Đường dẫn truy cập

Phúc trình Harvard kêu gọi điều tra chính phủ Miến Ðiện


Một phúc trình của Trường Đại Học Luật Khoa Harvard nhiều uy tín ở tiểu bang Massachusets nói rằng phải mở cuộc điều tra đối với chính phủ quân nhân Miến Điện về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Phúc trình vừa kể được đưa ra vào lúc tiếp tục vụ xét xử nhà lãnh đạo phe dân chủ Miến Điện đang bị cầm tù là bà Aung San Suu Kyi. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Phúc trình do Cuộc Hội thảo về Nhân quyền Quốc tế của Trường Đại Học Luật Khoa Harvard công bố nói rằng, có những chỉ dấu cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền tại Miến Điện tràn lan khắp nơi, có hệ thống, và nằm trong chính sách của nhà nước.

Phúc trình mang tên 'Tội Ác tại Miến Điện' nói rằng những vi phạm này có thể coi như tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh.

Dựa hoàn toàn trên những công trình phân tích hồ sơ của Liên Hiệp Quốc trong 15 năm, phúc trình vừa kể ghi nhận những hành vi lạm dụng tính dục bằng bạo động, những vụ ép buộc dời cư, những vụ tra tấn và giết hại không cần xét xử.

Ông Tyler Giannini là Giám đốc chương trình Hội thảo về nhân quyền tại trường đại học Harvard và cũng là người biên soạn phúc trình này nói rằng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nên điều tra Miến Điện cũng như đã điều tra những vi phạm nhân quyền tương tự tại Nam Tư cũ và Darfur.

Ông Giannini cho biết: "Con số các làng mạc bị tấn công và phá hủy tại Darfur có thể đem so sánh với các làng mạc tại miền Đông Miến Điện đã bị phá hủy. Báo Cáo Viên Đặc Biệt về tình hình nhân quyền tại Miến Điện đã phát hiện ra rằng, dựa trên những nguồn tin độc lập và đáng tin cậy, kể từ năm 1996 tới nay đã có hơn ba ngàn làng tại miền Đông Miến Điện phải dời cư hoặc bị phá hủy. Đây là con số rất đáng kể."

Phúc trình này nói rằng, trong nhiều năm qua, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã nói lên những vi phạm nhân quyền của Miến Điện, nhưng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không thúc đẩy tiến trình này.

Năm chuyên gia luật pháp quốc tế được giao nhiệm vụ thực hiện phúc trình này, vài người trong số họ đã từng phục vụ trong vai trò công tố viên và thẩm phán tại các tòa án hình sự quốc tế tại các nước Nam Tư cũ và Rwanda.

Các nhà lãnh đạo chính phủ quân nhân Miến Điện đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng của quốc tế khi vụ xét xử thần tượng dân chủ Aung San Suu Kyi tiếp diễn.

Ông Giannini nói rằng phúc trình này được đưa ra đúng lúc khi vụ xét xử bà Suu Kyi lại một lần nữa đem lại sự chú ý đối với những vi phạm nhân quyền ở bên trong lãnh thổ Miến Điện.

Ông Giannini nói thêm: “Ngoài việc đàn áp và những cáo trạng giả dối gán cho bà Suu Kyi, đã đem lại thêm bằng chứng về những vi phạm nhân quyền của chế độ quân nhân Miến Điện và những hạn chế các quyền tự do cơ bản đối với tất cả nhân dân nước họ, một cuộc nghiên cứu như vậy sẽ nêu bật cho Hội Đồng Bảo An thấy rằng ngoài các vấn đề chính trị tại Miến Điện cũng còn những vấn đề liên quan tới khả năng vi phạm luật hình sự quốc tế.”

Bà Aung San Suu Kyi bị truy tố về tội vi phạm quy tắc giam giữ tại nhà, là nơi bà bị giam hầu hết thời gian 19 năm qua, và có thể bị kết án 5 năm tù.

Những cáo trạng vừa kể đã bị nhiều nơi trên thế giới lên án và coi đó là một cái cớ để tiếp tục giam giữ nhân vật được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình này.

Đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng chính phủ quân nhân đã không đếm xỉa tới kết quả cuộc bầu cử và đã áp dụng lệnh giam giữ tại nhà đối với bà.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG