Đường dẫn truy cập

Nguyễn Viện đâm sừng vào bóng tối


Trong giới viết văn xuôi tại Việt Nam hiện nay, không có người nào tàn phá thể truyện một cách mạnh mẽ và quyết liệt cho bằng Nguyễn Viện.

Tàn phá?

Đúng, tàn phá.

Nguyễn Viện có sức sáng tác khá dồi dào. Ông viết nhiều thể loại khác nhau, từ thơ đến kịch và truyện. Chỉ có một số ít được xuất bản chính thức tại Việt Nam, trong đó có cuốn vừa mới được phát hành đã bị tịch thu gần như ngay tức khắc. Còn lại, hoặc được in chui hoặc in ở hải ngoại hoặc chỉ được phổ biến trên internet, chủ yếu trên Tiền Vệ, Talawas và Da Màu. Có thể nói Nguyễn Viện là nhà văn lưu vong ngay trên đất nước của mình. Cũng dễ hiểu.

Ngay từ đề tài các tác phẩm của ông đã có nhiều gai góc. Ông đụng hết cấm kỵ này đến cấm kỵ khác. Ông viết về chuyện chuyển đổi giới tính, chuyện quan hệ giữa những người đồng tính. Ông viết về tình dục, lại là thứ tình dục nhầy nhụa mùi tinh khí, và không gắn liền với bất cứ một xao xuyến nào trong tâm hồn cả.

Ông viết về chính trị; trong chính trị, lại xoáy sâu vào các khía cạnh độc tài và độc ác của chế độ. Đã vậy, ông lại hay phát biểu quan điểm của mình một cách công khai và thẳng thắn dưới những bài bình luận ngăn ngắn về đủ chuyện thời sự, từ chuyện Trường Sa Hoàng Sa đến chuyện sùng bái Hồ Chí Minh. Rõ ràng Nguyễn Viện hoàn toàn nhập cuộc vào cuộc sống đương đại với tất cả sự lương thiện và trí thức. Ông, bằng ngòi bút, muốn tạo nên một thứ tự sự khác với thứ tự sự chính thống, một thứ lịch sử khác với thứ lịch sử của những người chiến thắng và hiện đang thống trị.

Trong cuộc đấu tranh ấy, ông thất thế thấy rõ: bị cấm xuất bản và không được ai nhắc nhở, ông là nhà văn ngoài lề và ngoài luồng. Sự chiến thắng của ông, nếu có, chỉ có thể được đánh cuộc ở một nơi khác, không dính dáng gì đến chính trị: nghệ thuật. Nói cách khác, nếu tác phẩm của ông hay, cái tự sự mà ông nuôi tham vọng tạo dựng sẽ còn lại và dần dần sẽ thay thế những thứ tự sự giả dối và giả tạo khác.

Nhưng về phương diện nghệ thuật, Nguyễn Viện lại thường bị hoài nghi nhất.

Trong các thể loại Nguyễn Viện từng thử bút, theo tôi, ông thành công nhất ở các truyện vừa, tức những truyện dài khoảng năm ba chục ngàn chữ, nếu in thành sách thì khoảng dưới 100 trang.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ truyền thống, chắc chắn tất cả những truyện này đều bị xem là dở. Thậm chí, không phải truyện.

Ừ, truyện gì mà chả có chuyện gì cả. Chẳng hạn, cái truyện Em có gì bí mật, hãy mail cho anh, thoạt đầu xuất hiện trên Tiền Vệ dưới cái tên “Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai” chỉ gồm có một câu ngắn ngủn: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh. nguyenvien49@yahoo.com”. Hết. Ngắn đến độ bí ẩn. Bởi vậy mới có thêm lời “Ghi chú của toà soạn” kèm ngay phía dưới: “Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là ‘truyện mở’. Tác phẩm trên đây là một thí nghiệm đầu tiên của ‘truyện mở’. Tác giả chỉ viết một câu: ‘Em có gì bí mật, hãy mail cho anh’. Bên dưới đính kèm địa chỉ email. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các ‘em’. Qua từng email tác giả nhận được từ các ‘em’, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.” Sau này, khi câu chuyện đã khởi sự được ít lâu, Nguyễn Viện lại nhắc nhở người đọc: “Một lần nữa xin thưa cùng toàn thể yêu nữ (nghĩa là các cô gái đáng yêu ấy mà), truyện ‘Em có gì bí mật, hãy mail cho anh’ là một nỗ lực (nghiêm túc) về một kiểu văn chương (tầm phào) được xây dựng bởi các đối tác (bạn đọc) và tôi trong một ý hướng về cái sẽ là, kể cả bút pháp, cấu trúc và bản thân câu chuyện.”

Cứ thế, câu chuyện được hình thành chung quanh các email mà tác giả nhận được. Mà thật ra thì cũng chẳng có chuyện gì cả. Email thì rời rạc. Lại được gửi từ nhiều người khác nhau. Chuyện kể trong các email ấy khá linh tinh và lung tung. Quan hệ giữa tác giả và những người gửi các email ấy thì cũng cứ đong đưa giữa hai bờ thực và mộng, cuối cùng, cũng chẳng đi tới đâu cả. Giữa các nhân vật được đề cập, không có nhân vật nào được mô tả kỹ lưỡng và sắc nét để thành một tính cách. Tất cả cứ thoáng hiện, chập chùng và chập chờn.

Các truyện khác cũng đều như thế. Phần lớn đều không có chuyện; nếu có chuyện thì cũng là những chuyện tào lao; hết sự kiện này đến sự kiện khác; giữa các sự kiện ấy không hề có quan hệ nhân quả như yêu cầu thường thấy trong thể loại tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết theo xu hướng hiện thực chủ nghĩa. Ngay cái yêu cầu tối thiểu về trật tự thời gian cũng không được tác giả tôn trọng. Trong nhiều truyện, tình tiết được đi kèm với năm tháng nhưng trật tự của các năm tháng ấy thì cũng tùm lum: năm 2055 xuất hiện bên cạnh năm 2027, 2016, 2010, 2006, 2005, v.v… (Đi.Com và Trước ngày Chúa lại đến).

Có thể nói, trong truyện của Nguyễn Viện, thời gian, vốn là yếu tố thiết yếu của các loại hình tự sự, trở thành vô nghĩa. Chuyện xảy ra sau, nếu cần, và nếu thích, cứ hoán chuyển ra phía trước cũng được; chả sao. Mất chuyện, chỉ còn nhân vật, nhưng trong truyện Nguyễn Viện, vật nhiều hơn nhân. Đó là những nhân vật hoàn toàn không có cá tính, thậm chí, không có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật, phần lớn như sấm truyền, thường khá thông minh, nhưng lại là thứ ngôn ngữ nhạt nhẽo, không có chút màu sắc cá nhân hay cảm xúc gì cả.

A! cảm xúc, hình như đó chính là điều hoàn toàn vắng mặt trong các tác phẩm tự sự của Nguyễn Viện. Các nhân vật ấy có hành động, có suy nghĩ, nhưng lại không có cảm xúc. Họ tán tỉnh nhau, hôn hít nhau, ăn nằm với nhau; suy nghĩ lúc tán tỉnh, lúc hôn hít và lúc ăn nằm, nhưng lại không có cảm xúc. Tuyệt không một chút cảm xúc, nhất là những thứ cảm xúc chúng ta thường gắn liền với tình yêu.

Có thể thấy rõ điều đó ngay trong đoạn mở đầu truyện ngắn “Ăn ngủ và các thứ còn lại”:

“Valentine’s day 14 tháng 2. Hắn bước vào cơ quan, nói to: Hôm nay em nào có nhu cầu, giơ tay. Năm phụ nữ gồm ba cô gái chưa chồng và hai bà nạ dòng đồng loạt quay nhìn hắn. Mọi người xì. Trên tay hắn không có hoa hồng và chocolate. Hắn bảo hoa hồng và chocolate chỉ là hình thức. Tình yêu là phạm trù thuộc về nội dung. Hắn gồng tay biểu diễn cơ bắp. Hàng Việt Nam chất lượng cao. Em nào e thẹn thì nhắn tin vào điện thoại di động. Em nào có nhu cầu khẩn cấp thì ra quán café. Nói xong hắn quay ra.”

Có thể nói quan hệ nam nữ trong truyện Nguyễn Viện phần lớn chỉ là quan hệ đực cái. Rất đơn giản, gọn gàng và sòng phẳng. Bởi vậy, mặc dù Nguyễn Viện viết khá nhiều về quan hệ nam nữ nhưng truyện của ông khó có thể được gọi là truyện tình. Lý do đơn giản: không có tình. Và cũng không có dâm: Tuy đề cập nhiều đến tình dục với thứ ngôn ngữ trần trụi, có khi bỗ bã, nhưng cách miêu tả của Nguyễn Viện thì lúc nào cũng hờ hững, không đi vào chi tiết, không nhằm, và trên thực tế, không có khả năng kích thích ai cả.

Không có chuyện: Truyện của Nguyễn Viện hoàn toàn thoát ra khỏi quỹ đạo hiện thực chủ nghĩa. Không có tình: Truyện Nguyễn Viện cũng thoát ra ngoài quỹ đạo lãng mạn chủ nghĩa. Không có yếu tố dâm: Truyện Nguyễn Viện quay lại với các thị hiếu thông thường.

Truyện của Nguyễn Viện còn không có cả lý nữa kia. Không có lý giữa tình tiết này với tình tiết khác: Tất cả dường như ngẫu nhiên. Không có lý trong tính cách nhân vật: Hầu hết các nhân vật phản ứng hoặc theo bản năng hoặc theo một lực mù quáng nào đó, không thể giải thích bằng những các quan niệm cũ về cái gọi là diễn biến tâm lý của nhân vật. Thậm chí không có cả lý trong mạch văn.

Thử lấy đoạn này làm ví dụ:

“Mồm là một cái lỗ thủng. Đít cũng là một cái lỗ thủng. Nhìn từ dưới là đít. Nhìn từ trên là mồm. Đấy là nói về cái lỗ thủng của đàn ông. Đàn bà có hơn đàn ông một cái lỗ, tôi thích gọi là lỗ huyệt. Và lỗ huyệt ấy trở thành kỳ quan không bởi nó chôn vùi mà làm tái sinh đàn ông khi họ chui vào trong nó. Lỗ huyệt không phải là lỗ thủng, cho nên nó vĩnh viễn trinh bạch. Nó được yêu và bị khinh miệt. Bởi thế, nó là một bí mật mâu thuẫn nhất trong số những bí mật. Không chỉ riêng bản thân nó bí mật, mà những điều nó chứa đựng còn bí mật hơn. Nhất là khi cái lỗ ấy làm đĩ. Nó trở thành người chứng của chân lý. N bảo anh lại tán nhảm nữa rồi."

Nhân vật mang tên N nói có lý: Đúng là tán nhảm.

Phần lớn các truyện của Nguyễn Viện đều viết như thế. Trong rất nhiều đoạn, các câu văn xuất hiện không theo một logic nào mà chỉ do sự liên tưởng phóng túng của nhà văn. Ý này dẫn đến ý kia. Mà nhiều khi không phải là ý; chỉ là hình tượng dẫn dắt hình tượng. Nhật ký của Nguyễn Du nằm cạnh email của các cô gái thời nay. Lý Công Uẩn gặp Phan Châu Trinh gặp ở Paris rồi về Sài Gòn ngồi xem bóng đá. Hình ảnh Caesar, Antoine và Cléopâtre xuất hiện bên cạnh hình ảnh người thanh niên rờ vú cô bạn gái trong một quán karaoke. Các câu văn đứng bên cạnh nhau một cách tình cờ. Không nằm trong một cấu trúc chung nào có thể định trước. Chúng như hiện hình từ một lối viết tự động. Một thứ lộng ngôn, ngoa ngôn.

Gọi là tán nhảm cũng không có gì quá đáng.

Chỉ xin lưu ý hai điều:

Một, Nguyễn Viện có cách tán nhảm nghịch ngợm, thông minh, tài tình và rất mực duyên dáng, chứng tỏ ông có kiến văn rộng, óc liên tưởng nhạy bén và khả năng sử dụng ngôn ngữ giỏi. Cái gọi là tán nhảm ấy trở thành một nghệ thuật, hơn nữa, một đặc trưng trong phong cách tự sự của Nguyễn Viện, làm cho ông trở thành nhà văn tiếu lộng nổi bật nhất - nếu không muốn nói là duy nhất - tại Việt Nam hiện nay.

Hai, hầu như lúc nào Nguyễn Viện cũng tự giác.

Ông tự giác khi tán nhảm. Ông tự giác khi từ chối cách kể chuyện theo tuyến tính quen thuộc từ cả mấy ngàn năm nay. Ông tự giác khi từ chối phản ánh hiện thực theo lối cổ điển dựa trên những quan hệ nhân quả thông thường. Ông tự giác khi đào thải khỏi các tác phẩm của ông những nhân vật si tình dầm dề sướt mướt, và chỉ giữ lại ở họ, một yếu tố căn bản nhất: bộ phận sinh dục. Ông cũng tự giác khi, bằng cách dựa vào email của người khác, viết cuốn Em có gì bí mật, hãy email cho anh, “một tiểu thuyết mở, một tiểu thuyết trực tuyến, một tiểu thuyết online đầu tiên (ít ra là trong văn chương Việt Nam)” như ông tự nhìn nhận. Nguyễn Viện tàn phá truyền thống viết truyện một cách trào tiếu và đầy tự giác.

Nghĩ về ông, tôi hay mường tượng hình ảnh một con tê giác “đâm sừng vào bóng tối”, nhan đề một thiên truyện vừa của ông, thoạt đầu được đăng trên tạp chí Hợp Lưu tại Mỹ (tháng 11 & 11.2001). Một hình ảnh hùng tráng. Và đẹp.

Tiếc, nó chỉ thiếu một đặc điểm: tiếng cười.

Bởi vậy, tôi muốn sửa nhan đề bài viết này thành: Nguyễn Viện đâm sừng vào bóng tối. Và cười hehe.

Ghi chú thêm: Tiếng cười thì thời nào cũng có; ở đâu cũng có. Nhưng tiếng cười hehe thì dường như là đặc sản riêng của thời đại thông tin trên mạng, phải không?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG