Kho bạc nhà nước Việt Nam đã không thể huy động được thêm ngân sách thông qua việc phát hành trái phiếu trong năm nay, khiến nhiều người quan ngại về việc Hà Nội sẽ làm cách nào để bù vào khoản thâm hụt ngân sách có thể lên tới gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo bản tin hôm thứ Tư của Reuters thì trong một nỗ lực nhằm đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn kinh tế đã khiến tỉ lệ tăng trưởng GDP trong quí đầu giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua, chính phủ đã loan báo một gói kích cầu kinh tế trị giá khoảng 8 tỉ đô la.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã khiến các nguồn thu chính như nguồn thu từ dầu thô và thuế giảm mạnh, làm dấy lên quan ngại là làm thế nào để có thể bù đắp vào sự thiếu hụt này.
Các nền kinh tế Đông Nam Á khác cũng đang phải đối mặt với sự thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng do chi tiêu tăng cao và thu nhập giảm dần, tuy nhiên nếu so với Việt Nam thì mức độ thâm hụt của những nước này vẫn còn khá thấp hơn.
Philippines và Indonesia là hai nước đã huy động được vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế trong năm nay để bù vào các khoản thiếu hụt ngân sách và cả hai nước dự báo khoản thiếu hụt trong năm nay chỉ vào khoảng 2,5% trên tổng GDP.
Ông Benedict Bingham của Quĩ Tiền tệ Quốc Tế cho rằng cần có một số điều chỉnh trong chiến lược tài khoá trong năm 2009 để kiềm chế mức thâm hụt và đảm bảo sự ổn định về kinh tế vĩ mô.
Cho tới thời điểm này thì Hà Nội mới bán được 236 triệu đô la trái phiếu với cả hai loại mệnh giá tiền đồng và tiền đô la, con số này chỉ chiếm một phần nhỏ so với mục tiêu huy động ngân sách của chính phủ là 3,11 tỉ đô la, theo như số liệu của báo Nhân Dân hồi tháng Ba.
Một loạt các đợt đấu thầu trái phiếu đã không thành công trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm 20% xuống còn 86,27 ngàn tỉ đồng trong quí một năm nay.
Ông Khalil Belhimeur, nhà chiến lược về thu nhập cố định của ngân hàng Standard Chartered cho rằng vấn đề khó khăn nhất là Việt Nam có thể duy trì được mức thiếu hụt này trong bao lâu và rõ ràng là Việt Nam đang cần thêm ngân sách.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng chính phủ đang phải đối mặt với một vụ khủng hoảng ngân sách. Phân tích gia Kim Eng Tan của tổ chức Standard & Poor's ước tính rằng khoảng 1/5 ngân khoản trong gói kích cầu 8 tỉ đô la đã được đưa vào ngân sách hoặc không cần phải chi ngay tiền mặt vào lúc này.
Trưởng Đại diện Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi nói với hãng thông tấn Reuters rằng Việt Nam cũng có thể huy động thêm khoảng 1 tỉ đến 1,5 tỉ đô la từ các nước cấp viện hoặc đẩy nhanh quá trình giải ngân những khoản cấp viện đã có sẵn.
Ông cũng nói thêm rằng hầu hết các biện pháp trong gói kích cầu kinh tế là những biện pháp tạm thời và sẽ không có ảnh hưởng nhiều trong tương lai.
ADB cũng dự báo mức thâm hụt trong năm tới sẽ là 5%. Ông nói rằng ADB không thực sự lo ngại lắm về tình trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam, tuy nhiên chắc chắn là cần phải có sự quản lý tài chính thận trọng hơn.