Từ khi bắt đầu hồi năm 1985, Đại hội Điện ảnh Sundance đã trở thành lễ hội điện ảnh lớn nhất tại Hoa Kỳ, dành cho các nhà sản xuất phim điện ảnh độc lập, tức là những người không thuộc một đại công ty điện ảnh nào.Giờ đây ban tổ chức Đại hội Điện ảnh Sundance muốn phát triển hơn nữa thành tích này. Như lời tường thuật của thông tín viên Sheri Quinn, thì họ đã hợp tác với một tổ chức nhân đạo để hậu thuẫn các nhà làm phim nào muốn quay những bộ phim nói về những người có sáng kiến cải thiện xã hội.
Khi nói đến những người có sáng kiến cải tạo xã hội, người ta muốn nói đến những người có thể giải quyết một vấn đề xã hội nào đó bằng một giải pháp sáng tạo để phục vụ nhân loại, đặc biệt là thành phần nghèo khổ nhất.
Tiêu biểu trong giới này là bà Ann Cotton, một người Anh chuyên cổ vũ cho giáo dục. Bà Cotton khởi sự một chương trình để hỗ trợ các bé gái người Châu Phi thuộc những gia đình nghèo, không có khả năng đóng tiền học.
Những đứa trẻ nhận hỗ trợ sau khi thành tài sẽ trở về chốn cũ để lãnh đạo hay chỉ đơn giản trở thành những nhà giáo.
10 năm về trước, Giám đốc của một công ty Internet, là ông Jeff Skoll, đã thành lập một tổ chức để đầu tư vào những người có óc sáng tạo như bà Cotton.
Đài VOA có dịp tiếp xúc với bà Sandy Herz, Giám đốc điều hành tổ chức của ông Skoll và được bà này cho biết:
Bà Herz nói: “Từ lâu, ông Skoll đã tin rằng khoảng cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn rộng, là yếu tố chủ yếu dẫn đến các vấn đề lớn nhất mà tương lai của hành tinh chúng ta phải đối mặt, từ hiện tượng khí hậu thay đổi, các cơn đại dịch, cho đến hòa bình và an ninh. Để giải quyết những thách thức ấy, cơ hội lớn nhất đối với chúng ta là đầu tư vào những người có sáng kiến cải thiện xã hội, là những người đã đề ra những giải pháp quy mô có tính cách hệ thống để đương đầu với những thách thức lớn mà chúng ta phải đối phó trong tương lai.”
Tổ chức của ông Skoll hiện đang hỗ trợ khoảng 60 nhà cải thiện xã hội. Ông Skoll và bạn ông, là diễn viên điện ảnh Robert Redford, tin rằng điện ảnh là phương tiện tốt nhất để quảng cáo các nỗ lực mà họ đang xúc tiến.
Tổ chức của ông Skoll và Viện Điện Ảnh Sundance của diễn viên Robert Redford đã hợp tác thành lập một dự án điện ảnh có kinh phí 3 triệu đôla mang tên là 'Stories of Change', xin tạm dịch là Những Câu Chuyện Mang Lại Thay Đổi.
Họ đã chọn 10 trong số hơn 300 dự án làm phim, trao cho mỗi dự án tới 150 ngàn đôla để sản xuất các bộ phim tài liệu.
Một trong những bộ phim được tài trợ tập trung vào đề tài nói về ông Muhammed Yunnus, một người Bangladesh nổi tiếng với khái niệm về một loại ngân hàng mới, chuyên cho vay những món tiền nhỏ, và người đi vay là những người có óc kinh doanh nhưng vì quá nghèo nên không hội đủ các điều kiện để đi vay tại các chỗ cho vay bình thường.
Nhờ khái niệm này mà ông Yunnus đã nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2006.
Ông Yunnus cho biết: “Chúng tôi bắt đầu bằng cách cho 42 người vay tiền, tổng cộng có 27 đôla Mỹ. Ngày nay, chúng tôi đã phát triển thành một ngân hàng lớn, có tầm hoạt động khắp thế giới.”
Nhà làm phim người Mỹ Gayle Ferraro đã theo chân ông Yunnus đi khắp thế giới trong suốt 1 năm để thực hiện bộ phim tài liệu nói về ông Yunnus.
Trong bộ phim có đoạn quay lễ khai trương một ngân hàng của ông Yunnus ở quận Queens thuộc thành phố New York. Nhà làm phim này cho biết:
Bà Ferraro nói: “Ông Yunnus luôn luôn tin rằng ngân hàng cần phải chứng minh rằng họ là nơi để phục vụ công chúng, và bất kể điều gì xảy ra, khoản tiền cho vay phải được dựa trên nhu cầu cần thay đổi. Ông là một người khiêm tốn và rất dễ mến. Ai ông cũng ôm chầm lấy một cách thân tình. Tôi tin rằng vì thế mà ông ấy thành công đến mức đó. Mỗi ngày có ít nhất 700 người ôm hôn ông! Thật đấy, tôi không phóng đại đâu!”
Trong số các bộ phim tài liệu được tài trợ có một phim cổ vũ cho việc thu hẹp khoảng cách biệt về kỹ thuật số tại Châu Phi.
Một phim khác nói về một tổ chức chuyên thành lập những nhà trường chuyên dạy chui cho các phụ nữ và trẻ gái Afghanistan, vì thành phần này bị cấm không được đi học khi chế độ Taliban cai trị nước này.
Bà Cara Mertes, người phụ trách các bộ phim tài liệu của Viện Điện Ảnh Sundance nói rằng các nhà làm phim đã thu thập tài liệu về nguy cơ mà một số những người có sáng kiến cải thiện xã hội phải đối phó trong khi tìm cách thay đổi thế giới quanh họ.
Bà Mertes nói: “Rõ rệt là một số nhà cải cách xã hội làm việc tại những khu vực có tranh chấp. Họ làm việc chống lại các giá trị truyền thống, họ tìm cách thực hiện những điều mà theo nhiều khía cạnh có tính chất cách mạng, họ thay đổi hiện trạng, và quả thật mạng sống của một số người này bị trực tiếp đe dọa.”
Các nhà làm phim và các nhà cải cách xã hội có chung nguyện vọng muốn tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội, và họ thấy sự hợp tác giữa họ có những giá trị đặc biệt.
Bà Sandy Herz của Tổ Chức Skoll nhận định: cuối cùng cả hai nhóm này đều đạt được mục tiêu:
Bà Herz nói: “Phía những người cải cách xã hội thấy được tiềm năng của các nhà làm phim khi thuật lại một câu chuyện có sức thuyết phục mạnh mẽ, có khả năng động viên người xem đi đến hành động. Phía các nhà làm phim lại thấy nơi các nhà cải cách xã hội là những người thực sự mang lại thay đổi cho thế giới. Khi kết hợp hai nhóm này lại với nhau, chúng tôi tin rằng các vấn đề có thể được giải quyết nhanh hơn, hoặc những giải pháp sẽ mang lại kết quả nhanh hơn.”
Bà Cara Mertes, người phụ trách các bộ phim tài liệu của Viện Điện Ảnh Sundance nói phim ảnh đang đi đầu trong nỗ lực dẫn tới một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Bà Mertes nói: “Trên khắp thế giới có nhiều trao đổi và tò mò, cũng như có nhiều sự ủng hộ rộng rãi dành cho hình thức truyền thông này, theo cách mà tôi chưa từng thấy trước đây. Bất cứ đi đến đâu, người ta cũng mê xem phim, và muốn nghe nói đến những câu chuyện trong các bộ phim. Đây hầu như là một loại keo kết nối tất cả chúng ta lại với nhau, và vì thế, phim ảnh có sức thuyết phục rất mạnh.”
Theo dự kiến, thì vào đầu năm tới, các bộ phim tài liệu trong loạt phim của dự án Những Câu Chuyện Mang Lại Thay Đổi, sẽ khởi sự được trình chiếu trên khắp thế giới, trên các màn ảnh lớn và các đài truyền hình.