Đường dẫn truy cập

Quĩ Acumen đầu tư vào sáng kiến ở nơi nghèo nhất thế giới


Bà Jacqueline Novogratz, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc Quĩ Acumen, một quĩ có mục đích làm giảm tình trạng nghèo khó qua việc đầu tư vào những sáng kiến ở những nơi có thu nhập thấp nhất thế giới. Theo tường trình của Thông tín viên đài VOA Anne Malinee thì chủ trương của bà nảy sinh từ những hoạt động ở Rwanda, và một chiếc áo len đơn giản…những điều đã tăng thêm niềm tin của bà rằng mọi người trên thế giới đều có liên hệ với nhau. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong Câu chuyện Phụ nữ kỳ này do Minh Anh phụ trách.

Khi còn là một nhân viên cứu trợ tại Kigali, Rwanda, bà Jacqueline Novogratz, lúc đó 25 tuổi, đã vô tình nhìn thấy một cảnh đã khiến bà phải dừng lại, đó là một cậu bé mặc một chiếc áo len màu xanh, trước ngực áo có thêu hình những chú ngựa vằn và một ngọn núi.

Đó không phải là một chiếc áo len vớ vẩn nào. Đó chính là chiếc áo len của bà, chiếc áo len bà yêu thích nhất khi còn nhỏ mà bà đã đem đóng góp cho một tổ chức từ thiện của Mỹ 10 năm trước đây. Khi bà dừng lại hỏi cậu bé, bà đã nhìn thấy tên mình in trên mác của chiếc áo len đó.

Bà Novogratz nói: “Tôi đã coi chiếc áo len đó như một biểu hiệu chứng tỏ rằng chúng ta liên hệ với nhau như thế nào trên thế giới và hành động hay sự bất động của chúng ta có thể tác động như thế nào đối với những người mà chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ gặp mặt, chẳng bao giờ hay biết ở trên khắp thế giới này.”

Bà Novogratz là con cả trong một gia đình quân nhân có 7 người con, bà lớn lên với mong ước là được giúp đỡ người khác.

Bà Novogratz cho biết: “Có cha đã từng tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam, là thành viên một gia đình thường nói về sự công bằng trong xã hội, tôi đã quan tâm đến thế giới này và muốn bằng cách nào đó mình sẽ làm một nhịp cầu nối.”

Với bằng kinh tế và quan hệ quốc tế, bà Novogratz đã duyệt xét chương trình tài chính doanh nghiệp ở Châu Mỹ Latinh và sau đó ở Tây Phi bà đã tìm cách áp dụng hình thức tài trợ vi mô để khởi sự các doanh nghiệp ở những nơi có thu nhập thấp. Tuy nhiên như bà đã kể lại trong cuốn hồi ký mang tên Chiếc áo Len Xanh (The Blue Sweater), thì bà nhận ra rằng những người mà bà muốn giúp đỡ muốn tự mình giải quyết những khó khăn của riêng họ.

Bà Novogratz nói: “Tôi học được một điều là nếu chúng ta muốn tạo ra bất cứ sự thay đổi nào thì chúng ta phải bắt đầu bằng việc lắng nghe và không cần thiết phải là người lãnh đạo mà chúng ta phải là người học cách hỗ trợ những nhà lãnh đạo xuất sắc hiện có.”

Bà Novogratz đã tìm ra cách để thực hiện điều này ở Rwanda, nơi bà đã cùng 6 phụ nữ khác thành lập ngân hàng tài trợ vi mô đầu tiên ở nước này vào năm 1987. Bà cũng làm việc với 20 bà mẹ độc thân để gây dựng nên một cơ sở làm bánh rất phát đạt.

Bà Novogratz nói tiếp: “Tôi nghĩ là tôi chưa từng bao giờ cảm thấy mình sống có ích hơn lúc đó.”

7 năm sau, khi trở lại Hoa Kỳ, bà Novogratz đã ghê sợ khi đọc nhữngtin tức về vụ diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, trong đó 800,000 người Tutsi và người Hutu ôn hoà bị giết hại. Bà nhận ra rằng những phụ nữ mà bà đã từng làm việc cùng đã đóng mọi vai trò trong vụ tàn sát này – từ nạn nhân hay người đứng ngoài cuộc cho tới thủ phạm.

Bà Novogratz nói: “Đó là lúc phải đối diện với sự thật là thiên thần và ác quỉ cùng tồn tại trong mỗi cá nhân chúng ta. Và điều mà chúng ta cần trên thế giới này là những hệ thống có thể thực sự làm cho những thiên thần trong chúng ta trỗi dậy và dập tắt những ác quỉ kia.”

Bà Novogratz đã nghĩ ra một hệ thống mà bà cảm thấy có thể thực hiện được điều này.

Bà Novogratz nói: "Tôi đã thấy những phương pháp truyền thống với các hoạt động từ thiện và cứu trợ không giải quyết được vấn nạn nghèo khó. Trên thực tế, những hoạt động đó thường tạo nên sự lệ thuộc. Và mặt khác bản thân các thị trường không thôi cũng không giải quyết được tình trạng nghèo đói. Thường thì người ta phớt lờ người nghèo và không hề để ý tới họ chút nào.”

Vào năm 2001, bà Novogratz đã sáng lập quĩ Acumen, một quĩ phi lợi nhuận có hoạt động trên toàn cầu, quĩ này có phương pháp tiếp cận mang tính dài hạn mà bà gọi là “chủ nghĩa tư bản kiên nhẫn”.

Bà Novogratz nói thêm: “Ý tưởng này là quí vị có thể đầu tư vào những doanh nhân giỏi, những người đang tìm cách mang lại nước uống, dịch vụ y tế, và nguồn năng lượng thay thế cho những người có thu nhập thấp, và không coi họ là những người nhận các khoản từ thiện một cách thụ động, mà là những người tiêu dùng tích cực, những người muốn tạo nên những thay đổi trong cuộc đời họ.”

Quĩ Acumen đã đầu tư khoảng 40 triệu đô la vào 40 doanh nghiệp khác nhau ở Pakistan, Ấn Độ, Đông và Tây Phi.

Trong số những dự án đầu tư này có một nhà máy sản xuất mùng màn ở Tanzania với số lao động nữ là 7.000 người, nhà máy sản xuất 20 triệu chiếc màn mỗi năm, và một doanh nghiệp bán hệ thống tưới tiêu cho các nông dân có diện tích canh tác nhỏ ở Ấn Độ, giúp cho những người nông dân này tăng thu nhập lên gấp hai hay ba lần.

Bà Novogratz nói rằng bà muốn thấy có sự tập trung nhiều hơn vào hoạt động cung cấp nguồn năng lượng thay thế cho những người có thu nhập thấp.

Bà Novogratz nói: “Tìm ra những giải pháp để đem lại nguồn năng lượng mặt trời với giá rẻ, cũng như đèn huỳnh quang cho các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể giúp họ nâng cao năng suất, tăng thu nhập và cải thiện sức khoẻ.”

Bà Jacqueline Novogratz nói rằng tình trạng nghèo khó có thể giảm thiểu được qua việc hợp tác với những người có sáng kiến trên toàn thế giới và trao nhiều quyền hơn cho người nghèo để họ có thể tự đưa ra quyết định của chính họ, và phải đối xử với họ với sự tôn trọng và thái độ đàng hoàng. Bất chấp những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bà Novogratz tin rằng chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng nhau đối phó với những thách thức ấy.

Bà Novogratz nói: “Tôi không thể không cảm thấy lạc quan về con đường mà thế giới đang có trước mặt nếu như chúng ta lựa chọn con đường đó.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG