Đường dẫn truy cập

Tòa Miến Ðiện bác yêu cầu thêm nhân chứng của bà Suu Kyi


Tối cao Pháp viện Miến Điện đã bác bỏ yêu cầu có thêm nhân chứng của bên bị trong phiên xử lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, một phiên xử bị nhiều người lên án là một thủ đoạn nhằm tiếp tục giam cầm người phụ nữ đọat giải Nobel Hòa bình này. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Tối cao Pháp viện Miến Điện hôm nay đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu có thêm hai nhân chứng của bên bị trong phiên xử bà Aung San Suu Kyi.

Phán quyết này giữ nguyên quyết định của tòa dưới là không cho hai ông Win Tin và Tin Oo ra làm chứng cho bà Suu Kyi.

Hai nhân vật này là những thành viên cao cấp của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Suu Kyi và lâu nay họ vẫn mạnh mẽ chỉ trích chính quyền quân nhân Miến Điện.

Ông Nyan Win, phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc, là một trong các luật sư của bà Suu Kyi. Ông cho rằng quyết định của Tối cao Pháp viện chứng tỏ rằng phiên xử này có tính cách gian dối.

Ông Nyan Win nói: "Chúng tôi luôn cho rằng phiên xử này là không công bằng. Bởi vì, trước hết, đây không phải là một phiên xử công khai. Thế rồi, khi chúng tôi nộp danh sách gồm 4 nhân chứng thì tòa án chỉ chấp nhận một nhân chứng và sau đó họ chấp nhận thêm một nhân chứng nữa. Trong khi đó, bên công tố đã có 15 người ra làm chứng trước tòa. Rõ ràng đây không phải là một phiên xử công bằng."

Phán quyết của Tối cao Pháp viện đã được loan báo trong lúc Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gamnbari tới thăm Miến Điện.

Ông Gambari đã thảo luận với các giới chức Miến Điện về chuyến viếng thăm mà Tổng thư ký Ban Ki Moon có thể thực hiện vào tháng tới.

Liên hiệp quốc muốn tập đoàn tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và hơn 2,000 tù nhân chính trị.

Có tin cho hay: ông Ban Ki Moon đang suy tính tới vấn đề là phải chăng chuyến viếng thăm của ông sẽ có ích cho việc thả tù chính trị hay là sẽ bị giới hữu trách Miến Điện lợi dụng để tuyên truyền.

Ông Nyan Win cho biết Liên minh Dân chủ Toàn quốc hoan nghênh chuyến viếng thăm của ông Ban Ki Moon, nhưng ông nói thêm rằng Liên hiệp quốc cần phải gia tăng áp lực đối với các tướng lãnh đang cầm quyền.

Ông Nyan Win nói tiếp: "Chúng tôi luôn luôn hoan nghênh những nỗ lực của Liên hiệp quốc. Kết quả của những nỗ lực đó có lợi cho dân chủ hay không thì là một vấn đề khác."

Quân đội đã cai trị Miến Điện với bàn tay sắt trong mấy mươi năm qua.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần chót diễn ra năm 1990, Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã giành được thắng lợi áp đảo; nhưng quân đội không để cho liên minh này chấp chính và từ đó tới nay họ không ngớt đe dọa và bắt bớ hàng ngàn người chống đối quyền cai trị của họ.

Bà Aung San Suu Kyi đang bị xét xử về tội vi phạm các qui định của lệnh quản thúc tại gia qua việc để cho một người khách không mời mà đến ở lại trong nhà bà mà không có sự cho phép của chính quyền. Theo dự liệu, bà sẽ bị tuyên án 5 năm tù.

Nhiều người ủng hộ bà Suu Kyi cho rằng quân đội Miến Điện đang dùng vụ xử này để tiếp tục giam bà cho tới sang năm. Như vậy, bà sẽ không thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử mà chính phủ định tổ chức vào năm 2010 trong khuôn khổ của bản lộ đồ tiến tới dân chủ mà họ hứa hẹn đã lâu.

Tuy nhiên, hiến pháp do quân đội soạn thảo cũng dành cho các tướng lãnh quyền kiểm soát đáng kể đối với chính phủ dân cử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG