Đường dẫn truy cập

Quốc tế tăng sức ép để Miến Ðiện trả tự do cho bà Suu Kyi


Cộng đồng quốc tế đang tăng sức ép để yêu cầu chính phủ Miến Điện trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Nhưng các nhà hoạt động dân chủ và các chính trị gia đối lập cho rằng áp lực của quốc tế cần được phối hợp mới mong có hiệu quả. Thông tín viên Ron Corben tường trình cho đài VOA về vấn đề này như sau:

Bà Aung San Suu Kyi đang bị biệt giam trong nhà tù Insein ở Rangoon. Bà bị cáo buộc là đã vi phạm lệnh quản thúc tại gia vì một người Mỹ đã bơi qua một cái hồ để vào tư gia của bà và đã ở lại đó qua đêm. Người này là ông John Yettaw, ông bị bắt khi rời tư gia bà Suu Kyi và sắp tới đây sẽ bị mang ra tòa xét xử.

Hành động của ông Yettaw làm nhiều nhà hoạt động chính trị Miến Điện phẫn nộ vì tác động của nó đối với chế độ quản thúc tại gia của bà Aung San Suu Kyi.

Họ nói nếu chuyện này không xảy ra, thì có cơ may bà có thể được trả tự do, bởi vì lệnh quản thúc sắp hết hạn trong tháng này.

Hôm thứ Sáu, tại Bangkok, các nhà hoạt động chính trị ủng hộ dân chủ cho Miến Điện nói quốc tế cần phải phối hợp hành động để yêu cầu Nhà chức trách trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và hơn 2 ngàn tù chính trị khác.

Một trong các nhà hoạt động chính trị này là bà Thin Thin Aung, trong ban chấp hành của Liên đoàn Phụ nữ Miến Điện.

Bà Thin Thin Aung nói: “Cộng đồng quốc tế phải lên tiếng và hành động tức thời, quyết liệt để đánh đi một tín hiệu đến chính quyền quân sự Miến Điện, để họ thấy rằng không thể nào tiếp tục hành động phản dân chủ và vi phạm các quyền cơ bản đối với bà Aung San Suu Kyi và những tù nhân chính trị khác mà không sợ bị trừng phạt.”

Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp và một số nước khác đã lên án vụ chính quyền Miến Điện bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, người đã được trao giải Nobel hòa bình năm 1991.

Hôm thứ Sáu, các nhà hoạt động kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp và đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hãy đến Miến Điện để nói chuyện với giới cầm quyền quân sự tại đó.

Các nhà hoạt động này nói rằng giới lãnh đạo quân sự Miến Điện đã khai thác hành động xâm nhập của ông Yettaw làm cái cớ để kéo dài thời gian quản thúc, khiến cho bà Aung San Suu Kyi và các thành viên trong nhóm của bà không thể tham gia cuộc bầu cử năm 2010.

Trong khi đó, các nhóm tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử đó chỉ là một cơ hội để nhà cầm quyền quân sự tiếp tục nắm quyền, thông qua một quốc hội được gọi là bầu lên.

Thái Lan, nước đang giữ chức Chủ Tịch ASEAN bày tỏ quan tâm về tình hình Miến Điện và kêu gọi chính phủ Miến Điện hãy tôn trọng tiến trình dân chủ.

Ông Kraisak Choonhavan là một đại biểu Quốc hội Thái Lan và là Chủ Tịch của Ủy ban các đại biểu dân cử thuộc các nước ASEAN quan tâm đến Miến Điện. Ông nói cộng đồng quốc tế cần có hành động quyết liệt, kể cả việc khởi tố giới lãnh đạo quân sự tại Miến Điện.

Ông Kraisak nói: Chúng ta đã có bằng chứng. Sự kiện bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ và đưa ra trước tòa án quân sự là bằng chứng cho thấy cần phải lên án chế độ Miến Điện. Chúng ta cần cho chính quyền này thấy rằng đây không phải là một cách hành sử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Các nước khác trong khối ASEAN cũng bày tỏ quan tâm, trong một hành động được coi là hiếm thấy, bởi vì các nước ASEAN vẫn chủ trương không bình luận về các vấn đề nội bộ của các hội viên.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG