Theo định nghĩa chính thức trong các tài liệu và nghiên cứu lý luận ở Việt Nam, nền kinh tế mà Việt Nam đang muốn xây dựng được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Khái niệm “kinh tế thị trường” bắt đầu được công nhận từ năm 2001. Trước đó chỉ có khái niệm “kinh tế nhiều thành phần”.
Một trong những đặc điểm cốt lõi của khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là vai trò của khu vực kinh tế nhà nước. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc.”
Mặc dù không có định nghĩa cụ thể thế nào là “giữ vai trò chủ đạo” trong các văn kiện chính thức nhưng TS Đinh Sơn Hùng đã giải trong một bài báo đăng trên Tạp chí Kinh tế Phát triển như sau: “Vai trò chủ đạo không phải biểu hiện ở số lượng các cơ sở kinh tế của nhà nước nhiều hay ít và cũng không phải ở tỷ trọng giá trị sản lượng do kinh tế nhà nước tạo ra chiếm bao nhiêu trong GDP. Mà vai trò chủ đạo trước hết phải được thể hiện ở trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất, hiệu quả kinh tế – xã hội và năng lực cạnh tranh cao.”
Nội dung này có vẻ như mâu thuẫn với cách hiểu thông thường của khái niệm “vai trò chủ đạo” vì nó phủ nhận tầm quan trọng của yếu tố quy mô. Lấy thí dụ nếu khu vực kinh tế nhà nước chỉ còn chiếm dưới 5% GDP thì dù có ngộ nhận như thế nào đi chăng nữa cũng không thể coi kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, cứ tạm chấp nhận cách giải thích của ông Hùng.
Mặc dù bài viết này không phản ánh lập trường chính thức của VN, thế nhưng nếu quan điểm mà ông Hùng nêu ra là thống nhất với lập trường chính thức thì cũng có cơ sở để đánh giá xem kinh tế nhà nước (KTNN) ở VN có thực hiện được vai trò chủ đạo hay không.
Hồi tháng 5 vừa rồi, bộ kế hoạch đầu tư cho ra mắt “Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Giữa kỳ Dựa trên Kết quả Tình hình Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2006-2010.” Theo báo cáo này, có vẻ như khu vực kinh tế nhà nước yếu kém hơn về mọi mặt so với các khu vực kinh tế khác.
Xét về tốc độ tăng trưởng thì khu vực KTNN có mức tăng trưởng thấp nhất (xem hình) và có xu hướng tăng chậm dần. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước nhanh dần, trừ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước.
Nguồn: Số liệu từ TCTK.
Về tỉ trọng, khu vực KTNN giảm từ 38.4% năm 2005 xuống còn 35.9% năm 2007 và 34.4% năm 2008. Tốc độ thu hẹp của khu vực KTNN nhanh hơn khá nhiều so với mục tiêu mà nhà nước đặt ra. Theo mục tiêu ban đầu, đến năm 2010 KTNN vẫn chiếm 36%.
Về hiệu quả xã hội, giá trị tài sản cố định cần để tạo thêm một việc làm mới tại DNNN năm 2006 là 418 triệu VND, cao gấp 4.7 lần so với doanh nghiệp tư nhân và gấp 1.8 lần so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, theo báo cáo này, doanh nghiệp ngoài nhà nước với số tài sản chỉ bằng 40% của khu vực nhà nước tạo ra việc làm cho số người lao động nhiều gần gấp đôi.
Nói cách khác, KTNN sử dụng nhiều vốn, nhưng tạo ra ít việc làm.
Điều này cũng dễ hiểu nếu khu vực KTNN là khu vực thâm dụng vốn, có nghĩa là họ đầu tư vào các ngành kỹ nghệ cao và sử dụng ít lao động. Không có số liệu về mặt bằng công nghệ ở các doanh nghiệp nên không thể làm phép so sánh này. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh ở các DNNN của VN thì kém hơn hẳn khu vực ngoài nhà nước.
Báo cáo giữa kỳ của bộ KHĐT cho biết doanh thu thuần (net) tính trên 1 đồng vốn tại DNNN đang có xu hướng giảm và luôn thấp hơn khu vực ngoài nhà nước. Trong năm 2006, tỉ lệ doanh thu thuần (net revenue) trên tài sản cố định (fixed assets) ở DNNN là 1.2, trong khi ở DN ngoài nhà nước là 3.8. Báo cáo này kết luận kết quả kinh doanh của DNNN không hiệu quả bằng hai loại hình doanh nghiệp còn lại (tư nhân và nước ngoài).
TS. Nguyễn Quang A trong một nghiên cứu hồi 2008 còn chỉ ra thêm một số vấn đề khác của khu vực KTNN. So sánh số liệu về xuất nhập khẩu giữa DNNN và DN FDI, ông phát hiện ra khu vực KTNN liên tục nhập siêu với mức độ ngày càng tăng trong suốt 13 năm từ 1995 tới 2008 trong khi khu vực FDI liên tục xuất siêu với mức độ ngày càng tăng. Nguyễn Quang A kết luận khu vực nhà nước đi đầu trong việc làm mất thăng bằng cán cân thương mại vốn đang rất nghiêm trọng ở Việt Nam.
Tóm lại, báo cáo mới đây của Bộ KHĐT đã đưa ra một số số liệu cập nhật về thành tích của KTNN trong 3 năm vừa qua. Có thể nói không ngoa rằng khu vực này sử dụng nhiều nguồn lực kinh tế nhưng lại làm ăn không hiệu quả, không đáp ứng được các mục tiêu về xã hội như tạo công ăn việc làm, và gây mất ổn định vĩ mô.
Điều đáng mừng duy nhất là khu vực này đang ngày càng thui chột đi. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam ngày càng khó biện minh cho cái gọi là “vai trò chủ đạo” của KTNN.
Đọc nhiều nhất
1