Đường dẫn truy cập

P/V Tiến sĩ Trần Lê Anh về quan hệ Việt-Mỹ 15 năm qua


Nếu tính từ khi cựu Tổng Thống Bill Clinton của Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào năm 1994, thì hai nước đã tiến trên đoạn đường dài 15 năm. Nhân dịp này, tiến sĩ Trần Lê Anh, giáo sư Đại học Lasell, bang Massachusetts đã dành cho ban Việt ngữ buổi trao đổi về những tiến triển quan hệ Việt-Mỹ trong 15 năm qua:

VOA: Thưa Tiến sĩ Trần Lê Anh, quan hệ Việt-Mỹ trong 15 năm qua rất đa dạng, nhưng dường như nổi bật nhất và có chiều sâu nhất, là quan hệ kinh tế, chắc tiến sĩ cũng đồng ý phải không ạ?

TS ANH: Vâng, kinh tế vẫn là sâu sắc nhất. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là nước có số vồn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Từ khi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) có hiệu lực thì Việt Nam luôn luôn hưởng thặng dư mậu dịch với Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ thì con số thặng dư vào năm 2001 là 633 triệu đôla, đến năm ngoái đã lên đến gần 10 tỉ đôla, có nghĩa là gấp gần 16 lần, tương đương với hơn 10% tổng sản lượng quốc nội của Việt Nam.

Mặc dù trước sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu và sự tụt giảm của mậu dịch thế giới, Việt Nam vẫn hưởng con số thặng dư mậu dịch trong bốn tháng đầu năm nay.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ; như dệt may, giày dép và đồ gỗ sử dụng rất nhiều lao động. Nhờ xuất khẩu sang Mỹ mà Việt Nam giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động mỗi năm.

VOA: Trong quan hệ kinh tế với Mỹ, Việt Nam có những lợi ích về thương mại và đầu tư, bên cạnh đó còn có lợi ích nào thuộc lĩnh vực này nữa không?

TS ANH: Mỹ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tiến trình cải cách luật pháp của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu.

Kể từ năm 2001, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, thông qua Dự án Hỗ trợ Thúc đẩy Thương mại đã giúp đỡ chính phủ Việt Nam thực thi các cam kết của BTA và WTO.

Hàng năm dự án này đã phối hợp với chính phủ Việt Nam tổ chức hàng loạt hội thảo, các khóa đào tạo cho rất nhiều cơ quan ở Việt Nam, như Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ và các tỉnh thành.

Từ khi bắt đầu hoạt động, dự án này giúp Việt Nam sửa đổi và ban hành hàng trăm luật lệ mới. Sự điều chỉnh những luật lệ đã tạo những tiền đề tốt cho Việt Nam gia nhập WTO.

Sự thực thi tốt các cam kết về BTA cũng như việc gia nhập WTO đã tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Đầu tư nước ngoài tăng lên rất nhanh trong hai năm 2007 và 2008.

Nhìn chung vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa luật trên văn bản và sự thực thi luật trong thực tế, và sự cải cách vẫn chưa đồng bộ.

Nhưng nếu so sánh giữa hai thời kỳ trước khi có BTA cho đến thời điểm bây giờ thì có những chuyển biến tích cực.

VOA: Trong quan hệ kinh tế thì còn có những vấn đề, những rào cản nào hay không?

TS ANH: Những rào cản lớn thì không nhưng rào cản nhỏ vẫn có. Có thể thấy 3 trường hợp. Thứ nhất, Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, do đó Việt Nam dễ bị thua thiệt, ví dụ như trường hợp Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với cá basa, tôm Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam e ngại có những thành phần tại Hoa Kỳ có những động thái mang tính cách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, điển hình là vụ cá tra, cá basa.

Thứ ba, các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến tình trạng tham nhũng tương đối khá phổ biến và việc thực thi luật chưa có hiệu quả cao. Nếu tháo gỡ được những rào cản này thì quan hệ kinh tế còn tốt hơn nữa.

VOA: Với những rào cản đó thì hai nước nên làm gì để đưa quan hệ kinh tế lên một tầm cao mới?

TS ANH: Hai nước nên cố gắng thương thuyết để có một Hiệp định Thương mại Tự do.

Hiệp định thương mại tự do sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư còn mạnh hơn Hiệp định Thương mại Song phương hiện nay. Được như vậy rất có lợi cho hai bên, đặc biệt cho Việt Nam, vì ngoài hưởng lợi về thương mại và đầu tư, Việt Nam còn nâng cao vị thế của mình trong mắt các nhà đầu tư ngoại quốc.

Nếu nhìn lại, chúng ta thấy Việt Nam có những do dự trước khi ký BTA vào năm 2001 vì sợ rằng sẽ có những ảnh hưởng bất lợi, nhưng thực tế trong 8 năm qua Việt Nam đã gặt hái rất nhiều lợi ích từ hiệp định này.

Từ kinh nghiệm đó, tôi nghĩ vn sẽ có một bước đột phá về kinh tế nếu ký được hiệp định thương mại tự do.

VOA: Ngoài quan hệ kinh tế thì trong tương lai lĩnh vực nào khác hai nước có khả năng đi vào chiều sâu nhiều hơn?

TS ANH: Tôi nghĩ đó là lĩnh vực giáo dục. Lĩnh vực này không bị kiềm chế vì những vấn đề chính trị nhạy cảm.

Quốc hội Mỹ thiết lập Quĩ Giáo dục Việt Nam vào năm 2000 để giúp đỡ Việt Nam phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó còn có chương trình Fulbright để đưa người Việt sang Mỹ học, và các chương trình giảng dạy kinh tế ở Việt Nam.

Đại sứ Mỹ hiện nay rất quan tâm đến giáo dục. Ông đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để giúp nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Ông cũng kêu gọi nhiều trường đại học Mỹ đến Việt Nam hợp tác.

Mỹ muốn thông qua giáo dục giúp đỡ Việt Nam đào tạo những nhân sự quản lý đất nước cũng như công nhân có kỹ năng thiết thực để phục vụ sự phát triển kinh tế.

Việt Nam rất có lợi khi nhận sự giúp đỡ từ quốc gia có nền giáo dục đại học tốt nhất thế giới, như Mỹ.

VOA: Tiến sĩ có suy nghĩ gì về quan hệ tay ba, gồm có Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung quốc, trong bối cảnh địa lý chính trị của vùng Đông Nam Á?

TS ANH: Vùng Đông Nam Á rất quan trọng đối với những lợi ích chiến lược về kinh tế, chính trị, và an ninh của Mỹ.

ASEAN là một thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ, do đó Hoa Kỳ muốn ASEAN luôn có những chính sách kinh tế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ vào làm ăn.

Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ muốn thắt chặt thêm mối quan hệ với ASEAN, nhằm tạo thế cân bằng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việt Nam tương đối có vị thế trong ASEAN, sẽ giữ chức chủ tịch vào đầu năm 2010, do đó, Mỹ muốn Việt Nam ủng hộ mình trong quá trình thắt chặt thêm mối quan hệ với ASEAN.

(Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe cuộc phỏng vấn.)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG