Đường dẫn truy cập

Thượng viện Hoa Kỳ (2)


Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi bước vào Russell Building là một trong 3 buildings của Thượng Viện Hoa Kỳ nằm trên ngọn đồi được gọi là Capitol Hill ngay sau lưng tòa nhà Quốc Hội. Lúc ấy là vào khoảng năm 2000.

Cảm giác đầu tiên của tôi là thích thú và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ là nó… open đến thế. Ai muốn vào cứ vào. Ai muốn ra cứ việc ra. Thoải mái. Chằng ai ngó ngàng đến mình. Cũng không một người hỏi xem là mình vào đấy để làm gì hay để gặp ai. Tôi đã từng ra vào không biết bao nhiêu là quốc hội của các nước trên thế giới. Từ Úc sang Canada và qua đến tận Na Uy. Nhưng chưa có nơi nào tôi thấy tự do và thoải mái như ở Mỹ.

Không như Quốc Hội Liên Bang ở Úc. Ở đây, bạn không cần trình ra bất kỳ tờ giấy chứng minh ID nào trước khi được cho vào. Và bạn cũng chẳng cần phải ngồi chờ đợi ngắn dài cho đến khi có người ở bên trong đến rước bạn đi. Bạn đã có hẹn với ai thì xin cứ tự động đến đó liên lạc. Thượng nghị sĩ John McCain hay Ted Kennedy. Có thể họ quan trọng lắm lắm. Và nắm đầy quyền lực trong tay. Nhưng nếu như bạn không biết văn phòng họ nằm ở đâu thì chúng tôi sẽ chỉ cho bạn đến. Còn nếu bạn đã biết rồi thì xin cứ tự nhiên.

Nếu ai đó biết được quốc hội nào trên thế giới mà cởi mở, open hơn Quốc Hội của Mỹ thì xin cho tôi biết. Riêng đối với tôi thì tôi thấy Quốc Hội Mỹ mới là nơi thật sự xứng đáng được gọi là: For The People and By The People.

Kể cả những người không phải là công dân của họ. Như tôi chẳng hạn.

Đã có rất nhiều người hỏi tôi là bằng cách nào mà tôi, một anh Úc con không tiền, không tài, nhà cửa cũng không lại làm quen và nhận được ủng hộ của nhiều tai to mặt lớn ở Quốc Hội Mỹ cho công việc mà tôi đã làm. Ai là người giới thiệu tôi, đỡ đầu tôi, trả tiền cho tôi để tôi đem chuông đi đánh xứ Mỹ vào thời điểm đó. Chắc phải có một tổ chức nào lớn lắm đứng sau tôi. Hoặc một nhân vật nào tầm cỡ lắm.

Nhưng rất tiếc câu trả lời là… chẳng có tổ chức, nhân vật ghê gớm nào cả. Tự tôi gọi điện thoại liên lạc trực tiếp với họ và vào thẳng văn phòng của họ nói cho họ biết về việc làm của mình. Họ cũng từ đó tự tìm hiểu và đánh giá vấn đề xem họ có nên lên tiếng ủng hộ hay không. Hoặc làm gì được hơn nữa cho những người đang cần được giúp đỡ. Như buổi họp mặt hôm nay chẳng hạn.

Chỉ có thế. Rất đơn giản. Rất dễ hiểu. Và chẳng cần nhiều tiền bạc hay tài cán gì như một số người nghĩ. Chỉ cần bạn có chính nghĩa, vững lòng tin vào điều mà bạn đang làm thì với một thể chế tự do, thoải mái, luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái ngược nhau như Thượng Viện Hoa Kỳ thì bạn đã đi được hơn nửa đoạn đường mà bạn đã chọn.

Cửa của họ luôn rộng mở bạn ạ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG