Đường dẫn truy cập

Các nhà làm luật Mỹ lên án 'hành vi thù địch' của Bắc Triều Tiên


Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án 'hành vi thù địch' của Bắc Triều Tiên và quyết định dành cho chính quyền của Tổng thống Obama sự hậu thuẫn hoàn toàn để đối phó với Bình Nhưỡng. Theo tường thuật do thông tín viên Dan Robinson của đài VOA gởi về từ trụ sở quốc hội, nghị quyết có tính chất tượng trưng này cũng tái khẳng định quyết định đồng minh chiến lược với Nam Triều Tiên.

Nghị quyết của Hạ viện Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên ngưng ngay điều mà họ gọi là 'luận điệu và hành động thù địch' đối với Nam Triều Tiên, và tham dự cuộc đối thoại với Hán Thành để cải thiện các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Các nhà lập pháp đã liệt kê một loạt những hành động của Bình Nhưỡng trong vài năm qua, kể cả những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn, và nói rằng những hành động đó đe dọa tới hòa bình và ổn định của vùng Đông Bắc Á và của cả thế giới.

Thái độ mất kiên nhẫn và mối quan tâm của các nhà lập pháp Mỹ đã được phản ánh qua tuyên bố của Dân biểu Peter King thuộc đảng Cộng hòa. Ông nói rằng nghị quyết này chính thức bày tỏ trên văn bản sự hậu thuẫn của quốc hội đối với những biện pháp mà chính quyền Obama phải áp dụng để đáp lại những hành động 'gây hấn và xâm lấn' của Bình Nhưỡng.

Ông King nói: "Nghị quyết này là để đương đầu với sự xâm lấn trắng trợn của Bắc Triều Tiên và để gởi đi một thông điệp cho ông Kim Jong Il – cho ông Kim hoặc con trai của ông ấy, bất kể ai là người rốt cuộc sẽ nắm quyền kiểm soát và định đoạt công việc ở Bắc Triều Tiên. Thông điệp đó nói rằng hành vi gây hấn của họ sẽ gặp phải những hành động có phối hợp từ phía Hoa Kỳ. Nghị quyết này cũng kêu gọi các nước như Trung quốc bắt đầu làm những gì mà họ nên làm, và trấn an các đồng minh của chúng ta như Nhật bản và Đài loan rằng Hoa Kỳ sẽ làm mọi việc có thể làm để ngăn không cho Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân."

Nghị quyết này đề cập tới việc Bắc Triều Tiên khước từ đề nghị đối thoại của Nam Triều Tiên và không chịu thực thi đầy đủ những thỏa thuận về phi hạt nhân hóa đã đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên. Văn kiện này nói thêm rằng Bắc Triều Tiên sẽ không thể nào có được một mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ trong lúc không ngớt lăng mạ và từ chối đối thoại Nam Triều Tiên.

Ông Eni Faleomavaega, dân biểu thuộc đảng Dân chủ và là Chủ tịch tiểu ban Á châu Thái bình dương, đã bày tỏ sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho Nam Triều Tiên.

Ông Faleomavaega nói: "Những sự kiện bất ngờ này đã tạo ra nhu cầu là quốc hội phải có một đáp ứng đồng nhất đối với những hành động thù địch của Bắc Triều Tiên, đồng thời gởi đi một thông điệp về sự đoàn kết và hỗ trợ mạnh mẽ cho Nam Triều Tiên, là quốc gia đồng minh và là bạn bè thân thiết của chúng ta."

Trong khi đó, dân biểu Ed Royce của đảng Cộng hòa nói rằng Hoa Kỳ phải thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn nữa để cô lập Bắc Triều Tiên và ngăn chận những hoạt động phổ biến hạt nhân của quốc gia Cộng Sản này.

Dân biểu Royce cho biết: "Quả thật là chúng tôi đã có kết luận. Và theo nhận xét của tôi, một người đã chú tâm tới vấn đề này từ nhiều năm nay, kết luận này là Hoa Kỳ có thể đạt được nhiều thành quả qua việc thực hiện những biện pháp để tạo khó khăn cho kinh tế của Bắc Triều Tiên và ngăn chận những hoạt động phổ biến hạt nhân của họ."

Các nhà lập pháp yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân với một cung cac1h có thể kiểm chứng được và tái tham gia Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân. Họ cũng hối thúc Bình Nhưỡng tuân hành đầy đủ Nghị quyết 1718 mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua năm 2006 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên và yêu cầu Bắc Triều Tiên không được thực hiện thêm những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG