Trong số những độc giả không đọc được những gì đăng tải trên internet rõ ràng là có nhiều người rất uyên bác và đầy nhiệt tâm đối với văn học. Họ là những độc giả mà bất cứ người viết nào cũng muốn có: Họ biết rộng và nhạy cảm. Họ biết phân biệt cái hay và cái dở. Họ có thể nắm bắt được ý tứ của người viết ngay ở những chi tiết nhỏ nhất: một dấu chấm, một dấu phảy hay một câu văn dừng lại đột ngột và lửng lơ.
Thế nhưng, tội, họ không thể tiếp cận được với internet. Với họ, cái sinh hoạt trên một blog như thế này hoàn toàn không hiện hữu.
Nghĩ đến họ, tự dưng tôi liên tưởng đến sinh hoạt văn học Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Hình ảnh tiêu biểu nhất của các trí thức nho học vào đầu thế kỷ 20 có lẽ là hình ảnh ông đồ qua thơ của Vũ Đình Liên:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
Bài thơ nhấn mạnh vào một khía cạnh: Ông đồ không còn được hiểu và được thích nữa. Xưa, chung quanh ông đầy những người ái mộ. Nay, vắng ngắt. Chỉ có lá vàng và mưa bụi. Thảm.
Thật ra, có một khía cạnh khác, Vũ Đình Liên không đề cập. Trước khi những người đi trên phố không đọc, không hiểu và không thích những chữ như phượng múa rồng bay trên các câu đối do ông đồ phóng bút viết ra, bản thân ông đồ ấy cũng như rất nhiều, nếu không muốn nói, hầu hết bạn bè của ông, đều không đọc được và không hiểu được thứ chữ mới của các thế hệ trẻ hơn: Chữ quốc ngữ.
Có thể nói, việc chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán và chữ Nôm trong học đường cũng như trên sách báo ở đầu thế kỷ 20 là một đột biến dữ dội.
Tôi hay tưởng tượng bâng quơ: Thời ấy các trí thức cựu học, như ông đồ của Vũ Đình Liên, hẳn sẽ lạc lõng ghê lắm. Thế giới trí thức và văn học không còn thuộc về của họ nữa. Họ trở thành những người ngoại cuộc. Một số bị đẩy ra ngoài đường, ngồi viết thuê câu đối để sống qua ngày. Số còn lại, đông hơn, tiếp tục sống một cách lặng lẽ, kiểu “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời” như người phụ nữ bất hạnh trong thơ T.T.Kh. Thơ văn họ viết ra, không mấy người hiểu, đã đành. Thơ văn của những người khác viết và in ra, được bày bán khắp nơi, có khi gây dư luận rất ồn ào, họ cũng không biết.
Cứ tưởng tượng cảnh họ, trong đó, có cả những cây bút cựu học xuất chúng, như Nguyễn Khuyến (1835-1909) và Tú Xương (1870-1907), chẳng hạn, ghé vào một tiệm sách hay một sạp báo nào đó, nhìn các cuốn sách bằng chữ quốc ngữ mới được xuất bản, còn thơm phức mùi giấy, có khi trong đó có in cả thơ của họ. Chắc chắn họ chẳng hiểu gì cả. Nói chuyện với họ về các tác phẩm mới của Trương Vĩnh Ký (1837-898) hoặc Huỳnh Tịnh Của (1830-1908), hoặc Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), những người cùng thế hệ với họ, họ không biết gì cả. Tặng sách cho họ, họ cũng không đọc được.
Ở trên, tôi có viết: Họ trở thành những người ngoại cuộc.
Viết thế, còn nhẹ.
Đúng hơn: Họ trở thành những kẻ mù chữ.
Phải, những trí thức, có khi là đại trí thức, có khi không những là đại trí thức mà còn là đại văn hào và đại thi hào, bỗng trở thành những kẻ mù chữ. Nhìn vào sách báo – sách báo được xuất bản ngay trong nước mình - không hiểu gì cả. Không phải không hiểu ý. Mà là không hiểu chữ.
Thảm.
Dù sao, so với các trí thức cựu học hồi cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, tôi nghĩ, các trí thức tiền-internet hiện nay, ở một khía cạnh nào đó, có khi còn thảm hơn.
Các trí thức nho học ngày xưa, tuy không đọc được chữ, nhưng vẫn có thể thấy được các cuốn sách hay các tờ báo bằng chữ quốc ngữ. Có thể cầm trên tay. Có thể ngửi được mùi mực. Có thể săm soi trang giấy. Và biết đó là sách, là báo. Biết nữa, đó là các tác phẩm văn học. Có khi là những tác phẩm văn học quý: Chúng được in rất đẹp và sang trọng. Còn các trí thức không sử dụng computer và internet bây giờ? Họ không thấy gì cả. Không phải không đọc hay không hiểu được. Mà là không thấy được. Nghĩa là họ không có cả ý thức về sự hiện hữu của nó.
Trong nền văn hoá in ấn, ít ra sách báo cũng là một vật thể. Có thể chúng ta không biết tiếng Ả Rập, nhưng cầm cuốn sách Ả Rập, chúng ta cũng biết, đó là sách; hơn nữa, có khi biết được, đó là một cuốn truyện hay một tập thơ; nếu là thơ, có khi biết được là tập thơ cổ điển (hoặc theo lối cổ điển) hay tập thơ hiện đại. Văn hoá blog hay văn hoá mạng thì khác. Ở đó, các sản phẩm đều có tính phi vật thể (immateriality): chúng không có hình dạng, không chiếm một không gian nào cả. Mở computer lên và nối vào mạng: Chúng xuất hiện. Tắt máy: Chúng biến mất.
Kể với một người không biết gì về internet, một trang web hay một blog nào đó, bạn để ý mà xem: Giống như bạn kể một chuyện thần thoại. Chuyện ông Bụt hay bà tiên vụt hiện rồi vụt biến. Họ không thể tưởng tượng được.
Trong họ, cũng giống như trong các trí thức cựu học vào đầu thế kỷ 20, có những người vô cùng xuất sắc.
Xuất sắc cả về trí tuệ lẫn về tài hoa.
Không có họ làm độc giả của mình, chúng ta không thể không tiếc.
Tiếc, nhưng biết làm gì bây giờ?
Đọc nhiều nhất
1