Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hãy xem xét một cách cởi mở đến vụ quân đội đàn áp những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989, và phải đưa ra một bản báo cáo công khai những người bị giết hại, mất tích hay bị giam cầm. Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra các biến cố ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Trung Quốc nên dành mức độ ưu tiên cho vấn đề nhân quyền ngang bằng với cải cách kinh tế. Từ Bộ ngoại giao Thông tín viên đài VOA David Gollust có bài tường trình chi tiết sau đây.
Tuyên bố lần này của Hoa Kỳ có những lời lẽ mạnh mẽ hơn những tuyên bố trong các lễ kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn những năm trước đây, và được công bố nhân danh Ngoại trưởng Clinton, người đã bị chỉ trích hồi đầu năm nay vì dường như đã coi nhẹ vấn đề nhân quyền trước chuyến thăm Trung Quốc.
Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề công cộng, ông P.J. Crowley đã đọc tuyên bố này tại phiên họp thường nhật của bộ ngoại giao thay mặt bà Clinton, hiện đang trên đường từ Honduras tới Ai Cập để tham dự buổi đọc diễn văn của Tổng thống Barack Obama ở Cairo về quan hệ giữa Hoa Kỳ và thế giới hồi giáo.
Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc hãy ghi nhớ và suy ngẫm về điều mà tuyên bố này viết là 'sự thiệt mạng bi thảm của hàng trăm người vô tội' trong chiến dịch đàn áp quân sự nhắm vào những người biểu tình, và nói rằng Trung Quốc nên giải quyết những gì đã diễn ra một cách cởi mở.
Một nước Trung Quốc đã đạt được tiến bộ to lớn về kinh tế và đang nổi lên để nắm giữ vị thế lãnh đạo quan trọng trên toàn cầu thì nên xem xét đến những vụ việc đen tối trong quá khứ một cách cởi mở và đưa ra một báo cáo chính thức về những người đã bị giết hại, bắt giữ hay mất tích – vừa để học hỏi vừa để hàn gắn. Lễ kỷ niệm này đem đến cho giới hữu trách Trung Quốc một cơ hội để trả tự do cho tất cả những ai còn bị cầm tù vì liên quan đến những sự kiện xung quanh ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngưng sách nhiễu những người tham gia biểu tình và khởi động các cuộc đối thoại với gia đình các nạn nhân. Tuyên bố nói rằng Trung Quốc nên tưởng nhớ đến ngày này bằng việc dành cho pháp trị, cho việc bảo vệ nhân quyền và phát triển dân chủ mức ưu tiên ngang với mức đã được dành cho cải cách kinh tế.
Bà Clinton đã bị các tổ chức nhân quyền và nhiều người chỉ trích hồi tháng hai bởi trước chuyến thăm Trung Quốc với tư cách là Ngoại trưởng bà đã nói rằng sự cổ vũ của Hoa Kỳ cho nhân quyền ở Trung Quốc không thể 'gây trở ngại' cho cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các vấn đề quan trọng trong đó có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.
Khi được hỏi về vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Crowley nói rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa tuyên bố ngày hôm nay với những lời phát biểu trước đây của bà Clinton và ông nói rằng nhân quyền là một 'yếu tố cơ bản' trong chương trình nghị sự có rất nhiều vấn đề của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Ông Crowley nói: "Đó là vấn đề tối quan trọng trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng Ngoại trưởng muốn gửi đi một thông điệp rằng chúng ta không hành động theo một khuôn mẫu nhất định về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi sẽ nêu vấn đề này khi phù hợp với từng quốc gia có vấn đề về nhân quyền. Mặc dù vậy ngoại trưởng muốn đảm bảo rằng chúng tôi giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả nhất. Và trong một số trường hợp vấn đề này sẽ được đề cập đến một cách công khai, trong trường hợp khác sẽ kín đáo và một số trường hợp thì bằng cả hai cách."
Trả lời các câu hỏi, ông Crowley nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama công nhận Trung Quốc đã có những tiến bộ trong các lãnh vực có liên quan đến nhân quyền kể từ năm 1989, trong đó có việc bài trừ tham nhũng và bảo vệ tác quyền, nhưng ông cũng cho rằng cải cách chính trị của Trung Quốc chưa bắt kịp với tiến bộ về kinh tế.
Về các tin tức liên quan đến việc các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc chặn một số dịch vụ Internet để ngăn chặn không cho người dân thảo luận về lễ kỷ niệm vụ Thiên An Môn, ông cũng biểu lộ sự thông cảm rằng nhiều người Trung Quốc không biết nhiều đến sự kiện năm 1989 và nói rằng Hoa Kỳ 'muốn thấy một nước Trung Quốc sẵn sàng học hỏi từ lịch sử thay vì tìm cách che dấu lịch sử'.
Đọc nhiều nhất
1