Đường dẫn truy cập

Cố ký giả Sri Lanka Wickrematunge được tặng giải Tự do Báo chí


Ông Lasantha Wickrematunge, ký giả Sri Lanka đã quá cố, vừa được tặng thưởng giải Tự Do Báo Chí. Trong hội nghị tại Qatar quốc gia vùng Vịnh, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNESCO, đã nhấn mạnh về việc các ký giả cần phải được làm việc trong một môi trường hoàn toàn không có sự áp bức. Thông tín vien Mandy Clark gửi về đài VOA bài tường thuật sau đây.

Cô Natali Samarasinghe cháu gái ông Lasantha Wrickrematunge đã đại diện chú mình nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí Thế giới. Vị ký giả Sri Lanka quá cố từng là một ngòi bút phê phán thẳng thắn hành động quân sự của chính phủ nước này. Ông đã bị sát hại hồi tháng Giêng.

Ông biết rõ là việc làm của mình sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và thậm chí còn dự phòng viết sẵn một bài xã luận để đăng tải trong trường hợp ông bị giết hại.

Trong bài này, ông đã giãi bày rằng, chính tiếng nói của lương tâm đã không cho phép ông dừng bước.

Khi lên nhận giải, cháu gái ông đã đọc lời nhắn của người vợ góa của chú cô vì bà đã không thể tới nhận giải.

Cô Natali Samarasinghe nói: “Khi vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của ông như quí vị đã làm hôm nay, quí vị đã gửi một thông điệp quan trọng cho những kẻ chuyên chế khắp nơi, rằng giết chết một sứ giả không phải là một giải pháp. Người ta không thể dùng sức mạnh và ngay cả cái chết để trấn át tinh thần con người, vì vậy dù đã chết, nhưng tên tuổi của Lasantha trên Google vẫn lôi cuốn nhiều hơn là Thủ tướng Sri Lanka.”

Cô Hajar Smouni thuộc Trung tâm Tự do Báo chí Doha. Cô nói cô hy vọng rằng giải thưởng sẽ giúp cải thiện công việc truyền thông tại Sri Lanka.

Cô Smouni nói: “Vinh danh những vị anh hùng địa phương là điều rất quan trọng, vì Lasantha chính là một vị anh hùng theo cách của ông. Điều này rất quan trọng cho gia đình ông, cho đồng nghiệp của ông và cũng cho tự do báo chí tại Sri Lanka.”

Hội nghị về Tự do Báo chí của UNESCO, được tổ chức tại Qatar, và cũng là lần đầu tiên tại 1 quốc gia Ả rập. Hội nghị bàn thảo về những hiểm họa mà các ký giả phải đương đầu trong lãnh vực của họ.

Theo UNESCO thì hơn 1 ngàn ký giả đã bị giết trong lúc thi hành nghĩa vụ trong thập niên vừa qua. Và 95% những tội ác nhắm vào các ký giả đã không bị xử lý.

Cô Sihem Bensedrin, ký giả người Tunisi cho biết cô từng bị đánh đập, tra tấn và cầm tù, nhưng cô nói bạo hành vẫn chưa phải là hiểm họa lớn nhất đối với ký giả.

Cô cho rằng mối hiểm nguy lớn nhất cho phóng viên ký giả là không thể làm việc được. Cô nói, được thông tin cũng quan trọng như là ăn uống vậy, Bensedrin nói đó là một quyền cơ bản mà cô sẽ đem mạng sống ra để bảo vệ.

Nữ ký giả này nói thêm, giết hại ký giả là một hình thức kiểm duyệt tệ hại nhất và cô hy vọng giải Tự do Báo chí của UNESCO không những nêu bật vụ sát hại Wickrematunge mà còn phát huy một truyền thống bảo vệ đối với giới truyền thông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG