Đường dẫn truy cập

Nhận định của GS Tạ Văn Tài về cựu Bộ trưởng McNamara


Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, ông Robert S. McNamara đã từ trần hôm thứ Hai 6 tháng 7, 2009, hưởng thọ 93 tuổi.

Là kiến trúc sư của cuộc chiến Việt Nam trước khi hiệp định Paris 1973 được ký kết, ông Robert S. McNamara vào những lúc cuối đời đã cho rằng Hoa Kỳ sai lầm khi tham chiến tại Việt Nam.

Mời quý thính giả theo dõi nhận xét của Tiến sĩ Tạ Văn Tài hiện có văn phòng luật sư tại Boston, bang Massachusetts về cuộc đời của ông McNamara. Trước 1975, Tiến sĩ Tạ Văn Tài là giáo sư giảng dạy tại nhiều trường đại học miền Nam Việt Nam. Sau 1975 Tiến sĩ Tạ Văn Tài cộng tác với trường đại học Harvard trong lãnh vực nghiên cứu và có nhiều bài viết liên hệ đến Việt Nam.

Trước tiên Tiến sĩ Tạ Văn Tài có nhận xét về cuộc đời của ông Robert Mc Namara.

Tiến sĩ Tạ Văn Tài: Cuộc đời của ông là một câu chuyện bi thảm. Ông là một trong những người được coi là sáng giá nhất trong chính phủ Kennedy, là một nhà quản lý doanh nghiệp thượng thặng của hãng Ford được vô Bộ Quốc phòng để làm công việc quản lý một cách khoa học bộ máy chiến tranh của Mỹ nhưng khi cuộc chiến Việt Nam diễn tiến thì ông đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.

Thất vọng thứ nhất, cuộc chiến tranh bất kể dùng tất cả các biện pháp cứng rắn, nào là ném bom ra ngoài Bắc, nào là lùng và diệt địch cũng không làm lay chuyển được ý chí quyết liệt của miền Bắc đánh nhau cho đến cùng. Thành thử khi ông Johnson quá mệt mỏi vì chiến tranh Việt Nam thì ông Bộ trưởng Quốc phòng cũng xin ra đi để cho ông Johnson nhờ người khác. Ông được đền bù bằng chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Nhưng mà sau khi chiến tranh chấm dứt, ở những đời Tổng Thống Cộng hòa sau này, ông muốn tìm hiểu lại cuộc chiến Việt Nam.

Sang Việt Nam đem cuốn sách về bài học Việt Nam bàn với phía Việt Nam thì ông Nguyễn Cơ Thạch, ngoại trưởng Việt Nam lúc bấy giờ nói một câu ‘chúng tôi đã chiến thắng rồi chúng tôi cần có gì để học hỏi nữa’.

Ông rất thất vọng đối với thiện chí của ông hòa giải hai dân tộc. Ở trong nước Mỹ, ông đến đâu diễn thuyết, ví dụ như đến đại học Harvard, thì những người lính cũ, những sĩ quan cũ phản chiến, họ đứng lên mắng y như ông là 'baby killer' tức là những người ném bom giết hài nhi Việt Nam. Thành ra ông rất buồn, họ không hiểu ông. Trong gia đình ông cũng có nỗi buồn rất mênh mông vì người con của ông theo phản chiến. Sau này hồi hưu rồi ông dẫn con đi khắp các miền núi của nước Mỹ để hòa giải. Nhưng cuộc hòa giải đó rất là chậm và giống như vết thương đã xảy ra giữa hai bố con rồi. Vì vậy cuộc đời ông là cả một chuỗi dài những thất vọng và bi thảm.

VOA: Báo chí Hoa Kỳ cho rằng sau khi rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert S. McNamara trong cương vị chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã giúp nhiều cho các nước đang phát triển. Giáo sư có ý kiến gì về nhận xét này?

Tiến sĩ Tài: Mục tiêu chính của ngân hàng là giúp các nước đang phát triển, bằng tiền của nước giàu. Dĩ nhiên nước Mỹ nắm đa số cổ phần nên luôn luôn Mỹ là chủ tịch ngân hàng nhưng mà công việc là giúp những nước nghèo.

Công việc đó của ông đầy ý nghĩa trong cương vị là chủ tịch ngân hàng. Có điều hồi đó ngân hàng chưa nhìn thấy thông suốt nên chỉ giúp những dự án lớn như đập nước hay là những chuyện lớn của các chính phủ chứ chưa để ý đến nhân dân, chưa biết cấp micro credits tức là những tín dụng nhỏ, 200 đô la cho một gia đình để nuôi heo, nuôi gà và mãi sau này họ mới biết cái đó còn hay hơn cả những vấn đề giúp những dự án lớn nhưng rút cục phí phạm, tiền vào túi mấy ông chính quyền. Thành ra Ngân hàng Thế giới hồi đó chưa thấy rõ vấn đề như bây giờ.

VOA: Giáo sư có nhận xét như thế nào về cuốn hồi ký của ông Robert McNamara?

Tiến sĩ Tài: Tôi thấy nên đọc vì đó như là một di chúc tinh thần, một di chúc chính trị của ông. Ông muốn tìm hiểu học một bài học. Cuối đời rồi ông còn ham muốn gì nữa, ông chỉ muốn tìm hiểu sự thực thôi. Ông đã có những đau khổ trong đời. Những người như vậy họ tìm hiểu sự thực. Lời nói trối trăn của người sắp chết bao giờ cũng được coi là sự thực. Cuốn đó như là một lời trối trăn chính trị, một di chúc chính trị của ông thì ta nên tin chứ không nên coi rẻ cuốn sách đó như Việt Nam trong thời kỳ kiêu ngạo đã dùng những câu như ‘chúng tôi không có bài học gì để học’. Bây giờ nên đọc.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe bài phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Văn Tài do Hà Vũ thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG