Đường dẫn truy cập

Mỹ, TQ thảo luận về hợp tác năng lượng


Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, ông Stephen Chu tuyên bố hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu đang diễn tiến nhanh hơn dự kiến ban đầu. Ông Chu đang có mặt tại Trung Quốc, là quốc gia sản sinh nhiều khí có hiệu ứng nhà kính nhất trên thế giới gây sự tăng nhiệt toàn cầu, nhằm mục đích kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để đối phó với vấn đề này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Trước một cử tọa đông người ở trường Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, Bộ trưởng Năng lượng Stephen Chu nói sự biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách và ngày càng gia tăng. Ông nói một giải pháp hữu hiệu sẽ đòi hỏi sự hợp tác mạnh hơn trên toàn cầu.

Ông Chu nói: “Chính vì lý do này mà ta không nên nói 'các nước phát triển đã thải tất cả lượng khí carbonic này, quý vị gây ra vấn đề, thì quý vị hãy lo mà giải quyết'. Chúng ta đều sống trong cùng một thế giới. Quả thực là các nước phát triển gây ra vấn đề, tôi thừa nhận điều đó. Nhưng các nước đang phát triển sẽ làm cho vấn đề trở nên tệ hại nhiều hơn nữa, và chúng ta đều hứng chịu, vì thế mà chúng ta phải cùng lo giải quyết vấn đề.”

Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước sản sinh nhiều carbon dioxide, tức khí CO2, nhất thế giới, do việc đốt than và dầu. Nhiều khoa học gia cho rằng khí CO2 là một trong các nguyên do chính làm tăng tốc sự biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Stephen Chu giải thích: “Trung Quốc và Hoa Kỳ cộng lại, sản sinh ra 42 phần trăm lượng khí CO2 trên thế giới ngày nay. Vì thế, điều mà Hoa Kỳ làm và điều mà Trung Quốc làm trong thập niên sắp tới thực sự sẽ quyết định phần lớn số phận của thế giới.”

Hôm nay, hai chính phủ đã loan báo việc thành lập một trung tâm nghiên cứu chung để khai triển các nguồn năng lượng sạch.

Bài phát biểu dài dòng của ông Chu đã choán mất giờ dành cho các câu hỏi từ phía sinh viên.

Sinh viên 19 tuổi, năm thứ nhất ngành vật lý học tên là Kang này nói rằng lẽ ra anh muốn hỏi ông Chu liệu Hoa Kỳ có ý định chia sẻ kỹ thuật mới nhất để chống nạn biến đổi khí hậu hay không.

Anh Kang nói điều này quan trọng bởi vì trình độ kỹ thuật ở nhiều nước còn tụt hậu sau trình độ của Hoa Kỳ.

Kỹ thuật không phải là vấn đề chính đối với cô sinh viên 25 tuổi đã tốt nghiệp, tên là Han, thuộc ngành Môi trường của đại học Thanh Hoa.

Đối với cô, đó là vấn đề thay đổi các thói quen và thái độ cá nhân. Cô nêu ra rằng người dân Trung Quốc, trung bình, dùng ít năng lượng hơn người Mỹ.

Cô Han nói tỷ như người Mỹ dùng máy sấy quần áo và máy rửa bát – cả hai thứ đều là các dụng cụ điện. Cô nói người Trung Quốc thích phơi quần áo cho khô một cách tự nhiên và rửa chén bát bằng tay.

Đồng thời, cô Han nói cô rất cảm kích về ông Chu, một người Mỹ gốc Hoa đã được giải thưởng Nobel và cha mẹ đều tốt nghiệp trường đại học Thanh Hoa. Cô nói nếu các chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác với nhau để chống nạn tăng nhiệt toàn cầu, thì không còn gì tốt đẹp hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG