Đường dẫn truy cập

Sự 'say mê' bóng đá ở Nam Phi nổi bật qua Confederations Cup


Hàng triệu người theo dõi cúp bóng đá Confederations Cup đang sôi nổi diễn ra tại Nam Phi. Đây là cúp bóng đá đẳng cấp thế giới đầu tiên được tổ chức trên lục địa châu Phi và được xem là để hâm nóng cho World Cup năm tới mà theo trù tính sẽ thu hút khoảng 400 ngàn cổ động viên đến để thưởng thức điều được hứa hẹn là kinh nghiệm châu Phi đích thực. Một khía cạnh của kinh nghiệm này là niềm đam mê và sự sôi nôåi của cổ động viên bóng đá Nam Phi như Thông tín viên Scott Bobb của Đài VOA mô tả trong bài tường trình sau đây:

Cổ động viên bóng đá Nam Phi nằm trong nhóm các cổ động viên sôi nổi nhất thế giới. Mỗi trận đấu đối với họ là một cuộc hội hè, và thắng hay thua họ đều nóng bỏng với những bài hát, vũ điệu và sự náo động.

Anh Saddam Maake tự xưng là người ủng hộ số một cho đội tuyển Nam Phi. Trận đấu nào anh cũng có mặt trong trang phục từ đầu đến chân đồng nhất với màu cờ sắc áo của đội tuyển, đó là màu vàng và màu xanh lá cây. Anh hãnh diện đội một chiếc mũ rộng có trang trí hình ảnh và tên tuổi của các cầu thủ, và anh còn đeo một cặp kính mát lớn quá khổ màu vàng.

Anh Maake nói: “Tôi yêu bóng đá, tôi là một tín đồ bóng đá, tôi ăn bóng đá, uống bóng đá và ngủ với bóng đá. Đó là lý do tôi yêu bóng đá.”

Trong số những 'đồ trang sức' được các cổ động viên bóng đá ưa thích là chiếc nón Makarapa. Đó là những chiếc mũ bảo hộ của công nhân hầm mỏ được trang trí tỉ mỉ để trở thành một chiếc mũ đội đầu cầu kỳ của các cổ động viên.

Ông Alfred Baloyi là một nghệ sĩ và cũng là một người 'cuồng tín” bóng đá. Ông đã làm ra chiếc mũ Makarapa đầu tiên cách đây 30 năm sau khi chứng kiến một nguời say mê bóng đá đang ngồi xem một trận đấu bị một cái chai ném vào đầu.

Ông Baloyi kể lại: “Khi đến sân vận động tôi đội cái nón đó để bảo vệ đầu tôi. Sau một thời gian tôi lại mang cái nón ra tô vẽ lại cho đẹp. Và rồi các cổ động viên khác ở sân vận động nhìn thấy thì lấy làm thích thú lắm.”

Loại nón đó trở nên phổ biến và ông bắt đầu làm chúng ra để bán. Thời gian trôi qua những chiếc nón này được trang trí công phu tỉ mỉ hơn. Hiện nay ông Baloyi còn khắc hình ảnh trên chỏm mũ bằng plastic rồi hơ lửa nóng cho chúng dính lại với nhau. Rồi ông sơn màu lên những mũ đó theo đúng màu áo của đội bóng mà khách hàng của ông đặt.

Giá của chiếc mũ khoảng từ 20 đôla đến 80 đôla. Nhiều chiếc nón Makarapa được trau chuốt công phu trông rực rỡ như đuôi của con công được các cổ động viên đội trên đầu.

Ông Baloyi làm ra những chiếc nón này tại nhà của ông tại một thị trấn lụp xụp ở ngoại ô Johannesburg. Mỗi ngày ông làm được từ 2 cho đến 3 cái nón như vậy. Những thiết kế của ông được một nhóm 25 nghệ sĩ khác dùng để sản xuất ra khoảng 2 ngàn cái mũ mỗi tháng cung cấp cho khách hàng trên toàn thế giới.

Một điệu nhảy đặc biệt được sáng tác cho cúp bóng này. Điệu nhảy pha trộn giữa hip-hop và nhảy theo bè để mô phỏng theo chuyển động của các cầu thủ trên sân cỏ.

Thêm một ‘món đồ chơi’ trong bóng đá nữa có vẻ gây tranh cãi nhiều hơn, đó là chiếc Vuvuzela, một cái kèn dùng trong sân vận động. Đó là một cái kèn trumpet bằng nhựa dài và chỉ phát ra một nốt nhạc.

Nhiều cầu thủ và các bình luận viên truyền hình đã phàn nàn về cái kèn này. Âm thanh của nó từ đằng xa nghe cứ như là tiếng của một bầy ong vỡ tổ. Những người chỉ trích nói rằng âm thanh của chúng gây chia trí, và đề nghị cấm loại kèn này tại World Cup.

Ông Rich Mkhondo của ban tổ chức World Cup nói rằng các giới chức sẽ xem xét vấn đề này, tuy nhiên ông nói thêm rằng loại kèn này cũng là một phần của kinh nghiệm châu Phi.

Ông Mkhondo nói: “Trong ủy ban tổ chức World Cup ở Nam Phi, chúng tôi xem kèn Vuvuzela như là một biểu tượng ăn mừng trong không khí hội hè. Chúng tôi hy vọng bất cứ một cuộc thảo luận nào về kèn Vuvuzela sẽ thực sự đi đến một kết luận cho phép loại kèn này vẫn tiếp tục là một phần văn hóa lễ hội của chúng tôi.”

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, ông Sepp Blatter, đồng ý như vậy. Ông Blatter nói rằng các đội bóng nước ngoài nên làm quen với âm thanh của Vuvuzela, bởi vì đó là một phần của kinh nghiệm Nam Phi.

Nhiều cổ động viên cũng tỏ ra thích những chiếc kèn này bởi vì âm thanh của nó là để mừng trận đấu bóng đá mà ở Nam Phi thì điều đó có nghĩa là những âm thanh ồn ào, sôi động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG