Đường dẫn truy cập

Một số thay đổi lớn trong ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ


Như chúng ta đã biết, các đại công ty xe hơi của Hoa Kỳ: Ford, General Motors và Chrysler từng có thời thống lĩnh phần lớn thị trường xe hơi của nước Mỹ và toàn cầu thì trong những năm gần đây đã xuống dốc thê thảm. Trong số 3 công ty này thì Chrysler và General Motors đã phải khai phá sản để được luật pháp bảo vệ. Để có thể cạnh tranh được với các công ty xe hơi của nước ngoài, công nhân làm cho các hãng sản xuất xe hơi Mỹ phải chấp nhận hy sinh. Mời quí thính giả nghe trình bày về vấn đề này qua bài phỏng vấn tiến sỹ David Cole, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Xe Hơi của Hoa Kỳ trong Câu chuyện Nước Mỹ với Lan Phương sau đây.

Theo ông Mike Smith, Giám đốc thư viện Walter P. Reuther thuộc đại học Wayne tại Detroit, vào một thời chưa xa lắm, khi một người được thu dụng vào làm công nhân cho 1 trong 3 công ty xe hơi lớn của Hoa Kỳ thì điều này có nghĩa là người ấy đương nhiên được bước vào giai cấp trung lưu để thực hiện giấc mơ của nước Mỹ, cho dù không có trình độ học vấn cao. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi.

Hàng chục ngàn công nhân của các công ty sản xuất xe hơi Mỹ đã bị thải việc, nhiều nhà máy sản xuất bị đóng cửa, khiến hằng trăm đại lý bán xe cho các công ty này cũng phải đóng cửa theo. Ảnh hưởng dây chuyền này còn lan sang các công ty sản xuất phụ tùng cung cấp cho 3 công ty đó. Chỉ riêng Chrysler, nhỏ nhất trong 3 công ty, đã thải hàng chục ngàn công nhân trong 2 năm qua, đóng cửa 8 nhà máy.

Chrysler và General Motors, tức GM, đã khai phá sản và được chính phủ dùng hàng chục tỉ đô la tiền thuế của dân đóng để cứu nguy. Và dĩ nhiên là các công ty này phải chấp nhận nhiều điều kiện do chính phủ đưa ra, trong đó có việc hạ giảm quyền lợi của công nhân sao cho không cách quá xa những quyền lợi của giới công nhân làm việc cho các công ty sản xuất xe hơi của nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Tiến sỹ David Cole, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Xe Hơi của Hoa Kỳ nhận định về sự nhượng bộ của giới công nhân ngành công nghiệp xe hơi.

Tiến sĩ Cole nói: "Cần đặt câu hỏi về sự hy sinh đáng kể, nói chung, của công nhân công đoàn ngành xe hơi Hoa Kỳ. Về lương bổng họ không phải hy sinh bao nhiêu, nhưng họ phải hy sinh nhiều hơn theo nghĩa quyền lợi tương lai của họ. Đó là sự thay đổi lớn. Nhưng thế giới ngày nay đã khác rất nhiều so với thế giới khi họ bắt đầu đi làm việc và tôi cho là điều đó đúng khi căn cứ trên sự kiện mà chúng ta thấy về ngành công nghiệp xe hơi hiện nay, không phải là một tình trạng trì trệ mà là suy thoái hiểu theo nghĩa số xe bán được, khiến hiện nay là một thời kỳ vô cùng khó khăn."

Được hỏi là ông nghĩ như thế nào khi mà một số người, đặc biệt là những người có khuynh hướng xã hội, cho rằng nước Mỹ, khi buộc giới công nhân ngành xe hơi phải hy sinh bớt quyền lợi của họ, đã hạ giảm chuẩn mực lao động của toàn quốc,và họ còn cho rằng buộc giới công nhân phải hạ giảm bớt những quyền lợi là chính phủ đứng về phía các nhà tư bản điều hành, tức là những người chỉ chạy theo lợi nhuận mà không lý gì đến an sinh của công nhân.

Tiến sỹ Cole trả lời: "Theo tôi thì công nhân ngành xe hơi đã được trả lương quá cao rồi. Những đền bù cho họ cao ngang với bất cứ công nhân nào tại Hoa Kỳ với trình độ học vấn nói chung tương đối thấp. Tôi cho rằng từ trước tới giờ giới công nhân ngành xe hơi Hoa Kỳ đã dược hưởng lương bổng và các quyền lợi quá tốt. Và chúng tôi dự kiến là họ sẽ tiếp tục được hưởng những điều kiện đó trong một thời gian nữa. Đồng lương mỗi giờ của họ hiện nay phải hy sinh bớt chút ít vì những thay đổi mới đây. Đó là những thay đổi chút ít về đồng lương, nhưng sự hy sinh lớn nằm ở nơi tiền hưu trong tương lai và việc giảm bớt chi phí bảo hiểm y tế dành cho họ khi họ về hưu."

Công ty GM,sau khi khai phá sản và được chính phủ trợ giúp, bị chính phủ tạm nắm giữ 60% quyền sở hữu, khiến nhiều người lo ngại rằng làm sao những nhà chính trị tại Washington có thể điều hành một đại công ty như thế? Và điều này sẽ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho công ty. Tiến sỹ David Cole, Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Xe Hơi của Hoa Kỳ, cũng có chung mối quan ngại.

Ông Cole nói: "Mối lo ngại của tôi là chính phủ biết rất ít về ngành công nghệ xe hơi và họ có thể đòi hỏi ngành công nghiệp xe hơi làm những chuyện không có lợi chút nào cho ngành này. Tuy nhiên, điều mà chính phủ đã nói, và chính Tổng thống cũng đã nói, rằng đây chỉ là một tình trạng khẩn cấp, và chính phủ dự kiến sẽ rút chân ra khỏi ngành này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn khi nền kinh tế xoay chiều. Chúng tôi hy vọng sự thực sẽ như vậy, tuy nhiên vẫn có những rủi ro khi chính phủ can dự vào một công ty và chúng tôi mong là chính phủ đừng can thiệp vào thì hơn."

Và trong lúc ngành công nghiệp xe hơi Mỹ trải qua hàng loạt những thay đổi rộng lớn, ngày nay mức lương cho một công nhân thường, mới bắt đầu vào làm cho hãng Chrysler chẳng hạn, vào khoảng 14 đôla/giờ, so với 28 đôla/giờ của các công nhân đã làm trước đây.

Những quyền lợi khác mà công nhân được hưởng trước đây cũng bị cắt giảm.

Ông Mike Smith, giám đốc thư viện Walter P. Reuther thuộc đại học Wayne tại Detroit, cho hay những công nhân mới vào làm việc cho các công ty xe hơi Mỹ vẫn sẽ được hưởng những quyền lợi tốt và đồng lương khá, nhưng không nhất thiết là phải ngang với thời cách nay 20 hay 30 năm.

Những người mới trong nghiệp đoàn Công Nhân Xe Hơi Mỹ sẽ phải trả một phần lớn hơn cho bảo hiệm sức khỏe, và khi họ về hưu thì không được hưởng bảo hiểm y tế của công ty nữa. Trước đây, các công nhân bị thải việc có quyền đăng ký trong danh sách chờ đợi để được thu dụng lại và tiếp tục được trả lương cho đến khi được gọi đi làm lại hoặc khi họ từ chối đề nghị trở lại làm việc cho công ty.

Bảo hiểm y tế của họ cũng sẽ chi trả ít hơn cho các dịch vụ y tế và thuốc men.

Trong lúc hai công ty General Motors và Chrysler đang tổ chức lại, nghiệp đoàn công nhân của các hãng xe Mỹ đồng ý từ bỏ những biện pháp bảo vệ từng là điểm tựa cho những công nhân các hãng xe hơi Mỹ bị thải việc.

Những biện pháp đó trước đây cho phép công nhân bị nghỉ việc lãnh đồng lương bằng hay gần bằng với đồng lương mà họ vẫn lãnh khi còn làm việc.

Theo những thỏa thuận mới với hai công ty GM và Chrysler, các công nhân xưởng máy sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp ít hơn nếu họ bị thải việc. Các công nhân cấp cao hơn sẽ chỉ được trả lương thất nghiệp trong 1 năm mà thôi.

Quí vị vừa nghe một số ý kiến về sự nhượng bộ của giới công nhân ngành sản xuất xe hơi Hoa Kỳ trước tình hình kinh tế yếu kém hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG