Đường dẫn truy cập

Bà Suu Kyi ra đối chất trước tòa


Một nhóm các chính trị gia Đông Nam Á đang kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đình chỉ tư cách thành viên của Miến Điện nếu nước này từ chối không phóng thích nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi. Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi ra tòa để chống lại các cáo trạng có thể khiến bà phải chịu án tù 5 năm. Từ Văn phòng Đông Nam Á của đài VOA, thông tín viên Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Bà Aung San Suu Kyi tuyên bố bà vô tội khi được kêu ra đối chất trước tòa hôm nay.

'Vị phu nhân' – tên gọi mà các ủng hộ viên đặt cho bà – đang bị đưa ra tòa vì tội vi phạm các điều khoản trong lệnh quản thúc tại gia.

Phiên tòa đã bị nhiều người lên án là một cái cớ để tiếp tục giam cầm khôi nguyên giải Nobel hòa bình này và càng ngày càng có nhiều áp lực đòi phóng thích bà.

Tiểu ban Liên quốc hội ASEAN đặc trách vấn đề Myanmar của ASEAN hôm nay kêu gọi áp đặt các biện pháp chế tài gắt gao hơn đối với Miến Điện, kể cả việc đình chỉ tư cách thành viên của nước này trong tổ chức khu vực.

Ông Charles Chong là một nhà lập pháp Singapore và là một thành viên của tiểu ban. Ông nói với các ký giả ở Bangkok rằng đối phó với Miến Điện đã khiến ASEAN sa lầy, và gây khó khăn cho tổ chức này hoàn thành bất cứ công tác nào.

Ông Chong nói: “Ngày càng có nhiều nhà lập pháp bên trong ASEAN bắt đầu mất kiên nhẫn đối với Miến Điện. Và chúng tôi kêu gọi các chính phủ của chúng tôi phải hành động nhiều hơn là chỉ bầy tỏ sự bất mãn, hối tiếc, quan tâm sâu sắc vân vân, và phải cứu xét một cách nghiêm túc việc đình chỉ tư cách thành viên ASEAN của Miến Điện.”

Theo dự kiến, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị kết án tù từ 3 đến 5 năm vì đã cho phép một người đàn ông Mỹ kỳ quặc, đã lẻn vào nhà bà, ở lại đó 2 đêm mà không được phép chính thức.

Trước phiên tòa hôm nay, bà thừa nhận rằng đã cho người đàn ông tên là John Yettaw này tạm trú, nhưng không nhận là đã vi phạm luật pháp.

Chính phủ quân nhân Miến Điện đã đặt nhân vật nổi tiếng tranh đấu cho dân chủ này trong tình trạng quản thúc tại gia 13 năm trong thời gian 19 năm qua.

Việc bà bị quản thúc đã bị chỉ trích lâu nay và sẽ hết hạn vào ngày mai.

Nhưng một phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện hôm nay nói với các ký giả và các nhà ngoại giao rằng còn 6 tháng nữa lệnh quản thúc mới hết hạn.

Cũng ngày hôm nay, những người tranh đấu cho nhân quyền Miến Điện cho biết họ đã thu thập được hơn 600 ngàn chữ ký từ 220 quốc gia kêu gọi Liên hiệp quốc nên cứng rắn với Miến Điện.

Ông Khin Omar thuộc tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ ở Miến Điện cho biết: “Những tiếng nói đang kêu gọi ông Ban Ki-moon rằng ông không được chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn là việc phóng thích tức thời và vô điều kiện bà Aung San Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị, kể cả những người lãnh đạo thuộc tất cả các sắc tộc khác.”

Tưởng cũng cần nhắc lại là Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong các cuộc bầu cử năm 1990 nhưng không hề được phép lên nắm quyền.

Quân đội Miến Điện sau đó đã đặt lãnh tụ của Liên Minh trong tình trạng quản thúc tại gia và họa hoằn mới cho phép bà ra ngoài.

Một cuộc bầu cử mới dự trù sẽ được tổ chức vào năm 2010 trong khuôn khổ 'lộ đồ dân chủ' của Miến Điện, nhưng người ta cho rằng cuộc bầu cử này chỉ là một sự giả trá để quân đội tiếp tục nắm quyền.

Các nhà lập pháp ASEAN cho rằng ASEAN đã thất bại không thúc đẩy được Miến Điện và có thể cần phải cứu xét các biện pháp chế tài để làm áp lực đòi Miến Điện thực hiện các thay đổi dân chủ.

Nhóm này gồm các nhà lập pháp của các nước thành viên ASEAN như Kampuchea, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG