh tế đã bắt đầu thấy xuất hiện, sự phục hồi sẽ không đến nhanh như mọi người mong muốn.
Đọc nhiều nhất
1