Đường dẫn truy cập

Hình ảnh người mẹ qua cái nhìn của các nhà làm phim


Ngày chủ nhật tuần này là 'Ngày của Mẹ' ở nước Mỹ và một số nước khác. Thông tín viên Jerilyn Watson của đài VOA có bài viết ghi lại hình ảnh những người Mẹ qua con mắt của những nhà làm phim và chương trình TV qua nhiều giai đoạn. Bài viết cũng so sánh hình ảnh những người Mẹ trong các bộ phim của Hollywood đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Mời quí vị cùng theo dõi thêm chi tiết với Minh Anh qua Câu chuyện Phụ nữ kỳ này

Ở Hoa Kỳ và một số nước khác, ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 được chọn làm Ngày của Mẹ.

Hồi đầu thập niên 1990, một phụ nữ có tên Anna Jarvis đã bắt đầu một chiến dịch vinh danh những người mẹ ở Mỹ. Bà đã nói chuyện với bạn bè và bạn của bạn bè. Bà viết thư gửi cho các dân biểu, các nhà lãnh đạo địa phương, các vị giáo viên và các nhà xuất bản báo chí.

Cuối cùng Tổng thống Woodrow Wilson đã ký một quyết định vào tháng 5 năm 1914 chính thức công nhận Ngày của Mẹ.

Bà Anna Jarvis tin rằng những người mẹ nên được vinh danh với tình yêu và lòng tôn kính.

Giáo sư Robert Thompson tại Đại học Syracuse ở New York là một chuyên gia về văn hoá phổ thông của Mỹ. Ông nói rằng cách nay 50 hay 60 năm thì hình ảnh những người mẹ trên các phương tiện truyền thông là hình ảnh những người mẹ được gọi là hoàn hảo.

Đây là hình ảnh một người phụ nữ dành trọn thời gian của mình cho chồng con. Nhiều người phụ nữ trong xã hội đã phải chịu áp lực để cố gắng để trở thành mẫu người mẹ như vậy.

Cũng giống như nhiều nhà quan sát khác, giáo sư Thompson lấy ví dụ về một hình tượng người mẹ có tên June Cleaver trong loạt phim truyền hình chiếu hồi những năm 1957 tới năm 1963 mang tên 'Leave It to Beaver'.

Gia đình nhà Cleaver là một gia đình hạnh phúc. Bà June Cleaver luôn dành thời gian và sự kiên nhẫn cho hai cậu con trai Wally và 'Beaver'. Tên thật của cậu thứ hai là Theodore. Và nếu như có bất cứ vấn đề gì mà bà không làm được thì chồng bà thường giúp bà giải quyết ngay.

Cũng có một trường hợp như vậy trong loạt show truyền hình hồi những năm 1950. Show này có tên 'Father Knows Best' (Cha là người Biết rõ nhất).

Một hình ảnh khác có thể thấy trong phim như phim điện ảnh 'I Remember Mama'. Bộ phim lấy bối cảnh San Francisco, California, vào năm 1910.

Bộ phim kể về một gia đình đến từ Na Uy. Gia đình Hanson là một gia đình nghèo và họ đã phải chật vật kiếm sống để tồn tại trên quê hương mới.

Mẹ Hanson, do nữ diễn viên Irene Dunne đóng, không được học hành gì nhiều, nhưng bà rất biết cách đối nhân xử thế.

Người mẹ không thích tới ngân hàng để vay tiền. Nhưng bà vẫn nhận biết được tầm quan trọng của việc đi học. Dưới đây là phần đối thoại của người mẹ và gia đình bà khi họ đang ngồi quanh bàn và đếm tiền.

Người mẹ nói: "Ồ, đây là tất cả số tiền kiếm được tuần này, tốt rồi, vậy là chúng ta không phải đi vay tiền ngân hàng nữa."

Con trai: "Mẹ à, tháng tới con sẽ tốt nghiệp trường Valley. Con có thể học tiếp trung học được không mẹ?"

Mẹ: "Con muốn học tiếp trung học ư?"

Con trai: "Dạ, con muốn, rất muốn nếu mẹ nghĩ là con có thể học tiếp"

Mẹ: "Ðiều đó tốt thôi"

Bộ phim 'I Remember Mama' đã mang lại cho nữ diễn viên Irene Dunne một đề cử giải thưởng Hàn lâm Điện ảnh cho vai nữ xuất sắc nhất vào năm 1948.

Qua năm tháng, các bà mẹ Mỹ nói riêng và phụ nữ Mỹ nói chung trở nên độc lập hơn, ngày càng nhiều bà mẹ không còn ở nhà làm nội trợ mà đã ra ngoài xã hội làm việc. Họ tự quyết định điều đó hoặc do nhu cầu về tài chính, hoặc do cả hai lý do.

Chuyên gia văn hoá Robert Thompson nói rằng những sự thay đổi này có thể được thấy trong phim ảnh cũng như trên truyền hình. Ví dụ như hình ảnh những phụ nữ làm y tá, làm giáo viên, những công việc này thường được nhiều phụ nữ lựa chọn trong đời thực.

Tuy nhiên, ngày nay cho bất cứ công việc mới nào được đưa lên phim ảnh hay truyền hình thì hình ảnh những người mẹ vẫn là vô tận. Một trong số đó là hình ảnh một bà mẹ bảo vệ con cái thái quá, người đã can thiệp quá nhiều vào đời sống của con mình, thậm chí ngay cả khi người con đã trưởng thành.

Diễn viên Diane Keaton đóng vai một bà mẹ như vậy, một bà mẹ độc thân có tên Daphne, trong bộ phim có tên 'Because I Said So' được sản xuất năm 2007, diễn viên Mandy Moore vào vai cô con gái.

Cuốn phim năm 1979 'Kramer vs. Kramer' đã gây được nhiều sự chú ý. Phim đề cập đến vấn đề làm cha mẹ và các mối quan hệ trong xã hội hiện đại. Meryl Streep vào vai một người phụ nữ tên Joanna Kramer, người đã bỏ chồng vì người chồng đã không dành thời gian cho bà và cho cậu con trai. Dustin Hoffman thủ vai người chồng Ted Kramer.

Sau khi vợ bỏ đi, ông đã phải tìm cách cân bằng giữa công việc bận rộn và việc nuôi dạy cậu con trai một mình. Sau đó vợ ông đã ra toà và đòi quyền nuôi con. Bà đã thắng trong cuộc tranh giành quyền nuôi con trước toà giữa ông Kramer và bà Kramer. Tuy nhiên, cuối cùng thì bà quyết định rằng cậu con trai ở với cha thì sẽ tốt hơn.

Cuốn phim đoạt 5 giải thưởng Hàn lâm Điện ảnh trong đó có giải hình ảnh đẹp nhất. Nam tài tử Dustin Hoffman cũng đoạt giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất và nữ tài tử Meryl Streep đoạt giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Trong nhiều năm liền, hầu hết các ngôi sao điện ảnh và truyền hình dù là nam hay nữ tài tử thì đều là người da trắng. Các nhà hoạt động cho rằng thành viên của các nhóm sắc dân thiểu số vẫn chưa được đại diện đầy đủ.

Tuy nhiên, những thành tích xã hội mà các nhóm sắc dân thiểu số đã đạt được trong những năm 1960 và những năm 1970 đã mở đường cho các show truyền hình như 'The Jeffersons'. Đây là một show hài trên kênh truyền hình CBS từ năm 1975 đến 1985. Show này nói về một gia đình da đen mới trở nên giàu có và vừa dọn đến ở tại một toà nhà chọc trời ở New York với hầu hết láng giềng là người da trắng.

Một trong những show truyền hình nổi tiếng nhất là show 'The Cosby Show', trên kênh NBC từ năm 1984 đến năm 1992. Trong đó có ngôi sao Bill Cosby trong vai Cliff Huxtable và Phylicia Rashad trong vai người vợ tên Clair.

Ông Cliff là một bác sĩ và người vợ ông là luật sư. Gia đình nhà Huxtable là một gia đình người Mỹ gốc Phi châu thành đạt và tràn đầy tình yêu thương. Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hoá Robert Thompson thì người vợ, bà Clair Huxtable thường được nhắc đến trong vai trò là người mẹ và người vợ hơn là vai trò một luật sư thành đạt.

'Mississippi Masala' là một trong những bộ phim năm 1991 về một gia đình người Ấn Độ bị trục xuất khỏi Uganda khi Idi Amin lên nắm quyền. Gia đình này sống ở Mississippi.

Con gái họ là Meena đang yêu một chàng trai da đen có tên Demetrius, do Denzel Washington thủ vai. Gia đình đã kịch liệt phản đối mối quan hệ này.

Gia đình quyết định trở về Uganda, tuy nhiên Meena không muốn đi. Cô gọi điện thoại cho cha mẹ và nói với họ rằng cô đang bỏ nhà đi với Demetrius. Mẹ cô, do Sharmila Tagore đóng vai, nhận ra rằng họ cần phải để con gái họ tự quyết định cuộc sống riêng của cô.

Mẹ: 'Meena?'

Meena: "Mẹ, con sẽ không về nhà đâu. Con xin lỗi, nhưng con không thể đi Uganda được. Con sẽ làm gì ở đó?"

Cha: "Con đang ở một mình à?"

Meena: "Dạ không, con đang ở với Demetrius. Ba ơi, Ba có ở đó không? Mẹ con xin lỗi, con thực sự xin lỗi. Sao ba lại gác máy?

Mẹ: "Mẹ sẽ nói chuyện với ba con..."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG