Những ngôi sao điện ảnh, người mẫu và nhạc sĩ thường có thể lôi cuốn sự quan tâm của giới truyền thông, khi họ quảng bá các lý tưởng từ thiện và môi trường. Angelina Jolie, Bono, Leonardo Di Caprio chỉ là một số trong danh sách những người nổi tiếng nhất đã cho mượn những khuôn mặt nổi tiếng của họ cho các vấn đề nhân đạo, nợ nần của thế giới thứ 3 và vấn đề biến đổi khí hậu. Trong tường trình từ London, thông tín viên Rachel Smalley của đài VOA nhận định về thế giới 'những nhà ngoại giao danh tiếng', và vấn đề ai là người hưởng lợi.
Từ nhiều năm nay, các ca sĩ và nhạc sĩ đã hợp tác để cùng lôi cuốn sự quan tâm của thế giới tới nạn nghèo đói tại Châu Phi.
Bài hát nổi tiếng của năm 1985 ‘We are the World; là một bài hát nổi tiếng nhất trong sự kiện vừa nói, nhưng nó cũng góp phần vào một cuộc tranh cãi về vai trò của các nhà nhân đạo nổi tiếng, và câu hỏi liệu 'tiền bạc họ giúp thu gom được có tới tay những người cần tới nó nhất hay không?'.
Ông Peter Kessler thuộc Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn nói rằng các nhân vật được coi là những nhà ngoại giao ngôi sao giúp đem lại tính nhân đạo cho một vấn đề và đi được vào lòng người, là điều mà thường các cuộc vận động chính trị không làm được.
Ông Kessler nói: “Như chúng ta đã thấy với công nương Diana, khi lần đầu tiên bà cầm tay một nạn nhân bệnh AIDS, thì ngay lúc đó một thông điệp đã vang lên khắp nơi, rằng những người đó rất an toàn. Họ không hề là một mối đe dọa. Họ bị đe dọa. Và bạn có thể tới với họ với cách riêng của mình. Bạn không cần phải là một người nổi tiếng.”
Mục tiêu mà diễn viên Leonardo di Caprio đã chọn là vấn đề biến đổi khí hậu. Cuốn phim tư liệu của anh, 'Giờ thứ 11', đã đem lại cho anh điều anh nói là anh vẫn đang tìm kiếm: Ðó là cơ hội cảm nhận được là mình có một mục tiêu để theo đuổi.
Leonardo nói: “Và như bạn biết đấy, đối với tôi, nhìn thấy sự thấu hiểu về văn hóa của vấn đề bây giờ tự nó đã là điều khích lệ .”
Nữ bá tước Caroline Cox, một thành viên của Thượng viện Anh, là một trong những nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng của Anh. Bà đã dành mấy chục năm du hành để quảng bá cho mọi người hiểu rõ những người nghèo khó và người bị áp bức trong những nước như Miến Điện, Uganda và Đông Timor. Bà nói bà chịu trách nhiệm về mỗi một xu của quĩ từ thiện 650 ngàn đô la của bà được sử dụng như thế nào, nhưng bà đặt câu hỏi về cố gắng của những người khác.
Nữ bá tước Caroline nói: “Tôi chỉ muốn có thêm một chút hiểu biết, một chút minh bạch, và tính trách nhiệm liên quan đến việc phần lớn những số tiền đó đi về đâu, và bao nhiêu thật sự đã tới tay đứa trẻ đang hấp hối. Với tổ chức nhỏ của chúng tôi, tôi biết rõ với một chút tiền chúng tôi đã có thể thay đổi bao nhiêu. Tôi muốn biết rõ những khoản tiền lớn đã đi về đâu.”
Diễn viên điện ảnh Ben Afleck đã giúp làm một cuốn phim vận động cho Liên Hiệp Quốc về cơn khủng hoảng tỵ nạn tại Cộng hòa Dân chủ Congo hồi năm ngoái.
Anh cũng đã thuyết phục ban nhạc The Rolling Stones hiến tặng bản quyền bài hát 'Gimme Shelter'.
Một diễn viên khác đã trở thành một nhà ngoại giao ngôi sao chuyên nghiệp là Mia Farrow. Bà đã du hành đến các trại tỵ nạn ở Sudan hơn một chục lần và nói với phái viên đài VOA hồi năm 2007 rằng tình hình ở đó thật tuyệt vọng.
Bà Mia Farrow nói: “Theo tôi, họ là những cái nồi chứa đầy sự khổ não, bất mãn, căm hờn và bệnh truyền nhiễm.”
Bà Farrow đã thuyết phục được đạo diễn lừng danh Stephen Spielberg bỏ công việc chỉ đạo nghệ thuật tại Thế Vận Hội Bắc kinh. Bà nói rằng Trung quốc đang tài trợ cho cuộc nội chiến Sudan để đánh đổi lấy xăng dầu.
Mặt khác, Nữ Bá Tước Caroline Cox, nhà hoạt động nhân đạo Anh nói thêm: “Theo tôi khi các ngôi sao nổi tiếng tham gia vào những lãnh vực đang có yêu cầu cần thiết, nó đem lại một lợi điểm lớn. Nó sẽ đưa được sự cần thiết đó và những con người đó lên một nghị trình được quốc tế quan tâm. Vấn đề đó được biết tới. Đó là điều tốt.”
Gần ¼ thế kỷ đã trôi qua sau khi bài hát ‘We Are The World’ ra đời, nhiều nhân vật ngôi sao vẫn nỗ lực giúp đỡ người khốn khó… trong một thế giới mà Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNICEF, cho biết sự nghèo túng vẫn còn gây cái chết cho 30,000 trẻ em mỗi ngày.