Đường dẫn truy cập

Số lượng vũ khí qui ước nhập vào TQ giảm


Một bản phúc trình mới công bố cho biết Trung Quốc đã giảm bớt số lượng vũ khí qui ước nhập vào nước này trong những năm gần đây. Xu hướng này diễn ra trong lúc có những mối quan ngại gia tăng, rằng Bắc Kinh đang cố gắng triển khai công nghiệp và khả năng vũ khí nội địa của mình. Thông tin vừa kể nằm trong một bản phúc trình mới của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Thế Giới Stockholm, là cơ quan quan sát về hoạt động di chuyển vũ khí trên thế giới. Mời quí vị theo dõi bài tường trình của thông tín viên đài VOA Stephanie Ho gởi về từ Bắc Kinh.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm, gọi tắt là SIPRI, phân tách các dữ kiện thu thập được trong một thời kỳ 5 năm, nhằm đưa ra một con số bình quân được coi là đáng tin cậy hơn là chỉ nhìn vào từng năm một.

Theo kết quả thấy được trong thời kỳ gần đây nhất, từ năm 2004 tới năm 2008, Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng trong số các nước trên thế giới tiếp nhận vũ khí qui ước, chiếm 11% tổng số của thế giới.

Nhà nghiên cứu Paul Holtom của SIPRI nói cao điểm về sự chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc là vào năm 2006.

Ông Holtom cho biết: “Đó là thời điểm những loại hàng lớn được giao, chẳng hạn như chiến đấu cơ, tàu hải quân, tàu ngầm và đơn đặt hàng sau cùng được đặt vào khoảng đầu thiên niên kỷ, từ 2001 tới 2003.”

Đồng thời, ông Holtom nêu ra điều ông mô tả là 'một sự giảm hạ đáng kể' trong số lượng vũ khí được giao tới cho Trung Quốc vào năm 2007 và năm 2008.

Theo ông, một trong những nguyên do là Trung Quốc cần có thời gian hấp thu số lượng lớn thiết bị đã nhận từ Nga, mà ông coi cũng gần như là một nước cung cấp độc quyền. Ông nói một lý do khác có thể là Trung Quốc tự túc hơn trong việc chế tạo và triển khai vũ khí và công nghệ quân sự của chính mình.

Trung Quốc đã không mua được vũ khí của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, từ khi áp dụng lệnh cấm vận vũ khí từ các nước này, sau khi xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu những người chống đối tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Ông Holtom còn nói việc Trung Quốc cố gắng triển khai vũ khí của chính mình đã gây nghi ngại cho Nga, là nước cho tới nay vốn không thích việc Trung Quốc chỉ mua một số lượng nhỏ chiến đấu cơ có thể sử dụng trên một hàng không mẫu hạm.

Ông Holtom nhận định: “Có thể giải thích là người Nga lo ngại rằng khi chỉ mua một số lượng nhỏ như vậy, là Trung Quốc muốn tìm hiểu cấu trúc máy móc và tìm cách bắt chước để chế tạo thêm cho chính mình.”

Lý do thứ ba là việc Trung Quốc gia tăng lượng vũ khí bán được trên thế giới khiến Bắc Kinh muốn tìm cách triển khai một công nghiệp vũ khí của riêng họ.

Các dữ kiện năm 1980 của SIPRI cho thấy Trung Quốc xếp hạng thứ 5 trong số những nước cung cấp vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Ông Holtom nói dù có những sự tiên liệu rằng Trung Quốc sẽ trở nên một nước cung cấp vũ khí chính trên thế giới, nhưng trong thời kỳ gần đây nhất Trung Quốc đã sụt xuống hạng 12.

Ông Holtom nói: "Hiện thời, những thứ Trung Quốc có thể cung ứng không mấy hấp dẫn đối với những nước mua nhiều. Nếu người ta nhìn vào thị trường của Trung Quốc, sẽ chỉ thấy những nước như Bangladesh hay những nước nghèo khác tại châu Á hay châu Phi.”

Ông Holtom nói thêm rằng khách hàng của Trung Quốc gồm những nước có nhiều tài nguyên về xăng dầu như Sudan và Miến Điện, là những nước bị phần đông cộng đồng quốc tế xa lánh. Ông còn nêu lên một trường hợp được biết đến nhiều hồi năm ngoái, khi vũ khí đạn dược của Trung Quốc được chở đến Zimbabwe, không lâu sau khi có một cuộc tuyển cử gây nhiều tranh cãi tại đó.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG