Đường dẫn truy cập

Hạ viện Mỹ điều trần lần thứ 2 về vấn đề hóa chất da cam ở VN


Một phái đoàn do ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam dẫn đầu đã tham dự một buổi điều trần về các vấn đề liên quan tới hậu quả của hóa chất da cam-dioxin ở Việt Nam do Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 4/6 ở thủ đô Washington. Đây là buổi điều trần trực tiếp lần thứ hai của Việt Nam về vấn đề này ở Hạ viện Mỹ trong vòng hai năm qua.

Mở đầu bài phát biểu trước gần 100 người, ông Ngô Quang Xuân nói phiên điều trần là một cơ hội để phía Việt Nam một lần nữa nêu lên những hậu quả của hóa chất da cam ở Việt Nam cũng như tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đồng thời là đồng chủ tịch của Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất da cam/dioxin nói rằng buổi điều trần diễn ra trong bối cảnh ‘quan hệ Việt Mỹ phát triển tốt trên nhiều lĩnh vực’ về cả chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế.

Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng vấn đề hóa chất da cam thường bị ‘bị đặt ra ngoài lề trong các cuộc thảo luận song phương’ dù hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại kể từ khi bình thường hóa quan hệ.

Vị cựu đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng mối quan hệ Mỹ-Việt không thể phát triển toàn diện nếu vấn đề hóa chất da cam không được giải quyết một cách thấu đáo.

Tuy nhiên, trả lời riêng phóng viên VOA Việt Ngữ bên lề buổi chất vấn, ông Scot Marciel, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Các vấn đề Đông Nam Á kiêm Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, nói ông ‘không nghĩ quan hệ hai bên đang đối mặt với bất kỳ trở ngại cụ thể nào’.

Ông Scot Marciel nói: “Tôi nghĩ Mỹ hiện có một mối quan hệ toàn diện với Việt Nam. Chúng tôi hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hai nước đã thường xuyên thảo luận một loạt các vấn đề, trong đó có hóa chất da cam. Nếu chính quyền Việt Nam muốn trao đổi về vấn đề này, chúng tôi luôn sẵn sàng. Nếu người Việt Nam bị tàn tật và gặp các vấn đề về sức khỏe, chúng tôi sẽ gắng giúp đỡ, cho dù chuyện đó không liên quan tới hóa chất da cam.”

Chính phủ Mỹ mới đây đã tăng gấp đôi ngân khoản (từ 3 triệu lên 6 triệu đôla) để giúp Việt Nam giải quyết hậu quả của chất da cam từ thời Chiến tranh Việt Nam, nhất là ở thành phố Đà Nẵng. Ông Xuân nhận định với phóng viên VOA Việt Ngữ rằng đó là một quyết định ‘rất đáng khích lệ,’ nhưng ông đồng thời cho rằng việc giải ngân khoản trợ giúp này ‘hơi chậm.’

Ông Ngô Quang Xuân nói: “Đây là hợp tác trong một lĩnh vực rất nhạy cảm liên quan tới nhiều bên nên thủ tục không đơn giản. Tôi cho giai đoạn đầu cũng có những lúng túng. Hy vọng là việc giải ngân sẽ tốt hơn vì kể cả khoản 3 triệu từ năm 2007 mà tới bây giờ mới giải ngân được hơn một triệu thì quả thật là hơi chậm. Thế nên tôi hy vọng rằng một khi đã có cơ sở thực tế và hiểu biết lẫn nhau thì việc giải ngân sẽ tốt hơn.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Ngô Quang Xuân cũng cho rằng Việt Nam cần khoảng 14 triệu đôla để làm sạch một căn cứ quân sự trước đây của Mỹ ở Đà Nẵng. Trong khi đó, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Marciel cho biết hiện Mỹ vẫn chưa xác định được cụ thể về hậu quả mà hóa chất da cam để lại ở Việt Nam.

Về ý kiến của ông Xuân cho rằng khoản hỗ trợ của Mỹ 'giải ngân chậm', ông Marciel cho biết 'cần phải mất thời gian vì có rất nhiều các vấn đề kỹ thuật' cũng như phía Mỹ 'muốn tham vấn từ nhiều phía'. Ông cũng cho hay rằng phía Mỹ đang tiến hành triển khai các dự án với ngân khoản ba triệu đôla mới được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.

Ông Scot Marciel nói: "Chúng tôi đã thông qua ngân khoản đầu tiên là ba triệu đôla, trong đó đã giải ngân 1,5 triệu đôla. Trên hết, chúng tôi muốn phối hợp với đối tác Việt Nam. Chúng tôi không muốn đơn phương hành động. Chúng tôi muốn tham kiến với chính quyền Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ để có thể đạt được sự đồng thuận và hỗ trợ cho những việc chúng tôi đang thực hiện.”

Hồi tháng Ba vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định không xem xét đơn kiện các công ty Mỹ sản xuất chất hóa học thời kỳ Chiến tranh Việt Nam mà các nạn nhân chất da cam người Việt đã theo đuổi nhiều năm qua.

Ông Ngô Quang Xuân nói: “Giải quyết hậu quả chiến tranh chủ yếu là [nhiệm vụ] chủ yếu của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nhưng nhiệm vụ này lớn và yêu cầu nhiều mặt từ nghiên cứu khoa học cho tới hỗ trợ tài chính và vật chất cho người dân. Vậy nên, tôi nghĩ nên phía Mỹ nên có trách nhiệm đóng góp giải quyết vấn đề nhân đạo sau Chiến Tranh Việt Nam. Sự kỳ vọng của người dân, nhất là các nạn nhân da cam, vào các hoạt động của hai bên là lớn. Chuyện đáp ứng sự kỳ vọng này chúng tôi vẫn đang tiếp tục bàn thảo để có nhận thữc rõ ràng về đóng góp và hỗ trợ ngày càng lớn hơn.”

Ông Ngô Quang Xuân nói với VOA Việt Ngữ rằng những người chịu ảnh hưởng của hóa chất da cam đang 'kỳ vọng vào chính quyền của Tổng thống Obama'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG