Đường dẫn truy cập

Lũ lụt: Vấn nạn của thủ đô Indonesia


Với dân số 24 triệu người, Jakarta mở rộng là một trong số 10 thành phố lớn nhất thế giới. Cũng giống như các đại đô thị khác ở thế giới đang phát triển, thành phố thủ đô của Indonesia này đang phải đối mặt với nạn kẹt xe, qui hoạch yếu kém và những khu nhà ô chuột lan tràn. Một trong những vấn nạn lớn nhất của thành phố này là lũ lụt, ảnh hưởng tới hơn 2 triệu người, đặc biệt là trong mùa mưa. Theo tường thuật do thông tín viên Solenn Honorine của đài chúng tôi từ Jakarta, nạn lũ lụt ở đây chủ yếu là một vấn đề do con người tạo ra. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết sau đây với Duy Ái của ban Việt ngữ.

Mỗi khi trời mưa, cả thành phố Jakarta hầu như phải ngưng hoạt động. Khách bộ hành chen nhau đến núp dưới những tấm vải bạt của những cửa hàng bên vệ đường trong khi những thanh niên ở trần và đi chân không đua nhau làm người chỉ huy lưu thông trên những con đường ngập nước.

Đối với hơn 2 triệu rưỡi cư dân ở Jakarta, lũ lụt là một “đại dịch” của mùa mưa. Một bà nội trợ tên Muharni cho biết mỗi tuần bà phải vật lộn với nước lụt ít nhất một lần.

Người phụ nữ 40 tuổi này nói rằng bà không thể làm gì khác hơn là mang mọi vật dụng trong nhà để lên bàn ghế và đứng nhìn nước bẩn tràn vào nhà. Bà e rằng ba đứa con nhỏ của bà có thể mặc bệnh sốt dengue hay bệnh tả.

Hiện nay mùa mưa ở Indonesia sắp hết, nhưng điều này không có nghĩa là bà Murhani sắp hết lo, vì nơi mà bà cư ngụ không những chỉ bị ngập lụt vì mưa mà còn vì triều cường như những khu vực ven biển khác.

Mực nước biển dâng cao mà các chuyên gia dự báo cho những năm tới đây có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ông Hongjoo Ham, một chuyên gia hàng đầu về cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới, cho biết rằng nạn biến đổi khí hậu chỉ là một nhân tố không mấy quan trọng của vấn đề này.

Ông Hongjoo nói: "Chúng tôi dự báo mực nước biển sẽ tăng 5 centimét vào năm 2025. Nhưng mỗi năm bản thân thành phố Jakarta lại lún xuống trung bình 5 centimét. Jakarta lún xuống vì một lý do rất dễ hiểu: đó là việc khai thác mạch nước ngầm. Cách khai thác này lấy hết khối nước dưới mặt đất và tạo ra một khoảng chân không. Rồi sức nặng của các ngôi nhà đè nó xuống để lấp vào chỗ trống của túi nước ngầm và vì thế mà Jakarta bị lún."

60% cư dân của Jakarta không có nước máy, cho nên họ phải dùng nước giếng để sinh hoạt.

Một số khu vực của thành phố này đã bị lún hơn hai mét. Khu Cipinang Besar đã bị ảnh hưởng của tình trạng này trong nhiều năm qua.

Ông Rahmat, một nhân sĩ của khu Cipinang Besar cho biết một phụ nữ hàng xóm của ông cùng với người con nhỏ của bà đã thiệt mạng trong trận lụt năm 2002. Tuy nhiên, ông không thể rời bỏ khu này để tìm nơi khác sinh sống vì ông phải ở gần nơi làm việc.

Mỗi năm, hàng vạn những người nhập cư như ông Rahmat rủ nhau tới sinh sống ở Jakarta và theo dự kiến dân số của thành phố này sẽ tăng 50% để lên tới 35 triệu người vào năm 2025. Chuyên gia Hongjoo Ham của Ngân hàng Thế giới nói rằng đây là một xu thế vô cùng nguy hiểm.

Ông Hongjoo cho biết: "Nạn ngập lụt ở Jakarta chủ yếu là một vấn đề do con người gây ra. Thành phố này đang gánh chịu áp lực vô cùng to lớn của vấn đề dân số vì dân chúng xây thêm rất nhiều nhà cửa và xây thêm nhiều đường sá, khiến cho nước mưa không thấm xuống đất, đặc biệt là ở vùng thượng nguồn."

Nằm ở vùng thượng nguồn của Jakarta là những núi lửa xinh đẹp dọc theo Đèo Puncak. Khu vực núi non xanh tươi này đang nhanh chóng bị thu hẹp bởi những căn biệt thự sang trọng của giới thượng lưu ở Jakarta.

Thành phố đất thấp này nằm giữa hai bức tường nước: một bên là biển ở phía bắc đang xói mòn vùng duyên hải, và bên kia là những trận mưa tràn xuống từ các triền núi.

Trước đây, Jakarta được thiết kế để ứng phó với lũ lụt. Những người Hà Lan chiếm Indonesia làm thuộc địa đã xây ở thành phố này một mạng lưới kênh rạch để nước lũ thoát ra biển. Nhưng hiện nay phần lớn những con kênh này đã bị nghẽn vì thiếu bảo trì.

Chính phủ ở đây vừa khởi động một chương trình nhiều tham vọng để giải quyết vấn đề lụt lội. Và bước đầu tiên của chương trình này là nạo vét các con kênh, một biện pháp khá đơn giản để giúp cho khoảng 1 triệu thoát khỏi mối đe dọa của lũ lụt.

Kênh Mangga Dua là con kênh đầu tiên được vét trong chương trình này. Ông Timo Worm, một kỹ sư người Hà Lan đang huấn luyện cho các chuyên viên Indonesia trong dự án vét kênh, thừa nhận rằng công tác đơn giản này khó lòng đạt được mục tiêu.

Ông Timo nói: "Tình hình dường như rất xấu. Khi vét kênh ở đây chúng tôi thấy có tới 50% là rác. Không giống như ở Hà Lan. Ở Hà Lan, những thứ mà chúng tôi nạo vét chủ yếu là bùn đất. Khi chúng tôi làm việc, nhiều người đã tới xem và vỗ tay hoan hô. Nhưng mặt khác họ vẫn cứ mang rác đem ném xuống kênh. Quả là dở khóc dở cười."

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Indonesia cần chi tiêu 5 tỉ đô la để khắc phục vấn đề lũ lụt ở Jakarta. Tuy nhiên, ông Hongjoo Ham của ngân hàng này nói rằng nếu không có quyết tâm vững mạnh của chính quyền địa phương thì cho dù có chi tiêu một khoản tiền lớn như vậy cũng vô ích mà thôi.

Ông Hongjoo nói: "Ý chí chính trị, nhu cầu hành động và công chúng nhất quyết đòi hỏi chính phủ làm việc có hiệu quả. Ba điều này kết hợp lại sẽ thật sự tạo ra một sức mạnh lớn để giải quyết vấn đề lũ lụt."

Ông Hongjoo cho biết ông lạc quan dè dặt là vấn đề này có thể sẽ được giải quyết.

Có một tin mừng cho cư dân Jakarta là mùa mưa sắp chấm dứt, và trong 6 tháng tới đây thành phố này sẽ khô ráo, ít nhất là ở những vùng nằm xa bờ biển. Trong khoảng thời gian này phần lớn các con kênh sẽ được vét, và nếu chương trình này diễn tiến theo đúng kế hoạch, dân chúng Jakarta sẽ không còn phải gánh chịu những nỗi khổ cực vì mưa lũ như trước.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG